Sức khỏe cho người đi du lịch - Những điều cần biết

Bài viết bởi Bác sĩ Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nếu quyết định đi du lịch, các du khách cần thăm khám sức khỏe, đồng thời trang bị kiến thức phòng chống bệnh cho bản thân để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm.

1. Thăm khám sức khỏe trước khi đi du lịch

Hiện nay, cả thế giới đang “gồng mình” để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm và tử vong do dịch Covid-19. Việc này có ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cũng như các ngành du lịch. Thực tế đã có rất nhiều du khách đã phải lỡ dở chuyến đi của mình do dịch bệnh. Tuy nhiên nếu vẫn quyết định thực hiện chuyến đi của mình bạn cần trang bị cho mình kiến thức chăm sóc và bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, việc chăm sóc sức khỏe cho người đi du lịch trong và ngoài nước có thể thông qua hình thức tư vấn giáo dục. Cụ thể, du khách sẽ trang bị kiến thức phòng bệnh trước chuyến đi và kết thúc bằng việc kiểm tra đánh giá sau chuyến đi những phơi nhiễm bệnh tật thường ít gặp tại nơi cư ngụ.

Mục đích thăm khám trước chuyến đi như sau:

  • Tư vấn, hướng dẫn cho người đi du lịch
  • Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm các bệnh có thể phòng ngừa được.
  • Dự kiến các biện pháp phòng ngừa

Đánh giá nguy cơ của chuyến đi: liên quan trực tiếp đến loại hình du lịch.

  • Đi tàu biển ít bị lây nhiễm từ người bản xứ và động vật nhưng dễ bị lây nhiễm từ cộng đồng của những người đi chung, chẳng hạn SARS - Cov-2. Du lịch để tạo cảm giác thư thái, tuy nhiên nếu kết hợp với loại hình mạo hiểm có rất nhiều nguy cơ.
  • Những chuyến công tác lâu ngày xa gia đình có nhiều hành vi nguy cơ lây nhiễm bệnh xảy ra.
  • Hình thức du lịch theo những người du canh du cư, đi xe đạp, lái bè mảng có rất nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Ngoài ra, những du khách có tiền sử mắc các bệnh như: bệnh hen, bệnh tim, viêm loét dạ dày, bệnh thận, bàng quang, cao huyết áp, đái tháo đường, viêm phế quản, khí phế thũng, bệnh vảy nến, miễn dịch kém cần đặc biệt chú ý.

2. Một số lưu ý phòng ngừa bệnh khi đi du lịch

Các biện pháp phòng ngừa bệnh khi đi du lịch như sau:

  • Tư vấn, giáo dục: Vai trò của các biện pháp phòng tránh dịch là giảm thiểu các nguy cơ, chuẩn bị tinh thần đối phó với các vấn đề có thể xảy ra hoặc những vấn đề hiện có nhưng sẽ trầm trọng hơn.
  • An toàn thực phẩm, nước uống
  • Tránh côn trùng cắn đốt, ánh nắng
  • Bệnh tiêu chảy của người đi du lịch
  • Dụng cụ sơ cứu, thuốc
  • An toàn chung – vấn đề giao thông
  • Thuốc dự phòng bệnh sốt rét – độc tính của thuốc
  • Bệnh do độ cao – bệnh khí ép
  • Phơi nhiễm nước ngọt – bệnh sán máng
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục
  • Bệnh dại – Động vật cắn
Hộp sơ cứu
Hãy mang dụng cụ sơ cứu khi đi du lịch

3. Một số lời khuyên chung đảm bảo sức khỏe khi đi du lịch

3.1. Một số điều cần chú ý để đảm bảo sức khỏe

Đi máy bay, nơi có thể an toàn nhất là gần lối đi ra cửa thoát hiểm, đi taxi phải đeo dây an toàn, phải kiên quyết với tài xế taxi khi không đảm bảo lái an toàn.

Bạn cũng chú ý, tránh để người khác thấy đồ đạc có giá trị hoặc tiền, không nên mang theo đồ đạc có nguy cơ bị mất cắp. Khi ở nơi gần lò ga phải mở cửa sổ, phòng khách sạn ở tầng dưới là an toàn nhất. Cần xem rõ có lối thoát hiểm đề phòng hỏa hoạn, thuốc chống sốt rét, các loại thuốc khử khuẩn nước, tránh để gần gây nguy hiểm cho trẻ em. Với việc bảo vệ sức khỏe cần chú ý các điều sau đây:

  • Mang các loại thuốc còn trong vỉ hoặc trong hộp thuốc gốc tránh nhầm lẫn.
  • Dụng cụ sơ cấp cứu có 1 bản điện tim bất thường, bản chụp x quang, bản tóm tắt khi xuất viện gần nhất.
  • Cần biết rõ các thông tin về chính sách bảo hiểm, cân nhắc mua bảo hiểm y tế du lịch.
  • Viêm mũi xoang phải điều trị triệt để trước khi lên đi bay
  • Không bao giờ đồng ý tiêm khi không đảm bảo vô trùng, cần phải xem xét lọ thuốc trước khi sử dụng.
  • Trước khi đi cần tham khảo vấn đề y tế nơi mình dự kiến đến, ví dụ như bệnh viện, bác sĩ, nhà thuốc.

3.2 An toàn nước và thực phẩm

Phương châm: “Ăn chín, uống sôi, gọt vỏ hoặc là quên nó đi”, đun sôi nước sạch trong ít nhất 3 phút, nước đóng chai phải đảm bảo còn nguyên nắp chưa dùng, có thể sử dụng thuốc chlorine và iodine để khử khuẩn nước, tránh dùng nước từ vòi, nước đá, sữa tươi chưa tiệt trùng. Ngoài ra, thịt và rau phải nấu chín kỹ và ăn lúc còn nóng, tránh ăn buffet nguội, các món cay và salad, trái cây nên gọt vỏ trước khi dùng.

rau xanh
Hãy ăn thịt, rau khi đã được nấu chín

3.3. Tránh để côn trùng cắn đốt

Có thể tránh muỗi, ve, bọ chét cắn đốt bằng cách bôi thuốc đuổi côn trùng chứa 30% DEET lên vùng da hở, lưu ý dùng lâu và nồng độ cao sẽ gây độc hại cho trẻ nhỏ. Mặc quần áo phủ kín ở những nơi có nguy cơ sốt xuất huyết và sốt rét, hoặc ngâm, xịt quần áo, màn, lều bằng permethrin để phòng côn trùng đốt.

3.4. Trang bị một số loại thuốc cần thiết

Nên trang bị thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc trị tiêu chảy, thuốc đuổi côn trùng, thuốc chống tia cực tím với yếu tố chống nắng (SPF) 15 hoặc cao hơn, thuốc kháng histamin đường uống, có thể chuẩn bị thêm siro ho, kem chống nấm đường âm đạo (nữ), cần đem theo bệnh án và điện tim nếu có bất thường.

3.5. Tránh sử dụng đồ uống có cồn

Do chênh lệch múi giờ bạn có thể làm quen với múi giờ tại các địa điểm du lịch. Khi đến nơi những ngày đầu tiên có thể dùng 5mg melatonin trước khi ngủ, ánh nắng buổi sáng cũng như bữa ăn sáng có nhiều protein sẽ lợi ích hơn. Trong thời gian du lịch tránh sử dụng các chất có chứa nồng độ cồn, thức ăn có nhiều carbohydrate hóa, có thể dùng thuốc ngủ tốt hơn vào ban đêm như zolpidem.

Đồ uống có cồn
Bạn không nên sử dụng các chất có chứa nồng độ cồn

3.6.Sử dụng thuốc say xe

Say tàu xe ở người lớn có thể dùng scopolamine dạng dán da trước khi di chuyển khoảng 8 giờ hoặc dùng 50-100mg dimenhydrinat 1 giờ trước khi đi và sau đó mỗi 4-6 giờ. Nếu không cơ thể có thể bị suy yếu và gây ra tác dụng phụ kháng tiết cholin.

3.7. Tránh sử dụng nước nhiễm bẩn

Cần nấu chín thức ăn trước khi sử dụng, nếu không khi uống sẽ có nguy cơ phơi nhiễm ký sinh trùng.

3.8. Tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục

Nạn mại dâm núp dưới bóng dưới hình thức du lịch, đặt nhiều du khách đứng trước nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục (STDs), bao gồm cả HIV. Vì thế, bạn cần cân nhắc và thận trọng để tránh lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục.

3.9. Nên tiêm ngừa trước khi đi du lịch

Một số quốc gia lưu hành bệnh sốt vàng da, viêm não mô cầu, bệnh tả thì du khách nên tiêm phòng trước khi du lịch.

Ngoài ra, một số bệnh cần khuyến khích tiêm ngừa hoặc tiêm nhắc lại, nhất là người già hoặc tình trạng tiêm chủng không rõ ràng như: Uốn ván, thương hàn, bại liệt, bạch hầu, cúm, phế cầu, viêm màng não, viêm gan A, viêm gan B, viêm não nhật bản, bệnh dại, dịch hạch.

tiêm phòng
Trước khi đi du lịch bạn nên tiêm ngừa

3.10. Thuốc phòng bệnh sốt rét

Thuốc phòng bệnh sốt rét là một loại thuốc không thể thiếu với người chuẩn bị có kế hoạch đi du lịch. Theo đó, một số loại thuốc phòng bệnh sốt rét nên có như sau:

  • Mefloquin: Là thuốc phòng sốt rét hay được dùng nhất tác dụng trên vùng kháng và nhạy cảm với chloroquin, dùng 1 lần mỗi tuần trước khi đến vùng có sốt rét 1-2 tuần. Thuốc có thể xảy ra các tác dụng phụ như chóng mặt, rối loạn tiêu hóa, không sử dụng cho trẻ em nặng < 5kg, phụ nữ có thai 3 tháng đầu, bệnh nhân có tiền sử tâm thần, động kinh, có bất thường dẫn truyền ở tim.
  • Proguanil (Paludrine): uống 2 viên 100mg hàng ngày, sử dụng được cho trẻ em > 10 tuổi, phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai.
  • Halofantrin và dẫn xuất artemisinin: Dùng phòng bệnh sốt rét kháng nhiều loại thuốc khác.

Một số loại thuốc khác nên trang bị như sau: Doxycycline, cloroquin phosphat, Primaquin phosphat có thể lựa chọn khi có chống chỉ định các thuốc khác.

3.10. Bệnh tiêu chảy của người đi du lịch

Bệnh tiêu chảy của người đi du lịch là một hội chứng đặc trưng bởi số lần đại tiện tăng lên gấp 2 lần, kèm theo đau quặn bụng, buồn nôn, trướng bụng, mót rặn, sốt, khó chịu. Các triệu chứng xảy ra đột ngột có thể trong chuyến đi hoặc sau khi về nhà và có thể tự khỏi. Tiêu phân lỏng có thể trên 5 lần 1 ngày, kéo dài có thể 3-4 ngày, đôi khi cả tuần, cá biệt có khi cả 1- >3 tháng. Việc điều trị nhanh chóng có thể rút ngắn thời gian bị bệnh xuống còn vài giờ. Yếu tố gây bệnh thường gặp nhất là các loại vi khuẩn sinh độc tố ruột, Escherichia coli, Shigella, Campylobacter jejuni, Salmonella và Vibrio. Các virus thường la rotavirus, Norwalk virus. Các ký sinh trùng chủ yếu là Giardia lamblia và Entamoeba histolytica. Ngoài ra có đến 20-50% trường hợp tiêu chảy vẫn chưa lý giải được.

Cách phòng bệnh: An toàn thực phẩm là cách phòng bệnh, trong 1 số trường hợp đặc biệt (Sự kiện thể thao, cuộc họp quan trọng, tuần trăng mật) có thể sử dụng thuốc để phòng bệnh: Bismuth subsalicylate 2v X 4 lần / ngày, doxycylin 100mg mỗi ngày, trimethroprim/sulphamethoxazol 160/800mg mỗi ngày, norfloxacine 400mg mỗi ngày, ciproloxacine 500mg mỗi ngày.

Trong trường hợp mắc bệnh, nếu không bị sốt, không đi ngoài ra máu nên dùng 2 viên loperamid sau lần đi ngoài lỏng đầu tiên, sau đó dùng liều thông thường, nếu vẫn còn tiêu chảy đến lần thứ 3 uống 2 viên ciproloxacin hoặc norfloxacin, uống bù nước bằng dung dịch Oresol, không dùng kháng sinh, hoặc tác nhân chống tiêu chảy cho trẻ em, tạm dừng các thực phẩm có bơ sữa, nếu không thuyên giảm nên đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám.

3.11. Chú ý đến bệnh sợ độ cao

Khi lên đến cao trên 3000m so với mực nước biển, hơn 80% du khách sẽ có một số triệu chứng của bệnh say núi cấp, càng lên cao nhanh càng xuất hiện triệu chứng của bệnh, bao gồm phù phổiphù não do độ cao, vì áp suất riêng phần của oxy trong không khí giảm, gây thiếu oxy máu. Say núi cấp tính có thể tăng từ nhẹ đến nặng, nhẹ bao gồm các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn mệt mỏi, nặng như nôn mửa, khó thở khi nghỉ ngơi, mất điều hòa, tâm thần yếu, hoặc tím tái. Phù phổi do độ cao có thể xuất hiện sau 1 vài ngày, thường là trong khi ngủ với các triệu chứng như khó thở nặng, ho, nhiều ran, sốt nhẹ và tím tái. Phù não do độ cao có thể xuất hiện sau vài ngày của say núi cấp tính nhẹ với các biểu hiện liên tục mệt mỏi, mất dần sự tỉnh táo, rối loạn tâm thần, dấu hiệu thần kinh khu trú và hôn mê. Không có cách dự phòng hoàn hảo, chỉ phòng ngừa bằng cách mỗi ngày lên cao < 300m, đối với trường hợp leo cao hơn 3000m kéo dài trong hơn 12 giờ dự phòng bằng 250mg Acetazolamid (Diamox) mỗi ngày bắt đầu 24 giờ trước khi leo và tiếp tục trong 1 số ngày đầu ở độ cao. Có thể mang theo thuốc giảm đau đầu thông thường, acetazolamid có thể dùng trong trong trường hợp say núi nhẹ hoặc dùng dexamethason 4 mg mỗi 6 giờ để dự phòng, loại thuốc này được dành để điều trị các trường hợp bị các hội chứng độ cao nặng. Một khi dùng dexamethason, phải khẩn trương hạ độ cao xuống để có nồng độ oxy cao hơn.

3.12. Lưu ý đến một số bệnh lý nền có sẵn

Thông thường người du lịch phải điều trị các bệnh sẵn sớm và tích cực. Chuẩn bị tinh thần và xử trí các tình huống tiến triển trầm trọng hơn các bệnh có sẵn.

Viêm phế quản/ khí phế thũng

Đối với người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, khuyến cáo nên làm khí máu động mạch trước khi đi máy bay, vì máy bay thường bay độ cao 2500m, ở độ cao này ngưừi khỏe mạnh PaO2 giảm xuống còn khoảng 60mmHg, nên trang bị oxy cho người bệnh trước khi lên máy bay có PaO2 < 70mmHg hoặc độ bảo hòa Oxy < 93% trong suốt chuyến bay. Những người có tăng carbon dioxid máu hoặc dung tích sống < 50% không nên đi máy bay mà đổi sang phương tiện di chuyển khác.

Bệnh hen

Các khu vực phát triển thường ô nhiễm không khí, nên dự phòng tình huống khởi phát cơn hen, bạn nên biết cách tự dùng thuốc kháng sinh và thuốc corticosteroid theo khả năng của mình.

Bệnh tim

Nên ngăn cấm người bị nhồi máu cơ tim đi máy bay trong vòng 4-8 tuần. Người bị bệnh tim mạch phải có khả năng đi bộ được 100m và leo dốc được 12 bậc thang mới khuyến cáo có thể di chuyển bằng máy bay.

Loét dạ dày/ phẫu thuật dạ dày

Người bệnh tuyệt đối không di chuyển bằng máy bay trong vòng 10-14 ngày sau phẫu thuật ổ bụng, phẫu thuật nội soi có bơm CO2 nên đi máy bay sau 48 giờ để đảm bảo an toàn. Vì giảm HCl và thuốc chẹn thụ thể H2 làm giảm sức đề kháng tự nhiên của dạ dày đối với bệnh tiêu chảy và bệnh tả khi du lịch, nên cân nhắc dùng các thuốc dự phòng hoặc điều trị tích cực và mở rộng việc dùng vắc - xin để phòng bệnh.

Người tàn tàn tật - Viêm khớp

Nên dự trù trước các điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi và tàn tật khi đi máy bay hay phương tiện vận chuyển khác. Kiểm soát được các khả năng làm trầm trọng thêm của bệnh viêm khớp.

bệnh thấp tim
Khi mắc một số bệnh lý nền có sẵn như bệnh tim cần phải điều trị các bệnh sớm và tích cực

4. Đánh giá sau chuyến đi du lịch

Nếu có vấn đề về sức khỏe trong chuyến đi, sau khi về cần thăm khám và tìm các yếu tố phơi nhiễm để tiến hành xét nghiệm tầm soát và điều trị, trách tình trạng bệnh tiềm ẩn và phát sinh lan rộng trong cộng đồng. Vấn đề điển hình hiện nay là dịch bệnh SARS - CoV2 hiện nay. Vì thế mỗi cá nhân mỗi người cần nâng cao ý thức, phòng tránh và kiểm soát bệnh tật khi trở về từ các vùng dịch hoặc đã đi qua các vùng dịch để đảm bảo hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là địa chỉ thăm khám, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý. Khi thực hiện quy trình thăm khám tại Vinmec, Quý khách hàng sẽ được đón tiếp và sử dụng cơ sở vật chất, hệ thống máy móc hiện đại đi kèm với các dịch vụ y tế hoàn hảo dưới sự chỉ dẫn, tư vấn của các bác sĩ giỏi, được đào tạo bài bản ở cả trong và ngoài nước.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan