Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng – Khi nào nên thực hiện?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi - Bác sĩ Chấn thương chỉnh hình - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.

Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng là bệnh lý có tỷ lệ mắc bệnh khá cao, gây nhiều triệu chứng khó chịu cho bệnh nhân như đau nhức, tê buốt, sưng tấy ở vùng lưng, thậm chí gây teo cơ, bại liệt,... Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm là một trong những phương pháp điều trị giúp kiểm soát hữu hiệu căn bệnh này.

1. Tổng quan về thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

1.1 Khái niệm

Thông thường, cột sống con người giữ vai trò làm trụ cột để nâng đỡ cơ thể. Giữa các đốt sống là các đĩa đệm với khả năng đàn hồi tốt, làm nhiệm vụ hấp thụ xung động, từ đó bảo vệ cột sống. Với hình dạng gần giống chữ S, cột sống có thể phân tán các lực tác động lên thân thế, giảm chấn động lên 2 chân trong tư thế đứng thẳng.

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng bao xơ bên ngoài đĩa đệm bị rách hoặc đứt, tạo ra các khe hở. Nhân nhầy đĩa đệm cột sống vì thế đã thoát ra ngoài kẽ hở này với tốc độ nhanh, hình thành khối thoát vị, chui vào ống sống, chèn ép màng tủy và rễ thần kinh.

1.2 Nguyên nhân và triệu chứng

Một số nguyên nhân chủ yếu gây thoát vị đĩa đệm gồm: Làm việc sai tư thế, mang vác vật nặng sai cách, chấn thương cột sống do tai nạn, cột sống bị thoái hóa tự nhiên do tuổi tác (bệnh thường gặp ở người 35 - 50 tuổi). Ngoài ra, có một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm thừa cân, béo phì, mắc bệnh lý cột sống (gai đôi cột sống, thoái hóa cột sống, gù vẹo cột sống), đặc thù công việc (người thường xuyên khuân vác nặng hoặc người ít vận động trong 8 - 10 tiếng/ngày), thói quen đi giày cao gót,...

Các triệu chứng của bệnh gồm: Đau thắt lưng dữ dội, đột ngột hoặc đau âm ỉ lan tỏa vùng thắt lưng. Người bệnh có thể bị đau thắt lưng đi kèm đau thần kinh tọa, đau lan theo hình vòng cung ra phía trước ngực, tê hoặc yếu 2 chi, đau tăng khi ngồi, ho, hắt hơi hoặc đại tiện,...

đau lưng
Người bệnh có thể bị đau lưng dữ dội đột ngột hoặc âm ỉ vùng thắt lưng

Đây là căn bệnh nguy hiểm, có thể gây ra nhiều hệ lụy nếu điều trị muộn hoặc điều trị sai phương pháp. Các hệ lụy thường gặp gồm: Khó khăn khi vận động các chi, mất khả năng lao động, tổn thương thần kinh tọa, rối loạn bàng quang hoặc chức năng ruột, đại - tiểu tiện không tự chủ, bại liệt, tàn phế, teo cơ chân,...

1.3 Điều trị

Việc điều trị thường theo từng giai đoạn bệnh (sớm hay muộn), tính chất tổn thương, vị trí, biến chứng, mức độ ảnh hưởng tới khả năng vận động, sinh hoạt, lao động,... Từ đó, bệnh nhân có thể điều trị bằng phương pháp bảo tồn hay can thiệp phẫu thuật.

Với phương pháp điều trị bảo tồn, người bệnh thường được chỉ định sử dụng thuốc giảm đau kết hợp thuốc chống viêm, thuốc chống co cứng cơ,... Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được tiêm ngoài màng cứng, tiêm quanh rễ thần kinh và các biện pháp khác như xoa bóp, vật lý trị liệu, chiếu đèn hồng ngoại, kéo giãn cột sống, đai lưng,...

Một số trường hợp có thể sử dụng thủ thuật phong bế rễ thần kinh chọn lọc để làm giảm đau thần kinh bị chèn ép. Khi các triệu chứng đau đã giảm, bệnh nhân sẽ được tập phục hồi để dự phòng các tổn thương về sau, có thể kết hợp với các phương pháp đông y như bấm huyệt, châm cứu,...

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng cũng là phương pháp được chỉ định trong một số trường hợp nhất định.

2. Tìm hiểu phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm

2.1 Khi nào nên phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng?

Phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định nên không phải bệnh nhân nào cũng có thể thực hiện. Chỉ nên thực hiện phẫu thuật đối với những trường hợp sau:

  • Điều trị nội khoa thất bại sau 5 - 8 tuần;
  • Thoát vị đĩa đệm gây tình trạng chèn ép thần kinh cấp tính;
  • Thoát vị đĩa đệm gây tình trạng rách bao xơ, thoát vị di trú;
  • Bệnh nhân không muốn điều trị nội khoa khi bác sĩ đã tiên lượng khả năng đáp ứng thấp.
Phẫu thuật chấn thương dương vật
Người bệnh thực hiện phẫu thuật sau khi điều trị nội khoa thất bại

Một số trường hợp đặc biệt cần phẫu thuật cấp cứu. Đó là:

  • Thoát vị đĩa đệm gây đau quá mức và việc sử dụng thuốc giảm đau không có tác dụng;
  • Thoát vị đĩa đệm gây liệt hoặc hội chứng đuôi ngựa: Chèn ép rễ thần kinh làm giảm trương lực cơ, gây yếu hoặc liệt các nhóm cơ, dẫn tới liệt mềm đột ngột 2 chi dưới, đi kèm tiêu tiểu và sinh dục.

2.2 Các phương pháp phẫu thuật

Để tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân cần được thăm khám, điều trị sớm. Trước phẫu thuật, người bệnh sẽ được chẩn đoán hình ảnh CT, MRI và xem xét các liệu trình điều trị trước đó.

Các phương pháp phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường được áp dụng gồm:

  • Phẫu thuật mổ mở hoặc qua ống banh, lấy bỏ nhân thoát vị, giải chèn ép thần kinh. Trong khi mổ có thể sử dụng kính hiển vi hỗ trợ;
  • Phẫu thuật nội soi cột sống, lấy bỏ nhân bị thoát vị.

Mỗi phương pháp phẫu thuật trên đều có ưu, nhược điểm riêng. Việc lựa chọn phương pháp nào sẽ tùy thuộc vào tính chất tổn thương của bệnh nhân.

2.3 Biến chứng phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

Bất cứ phương pháp điều trị phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro, bao gồm cả phẫu thuật thoát vị đĩa đệm. Một số trường hợp bệnh nhân dù đã được phẫu thuật nhưng vẫn không thể chuyển động linh hoạt, thậm chí bệnh có thể diễn tiến nặng hơn. Sau đây là một số biến chứng có thể gặp trong và sau phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng:

  • Nhiễm trùng: Sử dụng dụng cụ phẫu thuật không được sát trùng hoặc vết mổ hở có thể khiến bệnh nhân đối diện với nguy cơ cao bị nhiễm trùng. Tình trạng nhiễm trùng liên quan tới ống sống hoặc đĩa đệm có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân;
  • Thoát vị đĩa đệm tái phát: Sau phẫu thuật khoảng 6 tháng, bệnh nhân có thể giảm bớt triệu chứng đau nhức nhưng không thể phục hồi sức khỏe hoàn toàn. Căn bệnh này cũng có tỷ lệ tái phát khá cao là 5 - 15%;
  • Thoái hóa cột sống: Sau phẫu thuật, sự linh hoạt của cột sống có thể không được như ban đầu;
  • Tổn thương thần kinh: Trong quá trình phẫu thuật, một số dây thần kinh có thể bị tổn thương nặng và gây nhiều ảnh hưởng tới các cơ quan khác trên cơ thể;
  • Biến chứng khác: Bệnh nhân thường xuyên bị tê, xơ hóa vùng cột sống thắt lưng, có thể bị xuất huyết ở các mô gây bại liệt hoặc thậm chí dẫn tới tử vong.
Đau lưng
Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người bệnh

2.4 Lưu ý sau phẫu thuật

  • Nên theo các bài tập thiền, bài tập yoga nhẹ nhàng để giảm nhanh các triệu chứng đau nhức lưng;
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện các bài tập vật lý trị liệu;
  • Xây dựng một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung các loại dưỡng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là thức ăn giàu vitamin, sắt, canxi,...;
  • Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, nên uống thêm nước ép trái cây để tăng cường sức đề kháng;
  • Sắp xếp thời gian lao động và nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ 8 tiếng/ngày, không thức quá khuya;
  • Không mang vác các vật nặng hoặc làm việc quá sức;
  • Giữ cân nặng ở mức hợp lý, tránh tình trạng thừa cân hoặc béo phì;
  • Giữ tinh thần lạc quan và thoải mái;
  • Tuân thủ nghiêm ngặt mọi hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị.

Những bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng nếu mắc thêm các bệnh huyết áp, tim mạch, tiểu đường, máu khó đông,... cần phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định thực hiện phẫu thuật. Tốt nhất người bệnh nên đi thăm khám sớm để bác sĩ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

32.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan