Phần nào của bộ não kiểm soát cảm xúc?

Não bộ chi phối hầu hết các hoạt động sống của cơ thể, trong đó có kiểm soát và xử lý các loại cảm xúc. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn đang tìm hiểu về vai trò của một số cơ quan cụ thể ở não bộ trong việc kiểm soát các cảm xúc cơ bản của con người như sợ hãi, giận dữ, hạnh phúc và tình yêu.

1. Não kiểm soát cảm xúc như thế nào?

Hệ thống limbic là một nhóm các cấu trúc liên kết nằm sâu trong não bộ, có nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc và hành vi của con người. Các nhà khoa học vẫn chưa thống nhất về danh sách đầy đủ các cơ quan trong hệ thống limbic. Cấu trúc thường được chấp nhận là một phần của hệ thống gồm có:

  • Vùng dưới đồi: Ngoài việc kiểm soát cảm xúc, vùng dưới đồi còn liên quan đến các phản ứng tình dục, giải phóng hormone và điều chỉnh nhiệt độ cơ thể.
  • Hồi hải mã: Hồi hải mã giúp lưu giữ và lấy lại ký ức. Nó cũng giúp con người hình dung về các kích thước không gian.
  • Hạch hạnh nhân: Các hạch hạnh nhân giúp cơ thể tạo ra một loạt các phản ứng khác nhau với các sự vật, hiện tượng trong môi trường sống, đặc biệt là các tình huống gây kích thích cảm xúc mãnh liệt. Nó có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát nỗi sợ và tức giận.
  • Thể chai: Thể chai gồm có 2 cấu trúc là hồi đai (cingulate gyrus) và hồi cận hải mã (parahippocampal gyrus). Chúng cùng nhau tác động đến tâm trạng, động lực thúc đẩy và khả năng phán đoán của con người.

2. Phần nào của não kiểm soát nỗi sợ hãi?

Từ quan điểm sinh học, sợ hãi là một cảm xúc giúp cơ thể tạo ra phản ứng trước các tình huống “có thể” không an toàn hoặc cảnh báo mối nguy hiểm.

Phản ứng này được tạo ra bởi hạch hạnh nhân, tiếp theo là vùng dưới đồi. Đây là lý do tại sao một số người bị tổn thương hạch hạnh nhân thỉnh thoảng phản ứng không thích hợp với các tình huống nguy hiểm.

Khi hạch hạnh nhân kích thích vùng dưới đồi, nó tạo ra phản ứng “fight or flight”. Đây là một phản ứng sinh lý xảy ra trong khi cơ thể cảm nhận về một sự kiện đe dọa, tấn công, hoặc gây nguy hiểm đến sự sống. Sau đó, vùng dưới đồi gửi tín hiệu đến tuyến thượng thận để sản xuất các loại hormone như adrenalinecortisol.

Khi các hormone này xâm nhập vào máu, bạn có thể nhận thấy một số thay đổi về thể chất, chẳng hạn như tăng:

  • Nhịp tim
  • Nhịp thở
  • Đường huyết
  • Mồ hôi

Ngoài kích hoạt phản ứng “fight or flight”, hạch hạnh nhân còn đóng vai trò trong việc lặp lại các phản ứng sợ hãi ở các tình huống nhất định xảy ra trong cuộc sống.

tim đập nhanh
Các hormone được tiết ra xâm nhập vào máu, cơ thể bạn sẽ có những sự thay đổi như nhịp tim tăng, thở gấp,...

3. Phần nào của não kiểm soát cơn giận?

Tức giận là một loại cảm xúc giúp cơ thể phản ứng với các mối đe dọa hoặc căng thẳng từ môi trường sống. Nó là phần “fight” (chiến đấu) trong phản ứng “fight or flight” (chiến đấu hoặc trốn tránh). Ví dụ, cảm giác thất vọng khi gặp rắc rối trong quá trình đạt được mục tiêu có thể gây ra cảm giác tức giận.

Hạch hạnh nhân kích thích vùng dưới đồi tương tự như với phản ứng sợ hãi. Ngoài ra, sự tức giận còn chịu sự chi phối của vùng vỏ não trước trán. Những người có tổn thương ở những vùng này sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, đặc biệt là sự tức giận.

4. Phần nào của não tạo ra cảm giác hạnh phúc?

Hạnh phúc là trạng thái cơ thể cảm thấy hài lòng và vui vẻ. Nó giúp kích thích các suy nghĩ và cảm xúc tích cực.

Các nghiên cứu hình ảnh cho thấy cảm giác hạnh phúc bắt nguồn một phần ở hồi hải mã. Ngoài ra, nó còn chịu tác động của tiểu thùy tứ giác (precureus) với chức năng lấy lại ký ức, lưu giữ cảm xúc và tăng cường khả năng tập trung.

Một nghiên cứu năm 2015 nhận thấy rằng khối lượng chất xám lớn hơn trong tiểu thùy tứ giác phải giúp con người có cảm giác hạnh phúc hơn. Các nhà khoa học cho rằng tiểu thùy tứ giác giúp xử lý các thông tin nhất định và chuyển đổi nó thành cảm giác hạnh phúc.

Khám phụ khoa định kỳ để bảo vệ hạnh phúc gia đình bạn
Hạnh phúc là trạng thái cơ thể giúp kích thích các suy nghĩ và cảm xúc tích cực

5. Phần nào của não tạo ra cảm xúc trong tình yêu?

Sự khởi đầu của tình yêu lãng mạn có liên quan đến cảm giác căng thẳng được sản xuất ở vùng dưới đồi. Khi yêu con người thường phấn khích và lo lắng khi suy nghĩ về người mình yêu hoặc khi đứng trước mặt họ.

Khi những cảm giác này trở nên mãnh liệt, vùng dưới đồi sẽ kích thích giải phóng nhiều loại hormone (dopamine, oxytocin và vasopressin). Dopamine được liên kết với hệ thống “tặng thưởng” làm thăng hoa cảm xúc trong tình yêu.

Một nghiên cứu nhỏ năm 2015 cho thấy khi các tình nguyện viên được cho xem các hình ảnh về người mà họ yêu thích, hoạt động của một số vùng trong não bộ tăng lên, dopamine được kích thích sản xuất nhiều hơn.

Oxytocin được gọi là hormone tình yêu, được sản xuất ở vùng dưới đồi và phóng thích qua tuyến yên. Nó tăng lên khi bạn ôm một ai đó hoặc đạt cực khoái. Oxytocin còn giúp tăng các mối liên kết xã hội, tạo sự tin tưởng và xây dựng các mối quan hệ. Nó còn thúc đẩy cảm giác bình tĩnh và mãn nguyện.

Tương tự như oxytocin, vasopressin được sản xuất ở vùng dưới đồi và được tiết ra bởi tuyến yên. Nó cũng giúp gắn kết các mối quan hệ xã hội.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

43.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan