Thở máy không xâm nhập NCPAP và BIPAP

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lê Đức Hoàng - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

CPAP (Continuous positive airway pressure) - thông khí áp lực dương liên tục. BIPAP (Bilevel positive airway pressure) - thông khí với hai ngưỡng áp lực dương. Đây là hai phương pháp thông khí không xâm nhập được sử dụng rộng rãi trong các đơn vị hồi sức cấp cứu, đặc biệt là trong hồi sức sơ sinh.

1. Chỉ định và chống chỉ định của 2 phương pháp

1.1. Chỉ định

Cả hai phương pháp được chỉ định hỗ trợ hô hấp cho những trường hợp bị suy hô hấp nhưng vẫn còn nhịp thở, cụ thể như sau:

BIPAP được sử dụng ưu tiên trong những trường hợp sau:

  • Thực hiện CPAP thất bại.
  • Cai thở cho bệnh nhi phải sử dụng thở xâm nhập hoặc trẻ đẻ cực non, có trọng lượng cực thấp.
  • Sử dụng ngay sau khi sinh hoặc sau khi thực hiện liệu pháp INSURE, Surfactant.
Chỉ định thông khí nhân tạo không xâm nhập BiPAP
Chỉ định thông khí nhân tạo không xâm nhập BiPAP

1.2. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng trong những trường hợp sau:

  • Tràn khí màng phổi chưa được dẫn lưu.
  • Rò khí thực quản.
  • Tăng áp lực nội sọ: viêm màng não, xuất huyết não.
  • Dị dạng teo tịt lỗ mũi sau. hở hàm ếch nặng, chảy máu mũi nặng.
  • Phổi có xuất hiện bóng khí.
  • Bị sốc do bất kỳ nguyên nhân nào.
  • Thoát vị hoành
  • Viêm ruột hoại tử hoặc tắc ruột.

2. Chuẩn bị trước khi thực hiện

máy quét thân nhiệt
Máy quét thân nhiệt bệnh nhân

Người thực hiện: Bác sĩ chuyên khoa, điều dưỡng được đào tạo sử dụng thành thạo các thao tác máy.

Phương tiện: Máy thở CPAP hoặc BIPAP, Sonde gọng mũi, Sonde hút, băng cố định, găng vô khuẩn, máy hút, monitoring theo dõi nhịp tim, spO2, huyết áp.

Bệnh nhân: Được giải thích về các thao tác sử dụng máy, bệnh nhân cần có thân nhiệt đảm bảo.

Hồ sơ bệnh án: Đầy đủ theo quy định

3. Các bước tiến hành

3.1 Các bước tiền hành thông thường

Sau khi kiểm tra kỹ càng hồ sơ bệnh án thì tiến hành thực hiện kỹ thuật, các thao tác cụ thể như sau:

Chuẩn bị ban đầu

  • Tư thế: trung gian
  • Đặt gọng CPAP mũi cho bệnh nhi thật cẩn thận
  • Kiểm tra máy thở có hoạt động bình thường hay không, bao gồm: hệ thống dây nối, các bình được lắp đúng và đảm bảo kín, cài đặt các chỉ số theo lưu lượng của bệnh nhân.

Chuẩn bị máy thở CPAP/BIPAP

  • Đối với máy CPAP tiến hành đổ nước vào bình tạo áp lực và bình làm ẩm ở mức quy định.
  • Nối hệ thống máy thở với hệ thống oxy và khí nén.
  • Cài đặt mức áp lực CPAP.
  • Với CPAP lưu lượng thay đổi và BIPAP điều chỉnh lưu lượng để đạt mức áp lực mong muốn, thông thường bắt đầu từ 5- 6cm H2O.
  • Cài mức CPAP nền 4-6 cm H2O, mức CPAP ngưỡng cao từ 2 đến 3 cm trên mức CPAP nền.
  • T-high 0,5- 1
  • Tần số 10 – 30
  • Cài đặt nhiệt độ và độ ẩm thích hợp: Nhiệt độ thường đặt từ 36- 37,5 độ C, còn độ ẩm khoảng 50%, nếu thời tiết khô có thể chỉnh tăng lên 80%.
  • Chỉnh giá trị FiO2
  • Với CPAP cột nước: Chỉnh lưu lượng oxy và khí nén sao cho đạt được nồng độ oxy trong khí thở vào mong muốn. Thông thường bắt đầu từ giá trị FiO2 40% và bọt khí sủi ra đều đặn.
  • Với CPAP lưu lượng thay đổi và BIPAP ta tiến hành vặn núm chỉnh FiO2
  • Bật đèn báo động
  • Nối máy CPAP/ BIPAP với người bệnh.
Thở áp lực dương liên tục bằng mũi
Thở áp lực dương liên tục bằng mũi

3.2 Các bước tiến hành thở CPAP qua van Benveniste

Lắp ráp hệ thống thở áp lực dương liên tục

  • Mở bình làm ẩm và đặt giấy thấm vào ống xoắn rồi gắn lại bình làm ẩm. Sau đó tiến hành đổ nước cất vô trùng vào bình làm ẩm.
  • Gắn đầu cắm của lưu lượng kế vào các van của bình khí nén và oxy.
  • Chú ý màu quy định lỗ oxy màu trắng và lỗ air màu đen.
  • Đặt buồng làm ẩm vào bộ phận làm ấm

Lắp các hệ thống dây dẫn

  • Lắp dây dẫn khí từ bộ phận trộn khí đến bình làm ẩm.
  • Gắn đoạn dây máy thở, gắn nhiệt kế từ bình làm ẩm đến bẫy nước và đến ba chia gắn nhiệt kế. Đặt bẫy nước ở vị trí thấp hơn so với người bệnh, đặt mặt số của nhiệt kế quay ra trước.
  • Gắn cannula vào van Benveniste
  • Cắm điện vào nguồn điện lưới 220V rồi bật nút “ON” bình làm ấm và điều chỉnh núm xoay nhiệt độ sao cho nhiệt độ bình làm ấm được giữ trong khoảng 33 ± 10 độ C.
  • Vặn lưu lượng oxy và Air theo lệnh của bác sĩ thực hiện, kiểm tra áp lực
  • Cố định cannula vào mũi người bệnh

Đánh giá toàn trạng của bệnh nhi sau khi thực hiện kỹ thuật

  • Nhịp thở, cơn ngừng thở, mức độ gắng sức.
  • Tưới máu ngoại vi, mạch.
  • spO2
  • Suy hô hấp (rút lõm lồng ngực, thở rên, phập phồng cánh mũi)
  • Xuất tiết dịch, màu sắc da mũi, chướng bụng, dịch dạ dày, độ thoải mái của trẻ.

4. Theo dõi

Máy thở
Theo dõi hoạt động của máy thở biết tình trạng của bệnh nhân

  • Theo dõi hoạt động của máy thở
  • Theo dõi tình trạng bệnh nhân, nên để cai máy thở sớm nhất có thể.
  • Nếu bị suy hô hấp nặng thì cần can thiệp bằng máy thở xâm nhập.
  • Theo dõi và kết hợp điều trị phối hợp khác.
  • Sau khi cho trẻ ăn nên mở sonde dạ dày để tránh gây nên tình trạng khó thở.

Trong quá trình thực hiện thở máy không xâm nhập NCPAP và BIPAP, nếu trẻ có những tai biến như đặt sonde quá sâu, tổn thương mũi, tắc sonde CPAP, nhiễm khuẩn,... thì cần xử trí theo tình hình và hướng dẫn chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

31K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan