Phân loại nấm gây bệnh trên người

Bài viết được viết bởi ThS.BS Ma Văn Thấm - Bác sĩ Nội Nhi, Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Nấm tồn tại ở khắp mọi nơi, trong môi trường đất, nước, không khí, trên động thực vật và cả trên cơ thể người. Khi gặp các điều kiện thuận lợi như thời tiết nóng ẩm, sức đề kháng cơ thể giảm... nấm sẽ phát triển và gây bệnh. Bệnh lý do nấm có thể gặp ở cả người lớn và trẻ

1. Các đặc tính của nấm

Có khoảng trên một triệu loài nấm, trong đó vi nấm có hàng trăm ngàn loài. Nấm gây bệnh là các vi nấm. Có khoảng trên ba trăm loài có thể gây bệnh ở người.

Vi nấm gây bệnh được chia ra làm hai loại chính là nấm sợi (mould) và nấm men (yeast), cũng có một số loài nấm lưỡng hình (dimorphic) là nấm men khi gây bệnh ở người và nấm sợi trong môi trường nuôi cấy.

2. Phân loại giới nấm

Phân loại giới nấm dựa vào cấu trúc, hóa sinh và sinh học phân tử. Nấm được chia thành lớp, bộ, họ, giống/ chi và loài.

Lớp Basidiomycetes không có loài nào ký sinh ở người

Lớp Actinomycetes gây bệnh ở chân, hàm, bẹn

Lớp Phycomycetes gây những bệnh hiếm gặp ở da và niêm mạc

Lớp Ascomycetes gây tổn thương ở da, tóc, móng, toàn thân. Trong lớp này có họ Blastomyces, Histoplasma thuộc bộ Endomycetales và giống Aspecgilus trong họ Aspergillaceac thuộc bộ Plectascalles có thể gây bệnh.

Lớp Adelomycetes mang tính chất của một loài nấm tạm thời, loài nào sau khi phát hiện được những hình thể sinh sản hữu tính sẽ được chuyển sang một trong các bộ trên.

Trong lớp này có họ Candida thuộc bộ Blastosporae. Nấm Candida có rất nhiều loài khác nhau đều có khả năng gây bệnh tương tự.

Một số đặc điểm của nấm Candida :

  • Trong tự nhiên sống nhiều ở môi trường có chứa đường như hoa quả, rau củ, vườn quả, xưởng bánh kẹo...
  • Là bào tử vách mỏng, là nấm hoại sinh ở người. Bệnh do Candida thường là nhiễm trùng cơ hội sau khi mắc một bệnh khác hoặc sau dùng thuốc kháng sinh, corticoid, thuốc ức chế miễn dịch, cơ địa suy giảm miễn dịch mắc phải (HIV) hoặc bẩm sinh...
  • Candida có thể gây nên nhiều bệnh khác nhau ở nhiều tạng và cơ quan khác nhau: Ngoài da (nấm móng, nấm kẽ, nấm da tay, nấm da chân...), niêm mạc (miệng, thanh quản, tiêu hóa, sinh dục...), các tạng (gan, phổi...), nhiễm trùng máu.
  • Loài Candida albicans là hay gặp nhất, ngoài ra còn có thể gặp Candida tropicalis, Candida krusei, Candida parasilosis...
Phân loại nấm gây bệnh trên người
Phân loại nấm

3. Phân loại bệnh do nấm gây ra

Nấm có thể gây ra 4 loại bệnh:

  • Dị ứng với nấm (Hypersensitivity): Là phản ứng quá mẫn đối với nấm mốc và bào tử nấm.
  • Nhiễm độc nấm (Mycotoxicoses): Người hoặc động vật ăn phải thức ăn nhiễm nấm sinh ra các độc tố gây nhiễm độc.
  • Ngộ độc nấm (Mycetismus): Ngộ độc cấp do nấm, có thể dẫn tới tử vong.
  • Nhiễm nấm (Infection): Hầu hết các loại nấm gây ra nhiễm nấm không sinh độc tố nhưng chúng có khả năng gây ra các rối loạn sinh lý như làm tăng tỷ lệ chuyển hóa, biến đổi chuyển hóa và cấu trúc màng tế bào. Hầu hết nấm có thể chịu đựng được nhiệt độ khá cao và có thể tồn tại được dưới tác động của các chất oxy hóa khử, phân giải của đại thực bào, do đó nấm có thể chịu đựng được sức đề kháng của cơ thể vật chủ. Việc nhiễm nấm thường phụ thuộc vào số lượng bào tử nấm bị nhiễm và sức đề kháng của cơ thể vật chủ.

Trong thực tế lâm sàng thường phân loại bệnh nấm như sau:

  • Bệnh nấm nông hoặc nấm da là các bệnh nấm ở lớp ngoài da, móng, tóc, hiếm khi lan vào tổ chức sâu hơn hoặc vào tạng
  • Bệnh nấm dưới da: Gây ra các bệnh khu trú ở vùng dưới da, thường liên quan đến chi dưới, ít khi lan rộng toàn thân.
  • Bệnh nấm toàn thân hay bệnh nấm hệ thống: Có thể gây bệnh ở các tạng sâu và có thể lan rộng. Mỗi một loại nấm có thích ứng với từng tạng, từng cơ quan.
  • Bệnh nấm cơ hội: Là các trường hợp nhiễm nấm trên cơ địa có suy giảm miễn dịch, ít liên quan đến độc tố.

Dựa vào vị trí gây bệnh, cũng có thể chia bệnh nấm làm hai loại:

  • Nhiễm nấm sâu: Nấm xâm nhập vào các mô của cơ thể như các loại nấm nội tạng, nấm não, nhiễm nấm máu...
  • Nhiễm nấm nông: Gồm các loại nấm da và niêm mạc

Khi có những biểu hiện bất thường ở da hay niêm mạc nghi ngờ nhiễm nấm cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm trong khám điều trị bệnh, người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm thăm khám và điều trị tại Bệnh viện.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan