Răng ố vàng là bệnh gì?

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Tình trạng ố vàng răng không chỉ gây ra sự mất thẩm mỹ về ngoại hình, khiến nụ cười trở nên kém sắc và kém duyên, mà vấn đề này còn là dấu hiệu xấu cảnh báo cho nhiều vấn đề sức khỏe. Vậy, răng ố vàng là bệnh gì, khắc phục ra sao?

1. Nguyên nhân nào gây ra ố vàng răng?

Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng ố vàng răng, chia thành các nhóm nguyên nhân khác nhau như:

  • Do điều kiện cá nhân
  • Yếu tố di truyền
  • Màu răng là một yếu tố có thể di truyền giữa nhiều thế hệ.
  • Tuổi tác

Tuổi càng cao, răng sẽ càng dần ngả về màu vàng do hiện tượng mòn men răng. Điều này diễn ra theo xu hướng tự nhiên, bởi càng già đi, tần suất tiếp xúc với thức ăn và acid từ thực phẩm càng nhiều, khiến lớp men răng mỏng dần đi. Một số trường hợp răng sẽ có màu hơi xám.

Răng ố vàng do vết bẩn từ bên ngoài. Hầu hết trường hợp ố vàng răng đều liên quan đến việc răng đã tiếp xúc với các vết bẩn từ bên ngoài. Trong đó, các vết bẩn chủ yếu đến từ:

  • Thực phẩm: Một số loại thực phẩm có màu đậm, chứa nhiều đường... như cà phê, nước ngọt, trà,... có thể làm đổi màu răng nếu như ăn thường xuyên nhưng không có phương pháp vệ sinh răng triệt để.
  • Hút thuốc lá: Thuốc lá với hoạt chất nicotine và nhựa thuốc lá là một trong những tác nhân gây ố vàng răng nhanh nhất. Bên cạnh đó, nicotine trong thuốc lá còn gây ra mảng bám và vôi răng tích tụ trên răng, không chỉ gây ra các vệt ố màu trên răng, mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm như viêm lợi, viêm chân răng...
  • Vệ sinh răng miệng không nghiêm túc: Thói quen chăm sóc và vệ sinh răng miệng không được duy trì thường xuyên, đều đặn sẽ tạo điều kiện cho các mảng bám tồn tại lâu trên răng. Khi diễn ra trong thời gian dài, các mảng bám này sẽ dính chặt và khó loại bỏ hơn, khiến màu răng thay đổi.

Một số yếu tố nội sinh cũng gây ra tình trạng răng bị ố vàng bên trong:

  • Thuốc kháng sinh; Các loại thuốc kháng sinh như Histamine, Tetracycline, Albuterol, Doxycycline... khi sử dụng dài ngày có khả năng gây ra tình trạng ố vàng răng. Bên cạnh đó, nước súc miệng với thành phần Minocycline cũng có khả năng gây ra tình trạng này nếu như bạn có thời gian dài sử dụng.
  • Tình trạng dư Florua: Florua là một chất làm trắng rất tốt cho răng, có trong thành phần của nhiều loại kem đánh răng trên thị trường. Tuy nhiên, nếu như quá lạm dụng chất này, bạn có thể gặp phải tình trạng dư thừa florua. Hiện tượng này gây ra các vết ố vàng hoặc vàng nâu trên răng (nhiễm độc florua).
ố vàng răng
Thuốc kháng sinh có thể khiến bạn gặp tình trạng ố vàng răng

2. Răng ố vàng là bệnh gì?

Tình trạng răng ố vàng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý nguy hiểm như:

  • Bệnh thiếu máu dạng hồng cầu lưỡi liềm.
  • Bệnh răng miệng như viêm tủy, sâu răng, viêm nha chu.
  • Các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp, tim mạch,...
  • Bệnh đái tháo đường.
  • Trẻ em đau ốm dài ngày, dẫn đến sự Canxi hóa răng và khiến răng xỉn màu.

Ngoài ra còn đến từ vấn đề men răng. Nhóm đối tượng gặp vấn đề liên quan đến men răng, ví dụ như những người từng bị tai nạn khiến men răng bị nứt vỡ, người có thói quen nghiến răng khiến men răng bị mòn... đều có nhiều nguy cơ bị răng ố vàng.

3. Làm thế nào để cải thiện tình trạng ố vàng răng?

Nếu nguyên nhân khiến răng bị ố vàng đến từ đồ ăn thức uống hoặc vấn đề vệ sinh răng miệng kém, bạn có thể dễ dàng khắc phục tình trạng này bằng nhiều phương pháp.

3.1 Tẩy trắng răng bằng dầu dừa

Bằng cách ngậm dầu dừa loãng trong khoảng 10 phút đến 30 phút, sau đó đánh răng bằng kem thông thường, răng của bạn sẽ nhanh chóng cải thiện màu, loại bỏ tốt các mảng bám và vi khuẩn trong khoang miệng.

3.2 Baking soda kết hợp oxy già

Cả hai nguyên liệu này đều có tác dụng làm sạch, kháng khuẩn và tẩy trắng răng. Kết hợp hai nguyên liệu baking soda và oxy già thành hỗn hợp sệt, sau đó sử dụng hỗn hợp này thay kem để đánh răng hàng ngày, màu răng của bạn sẽ nhanh chóng trở nên trắng sáng. Đây là phương pháp hiệu quả và an toàn, có thể sử dụng hàng ngày.

3.3 Giấm táo và tác dụng làm trắng răng

Nhiều trường hợp trên thực tế cũng cho thấy giấm táo có khả năng cải thiện tình trạng ố vàng răng từ tự nhiên vô cùng hiệu quả. Để thực hiện phương pháp này, bạn có thể pha 2 thìa nhỏ giấm táo với 175ml nước lọc tạo thành dung dịch giấm táo loãng, sau đó ngậm và súc miệng trước khi đánh răng.

3.4 Vỏ chanh và cam cũng là phương pháp giúp trắng răng

Các loại acid tự nhiên có trong cam và chanh có thể loại bỏ các loại mảng bám gây xỉn màu răng. Bạn có thể sử dụng vỏ cam hoặc chanh và chà sạch răng trước khi đánh răng. Một phiên bản khác của phương pháp này là sử dụng trực tiếp nước cốt chanh để súc miệng, sau đó đánh răng lại một lần để làm sạch.

Tuy nhiên, vì phương pháp này sử dụng acid để làm sạch răng, do đó, nếu lạm dụng, men răng có khả năng bị mòn rất nhanh. Tần suất sử dụng lý tưởng cho phương pháp này là 1 - 2 lần mỗi tuần.

ố vàng răng
Bị ố vàng răng thì bạn có thể dùng vỏ chanh và cam giúp cải thiện màu răng

Có thể nói, tình trạng ố vàng răng có thể do nhiều nguyên nhân như di truyền, yếu tố nội sinh, vết bẩn từ thực phẩm, thuốc lá... nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý. Do đó, khi răng ố vàng kèm theo các triệu chứng khác, bạn cần tìm gặp bác sĩ để phát hiện sớm nguyên nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

27.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan