Rối loạn ngôn ngữ là gì? Phân loại rối loạn ngôn ngữ

Ngôn ngữ là một phương cách thể hiện sự liên hệ giữa bản thân với môi trường xung quanh. Theo đó, rối loạn ngôn ngữ được xem là một khiếm khuyết do tổn thương hệ thần kinh trung ương. Phân loại rối loạn ngôn ngữ rất đa dạng, tùy thuộc vào vùng tổn thương và có các cách trị liệu khác nhau.

1. Rối loạn ngôn ngữ là gì?

Ngôn ngữ là một hệ thống các biểu tượng được ràng buộc trong mối liên hệ với nhau theo các quy luật nhất định về ý thức, tri giác và ứng suất của hệ thần kinh xử lý trung ương. Ngôn ngữ có thể thể hiện bằng lời nói hay chữ viết hoặc hình tượng. Trong đó, những hình thức này đòi hỏi quá trình tập luyện, vận động thể hiện và cả quá trình suy nghĩ, nhận thức.

Rối loạn ngôn ngữ được định nghĩa là những rối loạn mắc phải tại bất cứ giai đoạn nào, thành phần nào trong quá trình nêu trên. Nguyên nhân cốt lõi của rối loạn ngôn ngữ là do các tổn thương trên hệ thần kinh trung ương, làm mất tính toàn vẹn về chức năng của bán cầu não.

Rối loạn ngôn ngữ cần phải được phân biệt với rối loạn nói. Đây là những bất thường trong quá trình vận động để thể hiện và phát triển ngôn ngữ, không phải do tổn thương thần kinh trung ương.

2. Phân loại rối loạn ngôn ngữ

Phân loại rối loạn ngôn ngữ tùy thuộc vào vị trí của tổn thương trên hệ thần kinh trung ương. Các hội chứng rối loạn ngôn ngữ thường gặp trong thực hành lâm sàng thường nằm trong các bệnh cảnh có đi kèm với các dấu hiệu thần kinh định vị khác. Đôi khi, người bệnh chỉ có rối loạn ngôn ngữ đơn thuần. Trong các trường hợp này, nguyên nhân do tổn thương não vẫn cần được nghĩ đến đầu tiên.

Phân loại rối loạn ngôn ngữ thường sử dụng bao gồm:

2.1 Rối loạn ngôn ngữ Broca

Rối loạn ngôn ngữ Broca được biểu hiện bằng dấu hiệu thông hiểu còn tốt nhưng lại giảm lưu loát và giảm khả năng lặp lại. Đây là hội chứng rối loạn ngôn ngữ đầu tiên được xác định, thường đi kèm với yếu liệtmất cảm giác nửa người bên phải.

Vị trí tổn thương trong rối loạn ngôn ngữ Broca là tại phần nắp trán, hồi trán giữa, vùng vỏ não vận động thấp, tiểu thùy đỉnh dưới, thể vân ngoài, bao trước bên và toàn bộ chất trắng từ dưới vỏ cho tới chất trắng quanh não thất.

Rối loạn ngôn ngữ do hệ thần kinh bị tổn thương
Rối loạn ngôn ngữ Broca khiến người bệnh nói năng không còn lưu loát

2.2 Rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ

Người bị rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ vẫn có khả năng thông hiểu tốt và lặp lại tốt nhưng không diễn tả ngôn ngữ lưu loát được. Biểu hiện điển hình là bệnh nhân thay đổi cách phát âm và giai điệu lời nói trở nên lộn xộn.

Vị trí tổn thương trong rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ có thể nằm bất cứ đâu trên thùy trán bên trái.

2.3 Rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ

Ngược lại với rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ, trong rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ, đặc trưng của lời nói là vẫn giữ được tính lưu loát tốt, lặp lại tốt trong khi thông hiểu lại giảm. Cụ thể là người bệnh vẫn có thể nói ra những câu dài rõ ràng, đúng ngữ pháp, trôi chảy nhưng lại không tương xứng với câu hỏi.

Rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ có vị trí tổn thương là tại chỗ nối thái dương – đỉnh – chẩm phía sau hồi thái dương trên và có thể chồng chéo lên vùng sang thương của rối loạn ngôn ngữ Wernicke.

2.4 Rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ hỗn hợp

Sự phối hợp của cả hai rối loạn ngôn ngữ vận động xuyên vỏ và rối loạn ngôn ngữ cảm giác xuyên vỏ là rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ hỗn hợp. Trong đó, người bệnh vừa mắc phải giảm lưu loát và giảm thông hiểu trong khi khả năng lặp lại vẫn còn tốt. Cụ thể là bệnh nhân chỉ nói được những lời tự phát, các câu ngắn là có khuynh hướng lặp đi lại lại như cũ khi được đặt câu hỏi.

Sang thương của rối loạn ngôn ngữ xuyên vỏ hỗn hợp là bao gồm cả vùng vận động và cảm giác, tức là cả vùng trán sau bên trước vỏ não vận động và chỗ nối thái dương đỉnh chẩm.

2.6 Rối loạn ngôn ngữ Wernicke

Rối loạn ngôn ngữ Wernicke còn gọi là rối loạn ngôn ngữ cảm giác và trái ngược với rối loạn ngôn ngữ Broca là do tổn thương vận động. Điển hình là người bệnh vẫn tự thể hiện bằng lời nói lưu loát với các câu nói dài, trơn tru, đúng ngữ pháp; cách phát âm và nhịp điệu lời nói vẫn bình thường. Tuy nhiên, khả năng nghe hiểu và làm đúng yêu cầu hay trả lời đúng câu hỏi lại kém.

Vị trí của tổn thương gây rối loạn ngôn ngữ Wernicke là một vùng rộng lớn ở vùng thái dương trên sau.

2.7 Rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền

Rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền chỉ gây khiếm khuyết khả năng lặp lại trong khi khả năng thông hiểu và lưu loát vẫn còn tốt. Theo đó, bệnh nhân vẫn trả lời đúng các câu hỏi bằng những câu nói dài, lưu loát. Tuy nhiên, khi yêu cầu bệnh nhân lặp lại một câu nói hay kể lại câu chuyện, đọc chữ thành tiếng thì lời nói lại trở nên lộn xộn và có hiện tượng thay thế chữ.

Sang thương gây bệnh trong rối loạn ngôn ngữ dẫn truyền chỉ nằm khu trú ở tiểu thùy đỉnh dưới trái.

2.8 Rối loạn ngôn ngữ toàn bộ

Rối loạn ngôn ngữ toàn bộ là thể nặng nề nhất trong các loại rối loạn ngôn ngữ. Người bệnh bị mất tất cả các chức năng nói một cách trầm trọng, bao gồm cả chức năng ngôn ngữ vận động và ngôn ngữ cảm giác.

Tổn thương não trong rối loạn ngôn ngữ toàn bộ thường là một vùng lớn tại trung tâm nói ở vùng trước và sau rãnh vỏ não Rolando. Nguyên nhân thường là do nhồi máu não toàn bộ động mạch não giữa bán cầu ưu thế.

3. Nguyên nhân của các dạng rối loạn ngôn ngữ

Rối loạn ngôn ngữ có rất nhiều nguyên nhân khác nhau và mỗi nguyên nhân lại có những tiên lượng ngắn hạn, tiên lượng lâu dài khác nhau. Tuy nhiên, dù là do nguyên nhân gì, tiên lượng nói chung của vấn đề rối loạn ngôn ngữ cũng không thể tốt hơn tiên lượng của sang thương trên não có thể gây ra.

Các bệnh lý gây tổn thương thần kinh tiến triển như u thần kinh đệm, thoái hóa hay xơ cứng rải rác sẽ khiến diễn tiến của khả năng ngôn ngữ ngày càng xấu dần đi. Ngược lại, những sang thương não cấp tính như nhồi máu não, xuất huyết não, viêm não, chấn thương sọ não hay u não lành tính đã được phẫu thuật sẽ có khả năng phục hồi chức năng ngôn ngữ nếu bệnh tiến triển thuận lợi.

Nhồi máu não sau khi phẫu thuật sẽ giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ của bệnh nhân
Nhồi máu não sau khi phẫu thuật sẽ giúp cải thiện khả năng ngôn ngữ của bệnh nhân

Tuy nhiên, trong các trường hợp có tổn thương não trên cả hai bên bán cầu, đây là hàng rào rất lớn làm cản trở sự hồi phục ngôn ngữ.

Tóm lại, vấn đề rối loạn ngôn ngữ cần được tiếp cận một cách đúng đắn, nhất là khi biểu hiện đơn thuần mà không có bất kỳ dấu thần kinh định vị khác. Đồng thời, việc phân loại rối loạn ngôn ngữ cũng cần được thực hiện một cách chuẩn xác, đôi khi có thể kết hợp thêm các triệu chứng thần kinh và hình ảnh học nhằm tìm kiếm nguyên nhân, điều trị phù hợp và cải thiện tiên lượng hồi phục về lâu dài cho người bệnh. Bạn nên lựa chọn điều trị tại các cơ sở y tế uy tín, chất lượng cao để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

69.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan