Sau nhổ răng cần uống thuốc gì?

Nhổ răng là chỉ định cuối cùng mà bắt buộc bác sĩ phải đưa ra khi những chiếc răng bị hư hỏng không thể nào bảo tồn được nữa. Bác sĩ sẽ tiến hành gây tê trước khi nhổ răng để giảm thiểu tối đa cảm giác đau nhức trong suốt quá trình thực hiện. Điều mà nhiều người thường băn khoăn là trước và sau khi nhổ răng uống thuốc gì và sau khi thuốc tê hết tác dụng thì có cần sử dụng thuốc giảm đau sau nhổ răng hay không?

Một số triệu chứng thường gặp sau khi nhổ răng

Sau khi nhổ răng, bệnh nhân sẽ gặp phải một số biểu hiện như: Sốt, sưng, đau, há miệng hạn chế và chảy máu. Bệnh nhân không cần phải quá lo lắng vì đây là những biểu hiện bình thường sau khi nhổ răng, trong đó:

  • Đau: Sau khi thuốc tê hết tác dụng, bệnh nhân sẽ có biểu hiện đau tại vị trí nhổ răng và cảm giác này sẽ chỉ kéo dài khoảng 3 ngày rồi giảm dần. Cường độ đau không quá mạnh và vẫn nằm trong ngưỡng có thể chịu đựng được. Thông thường, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau sau nhổ răng để loại bỏ hoàn toàn không có cảm giác đau đớn.
  • Sưng: Đây là biểu hiện sưng khó có thể tránh khỏi do quá trình tác động vào nướu để lấy răng ra ngoài. Nguyên nhân của tình trạng này là do quá trình tái tạo xương mới và lấp đầy lỗ nhổ răng. Hiện tượng này sẽ kéo dài khoảng 2 – 3 ngày phụ thuộc vào mức độ sang chấn của từng người. Khi bác sĩ thực hiện động tác nhổ càng cẩn thận, khéo léo thì vết thương của bạn càng ít sưng và mau lành hơn.
  • Sốt: Đây là biểu hiện gặp ở những người có cơ thể nhạy cảm với những tác động bên ngoài và dẫn đến hiện tượng sốt sau khi nhổ răng. Tuy nhiên tình trạng này chỉ kéo dài vài ngày và nếu diễn ra dài hơn thì cần đến gặp bác sĩ để kiểm tra tình trạng răng miệng, vì có khả năng bệnh nhân đã bị nhiễm trùng hoặc vẫn chân răng còn sót lại khiến cho quá trình lành thương không thể diễn ra bình thường.
  • Chảy máu: Chảy máu là hiện tượng sinh lý xảy ra ở bất kỳ ca phẫu thuật nào và nhổ răng cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi nhổ răng, bệnh nhân sẽ thấy chảy máu trong khoảng 30 phút rồi dừng hẳn và trong vòng 24 giờ đầu sẽ thấy nước bọt có màu đỏ hồng. Đây không phải là vấn đề đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu máu chảy ướt đẫm bông gạc hoặc chảy quá nhiều trong miệng thì cần liên lạc ngay với bác sĩ để kiểm tra tình hình càng sớm càng tốt.
  • Há miệng hạn chế: Một số trường hợp bị sưng nề phía góc hàm sau khi nhổ răng khôn dẫn đến kích thích cơ cắn gây co cơ hoặc do tác dụng của thuốc tê khiến bạn bị hạn chế há miệng. Sau khi nhổ răng, bệnh nhân cũng không nên cười nói nhiều hoặc há miệng quá to vì có thể khiến máu chảy nhiều hơn.

Sau khi nhổ răng uống thuốc gì?

Thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân trước và sau khi nhổ răng chủ yếu là các loại thuốc hỗ trợ giảm đau, giảm sưng và kháng sinh để phòng chống nhiễm trùng.

  • Thuốc giảm đau: Sau nhổ răng thì đau nhức là điều khó có thể tránh khỏi. Bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau cho bệnh nhân giúp ức chế dây thần kinh cảm giác nhờ đó giúp xoa dịu cơn đau đau hiệu quả. Các thuốc giảm đau thường có tác dụng trong vòng từ 24 – 72 giờ và sử dụng trong vòng 3 ngày giúp vết thương cũng đã bắt đầu ổn định và không còn đau nhức như lúc mới nhổ răng. Cần lưu ý rằng, hiệu lực của thuốc tê sẽ kéo dài trong khoảng 1 – 1,5 giờ sau khi nhổ răng và sau khi hết tác dụng thì cơn đau sẽ dần xuất hiện nên có thể uống thuốc giảm đau ngay nếu thấy cần thiết. Acetaminophen là loại thuốc thường được sử dụng để điều trị các trường hợp đau mức độ nhẹ đến vừa và có thể hạ sốt nhẹ. Liều lượng được khuyến cáo để sử dụng cho bệnh nhân sau nhổ răng là tối đa 2 viên mỗi lần và mỗi lần uống cách nhau từ 4 – 6 giờ và không uống quá 4 viên một ngày. Cần chú ý những trường hợp nghiện rượu, mắc bệnh tim mạch, thiếu máu hoặc có các vấn đề về chức năng gan thận thì không nên sử dụng thuốc giảm đau Acetaminophen.
  • Thuốc kháng sinh: Thuốc kháng sinh giúp cho bệnh nhân tăng cường khả năng chống viêm nhiễm cho vết thương và giảm tình trạng sưng viêm. Nhờ các thành phần có chứa trong thuốc kháng sinh sẽ giúp ngăn chặn, chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng. Bệnh nhân nên uống 5 – 7 ngày đầu sau khi nhổ răng. Các loại kháng sinh sau khi nhổ răng thường được sử dụng bao gồm Amoxicyclin, doxycyclin, tetracylin, tpiramycin,... phối hợp với metronidazol.

Những điều cần lưu ý trước và sau khi nhổ răng

Nhổ răng cũng là một phương pháp gây ảnh hưởng đến cơ thể nên bệnh nhân cần tránh các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và nghỉ ngơi đầy đủ trước khi thực hiện. Đối với nữ giới đang trong thời kỳ kinh nguyệt, mang thai hay đang cho con bú hoặc các bệnh nhân đang mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch thì cần trình bày rõ ràng với bác sĩ để được lên kế hoạch điều trị kỹ lưỡng.

Sau khi nhổ răng, ngoài việc sử dụng thuốc theo đơn mà bác sĩ đã hướng dẫn thì bệnh nhân cũng nên lưu ý một số điều sau đây để giúp quá trình lành thương sau khi nhổ được tốt hơn như:

  • Ngày đầu tiên sau khi nhổ nên thỉnh thoảng chườm lạnh, mỗi lần 15 – 20 phút để hạn chế đau nhức.
  • Từ ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau khi nhổ cần chườm nóng lên vùng sưng khoảng 4 lần/ngày để làm tan máu bầm, tiêu sưng và giảm đau.
  • Thực hiện chăm sóc vệ sinh răng miệng bằng cách sử dụng bàn chải mềm để chải răng thật nhẹ nhàng và lưu ý không được tác động đến vùng răng vừa nhổ. Không được sử dụng ngón tay hoặc vật nhọn để tác động vào ổ răng mới nhổ.
  • Không nên súc miệng với nước muối trong vòng một vài ngày đầu sau khi nhổ nhưng sau đó bạn có thể súc miệng hàng ngày để giảm viêm nhiễm. Nhưng cần lưu ý phải dùng nước muối sinh lý hoặc nước muối pha loãng không quá mặn.
  • Ăn các thức ăn mềm, lỏng dễ nuốt như cháo, súp hoặc bổ sung thêm thịt cá.
  • Không khạc nhổ mạnh hay mút ổ răng vừa nhổ vì có thể gây chảy máu.
  • Hạn chế tối đa sử dụng các đồ uống có cồn hoặc hút thuốc trong vòng 1 tuần sau khi nhổ răng để tránh gây viêm nhiễm và giúp cho vết thương có thể lành thương nhanh hơn.
  • Dành thời gian nghỉ ngơi cho bản thân và hạn chế thực hiện các hoạt động vận động mạnh sau nhổ răng để vết thương mau chóng hồi phục.
  • Trong trường hợp ổ răng sau nhổ có mùi hôi hoặc bệnh nhân đau nhức, chảy máu kéo dài thì cần liên hệ bác sĩ ngay lập tức để được xử trí kịp thời

Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn trả lời được thắc mắc “Sau nhổ răng cần uống thuốc gì?” .

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

48.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan