Những điều cần biết về truyền hồng cầu khối

Bài biết bởi bác sĩ Huyết học - Truyền máu - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Hồng cầu khối được điều chế từ máu toàn phần bằng cách ly tâm và tách đi 80-90% plasma, sau đó thêm dung dịch nuôi dưỡng hồng cầu có chứa dextrose, adenine và mannitol cho phép dự trữ được 42 ngày. Theo đó, việc truyền hồng cầu khối sẽ được sử dụng để thay thế cho lượng máu đã mất ở người nhận và điều chỉnh những bất thường trong máu mà không có bất kỳ giải pháp nào có thể thay thế được.

1. Hồng cầu khối là gì?

Hồng cầu khối được điều chế từ máu toàn phần bằng cách ly tâm và tách đi 80-90% plasma, sau đó thêm dung dịch nuôi dưỡng hồng cầu có chứa dextrose, adenine và mannitol cho phép dự trữ được 42 ngày. Hồng cầu khối được bảo quản ở 40C. Có các loại khối hồng cầu: Hồng cầu đậm đặc, Hồng cầu có dung dịch bảo, quản Hồng cầu rửa, hồng cầu chiếu xạ, hồng cầu giảm bạch cầu.

Mỗi đơn vị hồng cầu khối có dung dịch bảo quản, thể tích 250 mL, có Hct từ 0,50 - 0,70 L/L, sẽ làm tăng thêm 10 g/L Hemoglobine. Hồng cầu khối không chứa yếu tố đông máu, nên sau khi truyền nhiều thì phải truyền plasma tươi đông lạnh. Ưu điểm của hồng cầu khối so với máu toàn phần là giảm nguy cơ quá tải thể tích, giảm lượng citrate, ammonia và các acid hữu cơ, giảm nguy cơ bệnh miễn dịch (allo immunization) nhờ chứa ít kháng nguyên. Hồng cầu khối làm tăng nhanh khả năng chuyên chở oxygen ở người bệnh bị mất máu cấp hay mạn.

Truyền máu
Hồng cầu khối được bảo quản ở 40C

2. Chỉ định truyền khối hồng cầu khối

Máu và các chế phẩm máu có nguồn gốc từ người, sẽ được sử dụng để thay thế cho lượng máu đã mất ở người nhận và điều chỉnh những bất thường trong máu mà không có bất kỳ giải pháp nào có thể thay thế được.

Hiện nay, máu và các chế phẩm của máu được sử dụng rất rộng rãi trong điều trị Hồi sức tích cực, Cấp cứu, Nội khoa, Ngoại khoa, Sản, Nhi khoa, Ghép tạng... và các chuyên khoa khác với mục đích bồi hoàn thể tích tuần hoàn máu và thành phần thiếu của máu hoặc để giúp bệnh nhân hồi sức khi dùng thuốc hóa trị có ảnh hưởng đến tủy xương. Đặc biệt, trong Sản – Phụ khoa bị chảy máu trong quá trình chuyển dạ, khi sinh là một biến chứng nguy hiểm, nếu không được xử lý kịp thời và hồi sức tốt thì có thể gây tử vong.

3. Người bệnh nào cần phải truyền khối hồng cầu?

Tình trạng người bệnh thiếu máu cấp tính hay mạn tính, nguyên nhân của thiếu máu, các biểu hiện lâm sàng của thiếu oxygen, khả năng bù trừ của bệnh nhân đối với sự mất máu và truyền máu.

Người bệnh thiếu máu mạn tính và có nguy cơ quá tải tuần hoàn, cần nhiều Hemoglobin để vận chuyển oxygen nhưng không muốn tăng thể tích tuần hoàn ở: Người già, trẻ nhỏ, những người có bệnh tim, phẫu thuật, xuất huyết tiêu hóa làm mất khoảng từ 15 đến 25% thể tích máu cơ thể. Bệnh thận và các trường hợp thiếu máu mạn tính mà không thể điều trị bằng các chất tạo máu như chất sắt, vitamin B12, acid folic, erythroprotein tái tổ hợp, các trường hợp chảy máu nặng do chấn thương....

  • Bị mất máu nặng do phẫu thuật hoặc do tai nạn,
  • Xuất huyết tiêu hóa,
  • Cấp cứu Sản - Phụ bị mất máu nhiều,
  • Thiếu máu mạn tính,
  • Hỗ trợ điều trị một số bệnh lý có thiếu máu...

Truyền máu cấp cứu: Trong tình huống khẩn cấp, hồng cầu khối nhóm O/cùng nhóm là chế phẩm duy nhất máu được dùng mặc dù chưa kịp làm phản ứng chéo/nhóm máu đã có thể cứu sống người bệnh.

Chảy máu cấp trong chấn thương, xuất huyết tiêu hóa hay vỡ phình động mạch chủ bụng. Ở người bệnh khỏe mạnh mất < 1500 mL máu (25-30% thể tích máu của người 70 kg) có thể được bù hoàn toàn bằng dịch. Nếu mất hơn lượng này, cần truyền hồng cầu khối để tăng khả năng vận chuyển oxygen và dịch thể để bù thể tích tuần hoàn.

Truyền máu
Bệnh nhân thiếu máu mạn tính cần được truyền máu

Mất máu ngoại khoa: Hb < 70 g/L hay cuộc mổ mất máu nhiều.

Thiếu máu mạn tính cần truyền hồng cầu khối nếu Hb < 70 g/L hay nếu người bệnh có triệu chứng hay bệnh lý tim phổi.

Ngoài hồng cầu khối, có các chế phẩm khác như hồng cầu nghèo bạch cầu, hồng cầu đông lạnh, hồng cầu rửa dành cho một số người bệnh đặc biệt.

Truyền máu

4. Tai biến không mong muốn khi truyền chế phẩm máu/khối hồng cầu

Tai biến không mong muốn hoặc phản ứng truyền máu là các phản ứng, biểu hiện xảy ra ở người bệnh có liên quan đến truyền máu và các chế phẩm máu.

Truyền máu/chế phẩm máu là vấn đề cần thiết đảm bảo sự sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, truyền máu/chế phẩm máu có thể gây những tai biến không mong muốn, có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh nếu không thực hiện đúng và kiểm soát kịp thời.

Theo đó, tai biến do truyền máu/chế phẩm máu có thể xảy ra sớm hoặc muộn. Vì vậy chỉ truyền máu khi rất cần thiết.

Các tai biến xảy ra sớm như tan máu do truyền nhầm nhóm máu ABO, Rh, hạ thân nhiệt, run, dị ứng, phù phổi cấp trong khi truyền... Các tai biến muộn xảy ra khi truyền máu gồm: nhiễm trùng, nhiễm các virus gây bệnh truyền nhiễm qua máu như viêm gan B, C, HIV, tan máu muộn...

Khi xảy ra tai biến cần xử trí kịp thời, đúng phác đồ nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Truyền máu
Truyền máu có thể xảy ra tai biến

5. Phân loại tai biến khi truyền hồng cầu khối

5.1. Phân loại

Phân loại theo cơ chế

  • Bất đồng miễn dịch
  • Nhiễm trùng
  • Truyền máu khối lượng lớn.

Phân loại theo mức độ:

  • Nhẹ
  • Trung bình
  • Nặng

Phân loại theo thời gian:

  • Cấp tính: Tai biến truyền máu cấp xảy ra từ khi bắt đầu truyền máu và trong vòng 24 giờ sau truyền máu.
  • Muộn: Tai biến truyền máu chậm xảy ra sau 24 giờ đến nhiều ngày sau truyền máu.

5.2. Tai biến không mong muốn cấp tính

  • Phản ứng dị ứng - nổi mề đay
  • Phản ứng sốt sau truyền máu không do tan máu
  • Nhiễm khuẩn
  • Tan máu cấp
  • Sốc phản vệ
  • Tổn thương phổi cấp do truyền máu (TRALI)

5.3. Tai biến không mong muốn muộn do truyền máu

  • Lây các bệnh lây qua đường truyền máu: HIV-1 và HIV-2, HTLV-1 và II, Viêm gan B và C, Giang mai, Sốt rét, Nhiễm cytomegalovirus...
  • Bệnh ghép chống chủ do truyền máu (GvHD).
  • Xuất huyết sau truyền máu
  • Các tai biến do truyền máu khối lượng lớn: Rối loạn huyết động, Nhiễm độc citrat, Hạ thân nhiệt, Nhiễm sắt do truyền máu...

5.4. Dấu hiệu phát hiện sớm và triệu chứng lâm sàng

  • Bồn chồn, lo âu, khó chịu, lơ mơ, mất tri giác;
  • Đau lưng, đau bụng, đau đầu;
  • Sốt hoặc rét run;
  • Sẩn, mẩn ngứa, mề đay;
  • Mạch nhanh, huyết áp hạ, trụy mạch, khó thở, suy hô hấp;
  • Buồn nôn, nôn,
  • Đột ngột chảy máu ở các vết thương đã cầm từ trước, không cầm máu được các vết thương mới, máu chảy ra không đông,
  • Đái huyết sắc tố...

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Y tế (2013). Thông tư 26/ 2013/TT- BYT ngày 16/09/2013 “Hướng dẫn hoạt động truyền máu”.
  2. Bộ môn Huyết học-Truyền máu, đại học Y Hà nội (2014). Bài giảng Huyết học-Truyền máu (Sau đại học). Nhà xuất bản Y học...
Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

13.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan