Quy trình chụp cắt lớp vi tính hốc mắt axial và coronal có tiêm thuốc cản quang

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ nội trú Nguyễn Quỳnh Giang - Bác sĩ Nội trú chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh và Y học hạt nhân - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chụp cắt lớp vi tính hốc mắt có giá trị cao trong chẩn đoán bệnh vùng hốc mắt, là kỹ thuật chẩn đoán có giá trị cao, chi tiết tổn thương trên xương. Phương pháp này có thể dùng thuốc cản quang hoặc không, khi sử dụng thuốc cản quang có khả năng làm rõ các tổn thương liên quan tới mạch máu.

1. Chụp cắt lớp vi tính hốc mắt axial và coronal có tiêm thuốc cản quang là gì?

Chụp cắt lớp vi tính hốc mắt có tiêm thuốc cản quang là phương pháp đưa thuốc cản quang vào cơ thể qua đường tiêm tĩnh mạch, tiến hành chụp trước và sau khi tiêm giúp chẩn đoán chính xác bệnh lý vùng hốc mắt như: Bệnh lý thần kinh thị giác, tổn thương dạng u, chấn thương.... Đặc biệt giúp làm rõ tổn thương liên quan tới mạch máu hốc mắt.

Chất cản quang là những chất có tác dụng hấp thụ tia X từ đó làm tăng cho những tổn thương ngấm thuốc rõ hơn trên phim chụp.

Vùng hốc mắt khi chụp cần chụp theo hai hướng là hướng cắt ngang (axial) và đứng ngang(coronal). Đôi khi đối với một số máy có cắt lớp đa dãy có thể tái tạo hướng đứng ngang từ hướng cắt ngang.

2. Chỉ định và chống chỉ định

Nâng sàn hốc mắt
Khi người gặp chấn thương vùng hốc mắt, bác sĩ sẽ có chỉ định chụp cắt lớp vi tính

Chỉ định:

● Chấn thương vùng hốc mắt.

● Viêm, nhiễm trùng như viêm dây thần kinh thị giác...

● Nghi ngờ có tổn thương mạch máu, thần kinh, khối u trong vùng hốc mắt.

● Chỉ định theo yêu cầu chuyên môn của bác sĩ điều trị.

Chống chỉ định:

● Chống chỉ định tương đối: Phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ. Phụ nữ mang thai nếu chụp phải dùng áo chì để che vùng bụng nếu chụp.

● Chống chỉ định tuyệt đối trong các trường hợp có chống chỉ định với thuốc đối quang như: Bệnh nhân mắc bệnh suy thận, suy gan, suy tim nặng, tiền sử dị ứng với thuốc cản quang, hen phế quản hay cường giáp trạng chưa điều trị ổn định...

3. Quy trình chụp cắt lớp vi tính hốc mắt có sử dụng thuốc cản quang

3.1 Chuẩn bị

Người thực hiện: Để chụp phim cắt lớp vi tính cần đội ngũ bác sĩ và kỹ thuật viên chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh.

Phương tiện cần dùng để chụp chụp cắt lớp vi tính gồm có:

● Máy chụp cắt lớp vi tính, máy bơm tiêm điện chuyên dụng.

● Phim chụp, máy in phim và hệ thống lưu trữ hình ảnh.

● Thuốc đối quang iod tan trong nước.

● Vật tư y tế bao gồm: Bơm kim tiêm(loại 10ml, 20ml, 50ml), kim tiêm luồn(18-20G), bơm tiêm cho máy bơm tiêm điện, dung dịch sát khuẩn, nước muối sinh lý, găng tay, khẩu trang, bộ khay, bông gạc, khay quả đậu, kẹp phẫu thuật.

● Hộp chống sốc, thuốc và những dụng cụ cần thiết để xử trí tai biến trong trường hợp có bất thường khi người bệnh tiêm thuốc đối quang.

Người bệnh:

● Người bệnh được giải thích rõ ràng về cách chụp cắt lớp vi tính, những lưu ý khi chụp và những tai biến có thể xảy ra trong quá trình để phối hợp với người chụp.

● Tháo bỏ các vật dụng có thể gây ra nhiễu hình ảnh như khuyên tai, vòng, cặp tóc...

● Cần nhịn ăn và uống trước khi chụp 4 giờ. Có thể uống nước nhưng không quá 50ml.

● Người bệnh kích thích, không nằm yên, lo lắng và sợ hãi hoặc trường hợp trẻ nhỏ không phối hợp: Cần cho thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ điều trị nếu không có chống chỉ định trước khi chụp.

Trang sức
Bệnh nhân cần lưu ý tháo trang sức trước khi chụp tránh gây nhiễu hình ảnh

3.2 Các bước tiến hành

Chụp cắt lớp vi tính hốc mắt theo hai hướng cắt ngang (axial) và hướng đứng ngang (coronal), cả trước và sau khi tiêm thuốc đối quang iod. Đối với những cơ sở có máy cắt lớp vi tính đa dãy có thể chỉ cần thực hiện hướng cắt cắt ngang (axial). Sau đó tái tạo theo hướng đứng ngang và các hướng khác mà vẫn đảm bảo được chất lượng hình ảnh tốt giống như chất lượng hình ảnh cắt ngang, như vậy người bệnh không cần phải thay đổi tư thế khi chụp, loại bỏ được một số trường hợp bệnh nhân khó thực hiện tư thế chụp đứng ngang.

Bước 1: Tiến hành chụp theo cả hai hướng trước khi tiêm thuốc cản quang

Hướng cắt ngang (axial)

● Tư thế bệnh nhân: Người bệnh nằm ngửa, chú ý cần phải nằm bất động vài phút khi chụp.

● Thực hiện chụp định vị, chụp theo mặt phẳng song song với khẩu cái cứng.

● Chụp theo hướng ngang từ vị trí bờ dưới hốc mắt cho tới bờ trên hốc mắt.

● Độ dày của mỗi lát cắt 03mm.

● Nên cắt xoắn ốc.

Hướng đứng ngang (coronal) hoặc tái tạo theo hướng cắt ngang.

● Tư thế bệnh nhân: Người bệnh nằm ngửa, đầu ngửa tối đa hoặc có thể nằm sấp và đầu ngửa tối đa.

● Thực hiện chụp định vị, theo mặt phẳng cắt vuông góc với mặt phẳng ngang.

● Chụp theo hướng đứng dọc từ vị trí chóp phía trước nhãn cầu tới bờ sau của hốc mắt.

● Độ dày của mỗi lớp cắt 03mm.

● Nên cắt xoắn ốc nếu được

Bước 2: Tiêm thuốc đối quang, với liều trung bình từ 1-1,5ml/kg cân nặng.

Bước 3: Tiến hành chụp theo các hướng cắt ngang và đứng ngang sau khi tiêm thuốc cản quảng. Chương trình và phương pháp chụp tương tự như chụp khi chưa tiêm thuốc cản quang.

Bước 4: Khi thu được hình ảnh cần xác định hình ảnh đạt chuẩn, không bị nhiễu ảnh. Sau đó in kết quả theo cả hai hướng cắt ngang và đứng ngang, trước và sau khi tiêm thuốc cản quang, theo cả cửa sổ xương và cửa sổ phần mềm.

3.3 Nhận định kết quả

● Bác sĩ đọc kết quả, cần mô tả chi tiết những tổn thương gồm: Vị trí, cấu trúc, kích thước, sự lan rộng của tổn thương...

● Đối chiếu hình ảnh cắt lớp vi tính và các biểu hiện trên lâm sàng.

● Đưa ra chẩn đoán hoặc các định hướng chẩn đoán từ hình ảnh.

● Nếu kết quả chưa rõ ràng để giúp chẩn đoán xác định, thì bác sĩ chẩn đoán hình ảnh có thể đề nghị các phương pháp thăm khám khác phối hợp.

● Có thể tư vấn thêm về chuyên môn cho người bệnh khi có yêu cầu.

Khám bệnh
Sau khi chụp, bác sĩ có thể tư vấn thêm về chuyên môn cho người bệnh khi có yêu cầu

4. Tai biến và cách xử lý tai biến khi chụp

● Trẻ nhỏ có thể không hợp tác trong quá trình chụp: Xử trí bằng cách có thể chụp lúc trẻ ngủ, dùng thuốc an thần hoặc một số trường hợp phải gây mê.

● Người bệnh không thể ngửa cổ được khi chụp lớp cắt đứng ngang (coronal), có thể tái tạo hình ảnh từ hướng cắt ngang đối với các máy chụp đa dãy. Như vậy khi chụp cần máy chụp đa dãy và chụp xoắn ốc.

Những tai biến có thể xảy ra do thuốc cản quang:

● Tình trạng phản vệ: Nhẹ thì xuất hiện các triệu chứng như buồn nôn, nôn, da nổi mẩn hoặc mày đay nhẹ. Mức độ nặng thấy các triệu chứng như: Mày đay xuất hiện nhanh và nặng hơn, phù mạch gây khó thở, nôn, đau bụng, huyết áp chưa thay đổi hoặc tăng, không có biểu hiện rối loạn ý thức; Mức độ nguy kịch bệnh nhân khó thở, tím tái, hạ huyết áp, rối loạn ý thức...

● Suy thận do thuốc cản quang: Sau khi dùng thuốc cản quang xuất hiện suy thận cấp hoặc tăng nặng mức độ suy thận, cần loại trừ các nguyên nhân khác ảnh hưởng đến chức năng thận.

● Cơn bão giáp trạng: Biểu hiện tăng nhiệt độ, nhịp tim nhanh, rối loạn cảm xúc, nếu không được phát hiện các dấu hiệu sẽ nặng hơn xuất hiện phù phổi, suy tim, hôn mê...nếu không điều trị có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đây là một tình trạng nặng trên những bệnh nhân đang có bệnh lý cường tuyến giáp.

● Có nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển thai nhi nên phụ nữ có thai cần cân nhắc kỹ trước khi chụp và khi chụp thường có áo bằng chì để bảo vệ.

Khi chụp cắt lớp vi tính hốc mắt có tiêm thuốc cản quang có thể xảy ra một số tai biến từ nhẹ tới nặng do thuốc cản quang gây ra. Để hạn chế những tai biến do thuốc cản quang gây ra, thì người bệnh cần khai báo tiền sử dị ứng và bệnh tật đầy đủ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan