Quy trình làm răng sứ diễn ra như thế nào?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Trung Hậu - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Làm răng sứ là một hình thức cải thiện, khắc phục tình trạng khiếm khuyết của răng, giúp khách hàng ăn nhai tốt hơn. Đồng thời làm răng sứ còn giúp nâng cao tính thẩm mỹ, mang đến cho khách hàng một hàm răng đều đẹp, trắng sáng tự nhiên nhất.

1. Những trường hợp được chỉ định làm răng sứ

Bên cạnh những trường hợp làm răng sứ vì muốn có một hàm răng trắng sáng, đều, đẹp, thì phương pháp này còn được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Răng của khách hàng bị chết tủy.
  • Khi răng bị sâu quá nhiều hay có vết mẻ quá lớn, hàn trám không thể cải thiện được tình trạng.
  • Răng mọc thưa, hô, lệch lạc, không đều nhau.
  • Răng bị ố màu quá nặng gây mất thẩm mỹ.

2. Quy trình làm răng sứ được diễn ra như thế nào?

Bọc răng sứ được xem như là một hình thức thẩm mỹ, vì vậy quy trình diễn ra cũng khá phức tạp. Quá trình thăm khám phải được tiến hành cẩn thận và nha sĩ tiến hành phải có trình độ cao. Nếu như những vấn đề chuẩn bị không được đảm bảo thì sẽ ảnh hướng rất nhiều đến kết quả bọc răng sứ của khách hàng.

Phẫu thuật làm dài thân răng
Quy trình bọc răng sứ đòi hỏi nha sĩ phải có tay nghề cao

Sau đây là quy trình làm răng sứ tại các nha khoa:

Bước 1: Thăm khám (chụp X-quang nếu cần) và lên kế hoạch điều trị

Trong bước này, khách hàng sẽ được khám tổng quát răng miệng, chụp X-Quang nếu có răng sâu hoặc viêm tủy. Từ kết quả thăm khám, nha sĩ sẽ chẩn đoán trước khi bọc răng sứ và tư vấn cho khách hàng những loại răng sứ thích hợp với tình trạng răng và điều kiện kinh tế của khách hàng.

Bước 2: Vệ sinh răng miệng, lấy dấu răng tạm

  • Sau khi thăm khám và quyết định được loại răng sứ. Khách hàng sẽ được vệ sinh răng bao gồm cạo vôi răng, vệ sinh khoang miệng, loại bỏ tình trạng viêm nướu.
  • Tiếp theo khách hàng sẽ tiến hành lấy dấu răng tạm thời để làm căn cứ cho việc chế tác răng sứ.

Bước 3: Gây tê, mài cùi răng, lấy dấu làm răng sứ và gắn răng tạm

Khách hàng sẽ được khám sức khỏe tổng quát như đo huyết áp, tim mạch,... để đảm bảo đủ sức khỏe cho quá trình bọc răng sứ. Nha sỹ tiến hành gây tê vùng răng cần bọc sứ, nếu như răng cần bọc đã lấy tủy thì không phải gây tê nữa.

Sau khi gây tê, nha sĩ sẽ mài nhỏ thân răng thành cùi răng để làm trụ gắn răng sứ bên ngoài. Hoàn thành quá trình này, khách hàng sẽ được lấy dấu cùi răng để làm răng sứ. Đồng thời, so màu răng để lựa chọn màu răng sứ phù hợp, khách hàng cũng có thể yêu cầu màu răng và hình dáng răng mà mình mong muốn.

Có nên mài răng làm răng sứ?
Răng của bạn được mài nhỏ để làm trụ gắn răng sứ

Khi thu thập đủ dữ liệu, thì dấu răng sẽ được gửi về phòng chế tác để tiến hành làm răng sứ cho khách hàng. Trong khoảng thời gian chờ đợi này, khách hàng sẽ được gắn răng tạm thời để đảm bảo tính thẩm mỹ, không bị trống răng và bảo vệ cùi răng, răng tạm thời thường được làm từ nhựa cứng.

Bước 4: Thử và gắn tạm răng sứ

Bước vào giai đoạn tiếp theo, khách hàng sẽ đến nha khoa để kiểm tra độ khít sát, hình dáng, màu sắc răng sứ. Bên cạnh đó, cảm giác nhai của khách hàng cũng rất quan trọng, nha sĩ sẽ điều chỉnh vị trí răng sứ cho đến khi việc ăn nhai của khách hàng thuận tiện nhất.

Sau khi thử, nha sĩ sẽ gắn tạm răng sứ để khách hàng về ăn uống và trải nghiệm cảm giác ăn nhai với răng sứ. Nếu cảm nhận thấy vị trí cần chỉnh sửa hoặc việc ăn uống gặp bất lợi thì khách hàng sẽ báo lại với nha sĩ để điều chỉnh lại.

Bước 5: Gắn kết thúc và tái khám định kỳ 6 tháng/lần

Cuối cùng, khi khách hàng đã hài lòng với răng sứ thì nha sĩ sẽ tiến hành gắn răng vĩnh viễn. Vậy là đã hoàn thành việc gắn răng sứ.

Khách hàng sẽ được hướng dẫn bảo quản răng sứ, chăm sóc, vệ sinh răng miệng và hẹn lịch tái khám định kỳ 6 tháng/lần.

Bệnh răng miệng ở người tiểu đường
Khách hàng sẽ tái khám định kỳ để kiểm tra sức khỏe răng miệng

3. Các cách bọc răng sứ phổ biến hiện nay

Hiện nay, các cách bọc răng sứ được sử dụng phổ biến bao gồm hai hình thức sau đây:

3.1 Làm mão răng

Cách làm này thường được áp dụng cho các trường hợp có một răng bị tổn thương, răng bị bể quá nhiều, việc trám răng không thể phục hình lại hoặc răng đã chữa tủy và dễ bị bể.

Bác sĩ sẽ mài nhỏ răng và tiến hành chụp một mão răng lên, cách này nhằm phục hình lại răng hư đó và đảm bảo răng không bị bể trong quá trình ăn nhai sau này.

3.2 Làm cầu răng

Cách làm này lại thường áp dụng cho các trường hợp bị mất một hay nhiều răng nhưng vẫn còn răng trụ ở hai bên. Tuy nhiên, khách hàng lại không muốn mang hàm tháo lắp hay không có điều kiện để cắm implant. Khi đó làm cầu răng sứ là cách làm phục hình răng hiệu quả nhất. Bác sĩ sẽ mài nhỏ hai trụ răng thật ở hai bên để làm cầu răng rồi chụp mão răng lên phía trên.

Tuy bọc răng sứ là một hình thức thẩm mỹ nhưng quy trình diễn ra lại khá phức tạp, vì vậy khách hàng nên lựa chọn cơ sở uy tín và những nha sĩ có tay nghề cao.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

82.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan