Tư thế nằm nghiêng an toàn trong cấp cứu

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Toán - Bác sĩ Hồi sức cấp cứu - Khoa Hồi sức Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Tình huống cấp cứu là những hoàn cảnh mà trong đó tính mạng người bệnh đang bị đe dọa, các chức năng sống cơ bản không được đảm bảo. Đặt bệnh nhân ở một tư thế an toàn là một trong những bước quan trọng quyết định đến hiệu quả của việc sơ cứu ban đầu.

1. Tư thế an toàn trong cấp cứu là gì?

Những tình huống cấp cứu nguy hiểm đến tính mạng con người như chấn thương, tai nạn giao thông, đuối nước, điện giật có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm và hoàn cảnh nào trong cuộc sống. Khi đó, điều quan trọng cần được thực hiện là các công tác cấp cứu cơ bản để bảo vệ tính mạng cho nạn nhân ngay tại hiện trường, trong thời gian đợi đội cứu hộ chuyên nghiệp đến.

Sơ cấp cứu ban đầu là một chuỗi các hành động cần được thực hiện nhanh chóng, bao gồm giải phóng nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp nếu có, cầm máu và đặt bệnh nhân ở một tư thế an toàn. Những việc làm này nếu được thực hiện tốt sẽ hạn chế được các nguy hiểm tác động đến người bệnh, ngăn cản một tiến triển xấu hơn, duy trì sự sống cho người bệnh và quyết định đến hiệu quả của việc điều trị sau này.

Tư thế an toàn trong cấp cứu là tư thế đảm bảo được sự lưu thông đường hô hấp, cơ quan thiết yếu quyết định sự sống còn của nạn nhân. Việc lựa chọn một tư thế an toàn phụ thuộc vào đặc điểm và hoàn cảnh của từng tình huống nguy hiểm khác nhau. Với một nạn nhân hôn mê, tư thế nằm nghiêng an toàn được khuyến cáo để lưỡi không bị tụt về phía sau gây tắc nghẽn vùng hầu họng và hẹp đường thở trên.

Tư thế nằm nghiêng an toàn còn được áp dụng khi nạn nhân nôn mửa nhiều, để tránh sặc chất nôn vào đường thở gây suy hô hấp. Tuy nhiên, nạn nhân chấn thương nghi ngờ có tổn thương cột sống cổ cần được cố định cột sống cổ thẳng trục để không làm tổn thương đoạn tủy cổ, không nên nghiêng bệnh nhân nếu người thực hiện chỉ có một mình hoặc không có kinh nghiệm sơ cứu. Khi tiến hành hồi sức tim phổi cơ bản, bệnh nhân cần được đặt ở tư thế nằm ngửa để thuận tiện cho việc thực hiện và theo dõi mạch, huyết áp và ý thức của người bệnh.

Cách đặt bệnh nhân về tư thế nằm nghiêng an toàn
Tư thế nằm nghiêng an toàn được khuyến cáo để lưỡi không bị tụt về phía sau

2. Tư thế nằm nghiêng an toàn trong cấp cứu

Nằm nghiêng an toàn là một tư thế được hầu hết các hiệp hội cấp cứu hồi sức khuyến cáo trong hầu hết các trường hợp. Ở tư thế này, người bệnh cần được đặt sao cho:

  • Nghiêng hẳn người bệnh về một phía
  • Đầu đặt sát xuống mặt nền sao cho phần cổ cao hơn phần miệng
  • Hai tay đặt duỗi thẳng, vuông góc với thân người hoặc tay trên gấp nhẹ nắm lấy tay dưới đang duỗi thẳng
  • Chân dưới duỗi thẳng trục với thân mình, chân trên co nhẹ và vắt chéo qua chân còn lại
  • Nếu gặp khó khăn, người sơ cứu có thể sử dụng các đồ vật có sẵn tại hiện trường đặt chắn hai phía của người bệnh để cố định lại tư thế, nên sử dụng gối hoặc vải mềm để tránh gây ra các thương tích không đáng có khác. Tư thế nằm nghiêng an toàn được đánh giá là phù hợp cho hầu hết các hoàn cảnh cấp cứu khác nhau, ngoại trừ những trường hợp nghi ngờ chấn thương cột sống cổ.

Tư thế nằm nghiêng an toàn mang lại nhiều lợi ích như:

  • Tạo sự thông thoáng cho đường thở trên, tránh để lưỡi tụt về phía sau.
  • Đưa đờm dãi và các dị vật ra ngoài, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho động tác làm sạch vùng miệng họng
  • Tránh sặc các chất nôn ngược trở lại vào đường hô hấp gây suy hô hấp.

Các bước thực hiện như hình dưới đây:

Bước 1:

  • Nếu bạn phát hiện một người bị bất tỉnh, hãy thực hiện đánh giá ban đầu nếu có thể ( lay gọi, cấu véo, nghe tiếng thở, quan sát lồng ngực di động, bắt mạch).
  • Nhanh chóng gọi giúp đỡ từ xung quanh hoặc hệ thống cấp cứu, mở loa ngoài và làm theo hướng dẫn chuyên môn
  • Nếu nạn nhân bất tỉnh nhưng tự thở, hãy đặt họ ở tư thế nằm nghiêng an toàn
cap-cuu-1

Bước 2:

  • Quỳ bên nạn nhân, duỗi thẳng chân nạn nhân
  • Nếu họ đang đeo kính, hoặc có bất kỳ đồ vật gây vướng nào trong túi quần, hãy lấy bỏ chúng.
  • Đừng kiểm tra túi của họ nếu là các đồ vật nhỏ không gây vướng víu.
cap-cuu-2

Bước 3: Đặt cánh tay của nạn nhân cùng phía với tạo một góc vuông với cơ thể của họ, gập khuỷu tay và lòng bàn tay hướng lên trên.

Đặt cánh tay của nạn nhân cùng phía với tạo một góc vuông với cơ thể của họ, gập khuỷu tay và lòng bàn tay hướng lên trên.

Bước 4: Đặt cánh tay kia của nạn nhân chéo qua ngực, áp mu bàn tay vào má nạn nhân cùng phía với bạn và giữ tư thế đó.

cap-cuu-4

Bước 5: Tay còn lại của bạn kéo gối khác bên của nạn nhân lên để tạo thành tư thế chống chân trên mặt sàn

cap-cuu-5

Bước 6: Giữ mu bàn tay của nạn nhân áp vào má họ, đồng thời kéo phần chân đang chống của nạn nhân về phía bạn, lúc nay toàn bộ cơ thể sẽ nghiêng và mặt nạn nhân sẽ hướng về phía bạn. Sau đó, bạn có thể điều chỉnh chân trên để tạo thân 1 góc vuông.

cap-cuu-6

Bước 7: Nhẹ nhàng ngửa đầu nạn nhân về phía sau và nâng cằm lên để đảm bảo đường thở nạn nhân thẳng, phần cằm sẽ được nâng cao hơn phần trán, nếu có chất nôn, dịch tiết hô hấp sẽ chảy ra ở khóe miệng gần phía sàn.

cap-cuu-7

Bước 8:

  • Gọi cấp cứu để được trợ giúp khẩn cấp nếu chưa làm. Theo dõi mức độ phản ứng nạn nhân trong khi chờ đợi sự giúp đỡ đến.
  • Nếu nạn nhân vẫn ở vị trí phục hồi trong hơn 30 phút, hãy cho nạn nhân nằm nghiêng an toàn về phía đối diện.
cap-cuu-8

3. Giới thiệu một số tư thế an toàn khác trong cấp cứu

  • Tư thế nằm ngửa đầu bằng

Nạn nhân được đặt nằm ngửa trên bề mặt cứng, đầu ở tư thế tự nhiên. Tư thế nằm ngửa đầu bằng áp dụng cho bệnh nhân nhân nghi ngờ có hạ huyết áp, chấn thương cột sống cổ và đang được tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp.

  • Tư thế nằm ngửa đầu cao

Nạn nhân nằm ngửa với đầu được kê cao không quá 30 độ. Tư thế nằm ngửa đầu cao hạn chế tình trạng phù não và giảm nguy cơ sặc chất nôn vào phổi, phù hợp cho những trường hợp nghi ngờ tai biến mạch máu não hoặc chấn thương sọ não với các giá trị huyết động ở trong mức bình thường. Những nạn nhân có huyết áp thấp hoặc các tình trạng làm giảm tưới máu não không nên được đặt ở tư thế này.

  • Tư thế nằm ngửa chân cao

Nạn nhân được đặt nằm ngửa và kê cao chân bằng ghế, gối mềm hoặc bất kỳ vật dụng nào có sẵn tại hiện trường. Tư thế nằm ngửa chân cao phù hợp với nạn nhân có phù hai chi, mất máu nhiều do chấn thương để tăng cường máu tuần hoàn từ hai chi dưới về tim.

  • Tư thế nằm sấp

Đây là tư thế ít được áp dụng nhất trên thực tế lâm sàng do tạo ra nhiều khó khăn cho việc sơ cứu và theo dõi bệnh nhân. Người bệnh được đặt ở tư thế nằm sấp cũng cảm thấy khó chịu và hô hấp khó khăn hơn. Tuy nhiên tư thế nằm sấp thích hợp với những nạn nhân có tổn thương vùng lưng, sau ngực cần được bộc lộ và khám xét hoặc áp dụng cho bệnh nhân suy hô hấp cấp nặng có chỉ định thông khí nằm sấp.

Nằm nghiêng
Nằm nghiêng an toàn là một tư thế được hầu hết các hiệp hội cấp cứu hồi sức khuyến cáo trong hầu hết các trường hợp

Người sơ cứu tại hiện trường hoặc nhân viên y tế cần hiểu lợi ích và nguy cơ của từng tư thế để lựa chọn đúng cho từng bệnh nhân. Việc đặt tư thế an toàn cho người bệnh cần được tiến hành ngay khi đến hiện tượng và thực hiện tiếp các bước cấp cứu khác. Trong suốt quá trình sơ cấp cứu cần liên tục đánh giá người bệnh, tư thế an toàn có thể cần thay đổi để phù hợp với từng giai đoạn và đáp ứng của người bệnh. Mặc dù tư thế nằm nghiêng an toàn phát huy được tác dụng hỗ trợ công tác cấp cứu trong hầu hết trường hợp nhưng cần lưu ý tránh đặt bệnh nhân nằm nghiêng an toàn khi cần thực hiện hồi sức tim phổi. Khi người bệnh tỉnh táo, ưu tiên để người bệnh tự lựa chọn tư thế an toàn thoải mái nhất sau khi đã loại trừ các chống chỉ định liên quan đến các tình trạng tổn thương hiện tại.

Thạc sĩ Phan Ngọc Toán từng là Bác sĩ điều trị Nội khoa tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Trị, bác sĩ Cấp cứu và Hồi sức tích cực - Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng trước khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay. Bác sĩ Toán có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Hồi sức – Cấp cứu người lớn, Cấp cứu bệnh nhi.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

19.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan