Những điều cần biết về Viêm Amidan tái phát

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Đặng Thị Thùy Trang - chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Viêm amidan là một tình trạng sưng, đỏ, đau các khối amidan ở hầu họng và phía sau cổ họng. Đây là một trong các bệnh lý viêm nhiễm trên đường hô hấp trên khá thường gặp, nhất là trẻ em tuổi đến trường.

1. Viêm amidan tái phát là gì?

Viêm amidan được chia thành ba loại, phụ thuộc vào tần suất xuất hiện viêm amidan và thời gian kéo dài:

  • Viêm amidan cấp tính: bao gồm các trường hợp triệu chứng kéo dài từ ba ngày đến khoảng hai tuần.
  • Viêm amidan tái phát: xảy ra khi một người bị viêm amidan nhiều lần trong một năm.
  • Viêm amidan mãn tính: có các triệu chứng kéo dài hơn hai tuần.

Tình trạng nhiễm trùng có thể đáp ứng với kháng sinh ban đầu nhưng bệnh vẫn quay trở lại. Có một vài nghiên cứu đã chứng minh được tính di truyền có thể gây ra viêm amidan tái phát. Đồng thời, các nghiên cứu cũng cho thấy rằng viêm amidan tái phát phổ biến hơn ở trẻ em, trong khi viêm amidan mãn tính phổ biến hơn ở người lớn.

2. Nguyên nhân gây viêm amidan tái phát

Rửa tay trước khi ăn, khi sử dụng nhà vệ sinh hoặc tiếp xúc với các vật dụng
Cần rửa tay thường xuyên để tránh bị viêm amidan tái phát

Viêm amidan do bạch hầu là bệnh lý truyền nhiễm, viêm amidan do vi khuẩn khác thì không coi là truyền nhiễm.

Thông thường, viêm amidan là do virus: cytomegalo, herpes simplex, Epstein-Barr. Ở trẻ em, viêm amidan tái phát thường gặp nhất do nhiễm trùng Streptococcus pyogenes nhóm A, còn được gọi là viêm họng liên cầu khuẩn, trong khi các vi khuẩn khác có khuynh hướng gây viêm amidan tái phát ở người trưởng thành.

Theo đó, để tránh bị viêm amidan tái phát, cần rửa tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc gần, không dùng chung cốc cũng như các dụng cụ cá nhân khác để hạn chế lây nhiễm với người đang mắc bệnh.

3. Các triệu chứng của viêm amidan tái phát

Các triệu chứng của viêm amidan tái phát cũng tương tự nhau trong các lần cấp, bao gồm:

  • Viêm và sưng amidan
  • Đau họng hoặc đau cổ
  • Bề mặt amidan đỏ hay có giả mạc vàng, trắng
  • Phồng rộp hoặc lở loét trên cổ họng
  • Các tuyến bạch huyết ở cổ sưng to
  • Khàn giọng hoặc mất giọng
  • Đau đầu
  • Ăn không ngon, ăn kém
  • Đau lan lên tai
  • Khó nuốt
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Hôi miệng

4. Chẩn đoán và các xét nghiệm đối với viêm amidan tái phát

Viêm họng: Bệnh tưởng nhẹ nhưng chớ coi thường
Chẩn đoán viêm amidan tái phát chủ yếu được dựa trên một bệnh sử lặp đi lặp lại nhiều lần

Chẩn đoán viêm amidan tái phát chủ yếu được dựa trên một bệnh sử lặp đi lặp lại nhiều lần. Bên cạnh đó, việc thăm khám lâm sàng với các biểu hiện tại chỗ và toàn thân cũng cần thiết để loại trừ khả năng mắc các bệnh lý khác. Theo đó, bác sĩ sẽ khám bằng đèn hoặc nội soi họng, khám vùng cổ và dưới hàm để kiểm tra các hạch bạch huyết bị viêm.

Các xét nghiệm có thể được thực hiện để chẩn đoán, nhất là nhằm tìm tác nhân gây bệnh, bao gồm:

  • Xét nghiệm sự hiện diện của streptococcus tan huyết nhóm A
  • Phết họng để cấy vi khuẩn

5. Cách điều trị và chăm sóc viêm amidan tái phát

  • Do virus: nâng cao tổng trạng, sức đề kháng, điều trị triệu chứng như hạ sốt giảm đau.
  • Do vi trùng: kháng sinh thích hợp.

Điều trị hỗ trợ bao gồm:

  • Nghỉ ngơi tại giường hay hoạt động nhẹ nhàng
  • Uống nước ấm để giảm đau họng
  • Ăn các loại thực phẩm mềm mịn, như ăn súp, bột, cháo xay
  • Súc miệng bằng nước muối ấm.

Chỉ định phẫu thuật cắt amidan khi viêm amidan tái phát nhiều lần:

  • 7 lần trong một năm hoặc
  • 5 lần/1 năm trong 2 năm liên tiếp hoặc
  • 3 lần/1 năm trong 3 năm liên tiếp.

Hoặc:

  • Biến chứng tại chỗ gây viêm tấy, áp xe quanh amidan.
  • Biến chứng lân cận gây viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng...
  • Các biến chứng xa: viêm màng trong tim, viêm cầu thận, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.
  • Viêm quá phát gây khó thở, khó nuốt, khó nói.

Để phòng tránh viêm amidan tái phát, các thói quen vệ sinh đúng cách hằng ngày đã chứng minh tính hiệu quả rất cao. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước, đặc biệt là khi tiếp xúc với người bị bệnh và đồ vật của họ. Không dùng chung các vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dụng cụ ăn uống với bất cứ ai. Che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất là sử dụng khăn giấy để vi trùng không dính vào tay. Mang khăn lau dùng một lần và nước rửa tay để lau tay hoặc các vật dụng dùng chung khác ở nơi công cộng. Không hút thuốc lá cũng như không hút thuốc gần trẻ nhỏ.

Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park hiện áp dụng Kỹ thuật cắt amidan, nạo VA bằng Coblator. Ưu điểm của kỹ thuật này là thời gian phẫu thuật nhanh, không mất máu, cầm máu tốt. không bị bỏng sau mổ, không sưng, quá trình hậu phẫu nhẹ nhàng. Với Coblator, người bệnh ít đau hơn rất nhiều so với phẫu thuật truyền thống và phẫu thuật bằng dao điện đơn cực hay lưỡng cực, có thể hồi nhanh sau 4 - 5 ngày điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

4.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan