Trẻ em cần lưu ý gì khi chụp cộng hưởng từ sọ não

Bài viết được viết bởi ThS.Bác sĩ Nguyễn Lê Thảo Trâm - Bác sĩ Chẩn Đoán Hình Ảnh, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Để có được hình ảnh chụp tốt nhất, trẻ của bạn cần phải nằm yên trong quá trình chụp. Do đó có thể trẻ cần an thần, đặc biệt là các bé nhỏ không chịu nằm yên. Thuốc an thần cũng hữu ích với những trẻ mắc chứng sợ phòng kín (claustrophobia).

1. Cộng hưởng từ sọ não là gì?

Chụp cộng hưởng từ (còn gọi là MRI) là kỹ thuật không đau và an toàn, dùng từ trường và sóng radio để tái hiện chi tiết hình ảnh của não. MRI khác CT Scan (chụp cắt lớp vi tính) ở chỗ không sử dụng tia phóng xạ. Trong quá trình chụp, hàng triệu điểm ảnh sẽ được tính toán và tái tạo 3D, thu được chi tiết giải phẫu tốt, độ tương phản cao. Vì thế kỹ thuật này cho phép xác định từng tổn thương nhỏ ở não khi chụp khu trú vào bộ phận này.

2. Phương pháp này được thực hiện như thế nào?

MRI giúp phát hiện một loạt bệnh lý của não như nang, xuất huyết, phù nề, khối u, bất thường về cấu trúc... Không những thế, nó còn xác định thông động tĩnh mạch, tổn thương mạch máu não.

MRI sọ não còn hữu ích trong đánh giá các vấn đề như đau đầu kéo dài, chóng mặt, yếu, nhìn mờ hoặc động kinh. Đồng thời, MRI còn giúp phát hiện các bệnh mãn tính của hệ thần kinh trung ương như xơ cứng củ (multiple sclerosis).

Trong nhiều trường hợp, MRI còn phát hiện các bệnh lý mà không nhìn thấy được trên Xquang, CT hoặc siêu âm như các bệnh lý tuyến yên và thân não.

Chụp PET/CT
Chụp cộng hưởng từ (MRI) an toàn

3. Những điều bạn cần làm để chuẩn bị cho trẻ

Phần lớn, chụp MRI sọ não không yêu cầu phải chuẩn bị gì đặc biệt. Kỹ thuật viên sẽ cần bé của bạn cởi bỏ các thiết bị/đồ vật kim loại mang trong người như kính và trang sức vì chúng có thể gây xảo ảnh cho phim chụp. Bạn cũng sẽ được hỏi để chắc chắn trẻ của bạn không mang trong người các thiết bị kim loại sau phẫu thuật hoặc các thiết bị khác có thể ảnh hưởng trong từ trường mạnh. Xin lưu ý, các thiết bị điện tử không được phép dùng trong phòng chụp MRI.

Thuốc an thần hoặc gây mê có thể sẽ dùng ở đường tĩnh mạch để giúp trẻ ngủ trong suốt quá trình chụp. Trong trường hợp này, trẻ không nên uống nước hoặc ăn trước đó (khoảng 4-6 tiếng) để dạ dày trống.

Quan trọng nhất là bạn cần thông báo cho kỹ thuật viên về bất cứ vấn đề dị ứng, phản ứng thuốc trẻ đã hoặc đang có.

Bạn có thể ở trong phòng với trẻ cho tới khi chụp, trong một số trường hợp đặc biệt, chúng tôi cho phép bố mẹ ở cùng trẻ trong suốt quá trình chụp với một số yêu cầu nhất định, điều này nhằm giúp đảm bảo an toàn cho trẻ, cho bố mẹ cũng như kết quả chụp tốt nhất.

Chụp PET/CT
Trước khi chụp, trẻ sẽ được bác sĩ tư vấn kĩ về việc chụp MRI

4. Chụp cộng hưởng từ sọ não sẽ diễn ra như thế nào?

Một ca chụp MRI sọ não thông thường sẽ khoảng 30 – 45 phút. Bé của bạn sẽ nằm trên giường chụp và kỹ thuật viên sẽ đặt một thiết bị đặt biệt gọi là “Coil” xung quanh đầu của bé. Bàn chụp sẽ được đưa vào trong “lồng” và kỹ thuật viên sẽ bắt đầu lấy hình ảnh sọ não của bé thông qua một số xung. Quá trình chụp này sẽ gây ra một số tiếng ồn nhất định dù trẻ được bịt tai trước, đồng thời bé sẽ cảm thấy hơi nóng trong vùng chụp. Nếu được dùng an thần hoặc gây mê, bé sẽ được theo dõi về sinh hiệu như nhịp tim, nhịp thở, nồng độ Oxy máu trong suốt quá trình chụp thông qua máy được bắt trên người bé.

Trong một số trường hợp, trẻ sẽ được tiêm thuốc cản quang từ đường tĩnh mạch. Thuốc cản quang từ cho phép tổn thương nổi rõ lên và giúp bác sĩ định hướng tổn thương tốt hơn. Thuốc cản quang từ dùng trong MRI thường an toàn, tuy nhiên phản ứng dị ứng vẫn có thể xảy ra. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về lợi ích cũng như nguy cơ của thuốc cản quang từ trong từng trường hợp cụ thể.

Sau khi chụp xong, kỹ thuật viên sẽ đưa bé qua phòng hồi tỉnh để theo dõi thêm, đặc biệt là trong trường hợp bé dùng gây mê và/hoặc thuốc cản quang từ.

Chụp MRI trẻ em
Chụp MRI cho trẻ em thường diễn ra trong khoảng 45 phút

5. Bạn mong đợi gì từ chụp cộng hưởng từ sọ não?

Một cuộc kiểm tra MRI là không đau. Bé của bạn phải nằm yên trên bàn MRI trong 30-45 phút trong suốt quá trình, nhưng có những khoảng nghỉ ngắn giữa mỗi lần quét. Nếu bé lạnh khi nằm trong Phòng chụp, kỹ thuật viên sẽ cung cấp chăn.

Trừ khi dùng thuốc an thần hoặc thuốc cản quang từ, bé có thể ngay lập tức trở lại các thói quen và chế độ ăn uống bình thường. Hầu hết các thuốc an thần sẽ thải hết trong vòng 1-2 giờ và 24 giờ đối với thuốc cản quang từ.

Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh sẽ đọc hình ảnh MRI của bé. Họ sẽ gửi kết quả cho bác sĩ chính của bạn, người sẽ thảo luận về kết quả với bạn và giải thích ý nghĩa của chúng. Trong hầu hết các trường hợp, kết quả không thể được trao trực tiếp cho bệnh nhân hoặc gia đình. Nếu trong trường hợp cấp cứu, kết quả MRI sẽ được ưu tiên đọc và sẽ có kết quả nhanh chóng.

6. Nguy cơ của phương pháp này?

MRI là an toàn và tương đối dễ dàng. Không có rủi ro sức khỏe liên quan đến từ trường hoặc sóng vô tuyến, vì sóng vô tuyến năng lượng thấp không sử dụng bức xạ. Kỹ thuật này có thể được lặp đi lặp lại mà không có tác dụng phụ.

Nếu bé cần dùng thuốc an thần, bạn có thể thảo luận về những rủi ro và lợi ích của thuốc an thần với bác sĩ chỉ định. Ngoài ra, vì thuốc cản quang từ có thể gây ra phản ứng dị ứng ở một số trẻ, hãy chắc chắn bé được tư vấn kỹ và có thể dùng thuốc chống dị ứng trong một số trường hợp cụ thể. Cần có nhân viên y tế sẵn sàng xử lý phản ứng dị ứng.

Nếu bé bị suy giảm chức năng thận, đây là một bệnh lý quan trọng bạn cần báo cho bác sĩ của bạn trước khi dùng thuốc cản quang từ vì nó có thể dẫn đến một số biến chứng mặc dù hiếm gặp.

7. Giúp bé của bạn

Hãy lưu ý về tiếng ồn trong quá trình chụp để bé không hoảng sợ. Bạn cũng có thể nói rằng bạn sẽ ở gần đó trong suốt quá trình chụp.

Nếu cần tiêm thuốc cản quang từ hoặc thuốc an thần, bạn có thể nói với bé rằng vết kim tiêm nhỏ và sẽ chỉ đau một chút. Nếu con bạn đủ tỉnh táo và hợp tác, hãy giải thích để bé nằm yên.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan