Ưu và nhược điểm khi siêu âm màng phổi

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Khổng Tiến Đạt, Bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long. Bác sĩ có hơn 14 năm làm việc trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh.

Kỹ thuật siêu âm màng phổi đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh thuộc màng phổi. Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về những ưu và nhược điểm của kỹ thuật này.

1. Siêu âm màng phổi là gì?

Siêu âm màng phổi là kỹ thuật có khả năng chẩn đoán hiệu quả các bệnh lý tại màng phổi như khối u, viêm, tổn thương... Ngoài ra, siêu âm màng phổi còn được đánh giá cao trong việc phát hiện tràn dịch màng phổi, kiểm tra độ dày màng phổi và khối u trên màng phổi, giúp định hướng chọc dò, sinh thiết màng phổi, dẫn lưu dịch.

Hình ảnh tràn dịch màng phổi trên phim X-quang
Siêu âm mang lại hiệu quả cao trong việc phát hiện và chẩn đoán tràn dịch màng phổi

2. Ưu và nhược điểm của siêu âm màng phổi

Siêu âm màng phổi là một kỹ thuật hiện đại, có giá trị rất lớn trong việc hỗ trợ thăm khám, chẩn đoán và điều trị bệnh. Những ưu điểm nổi trội của kỹ thuật siêu âm màng phổi hiện nay:

  • Kỹ thuật linh hoạt, có thể thực hiện ngay tại giường bệnh.
  • Hình ảnh hiển thị của siêu âm màng phổi có độ phân giải cao, nhanh chóng và chính xác.
  • Thiết bị siêu âm với kích thước nhỏ gọn, có thể di chuyển khi cần thiết, thuận lợi cho quá trình siêu âm.
  • Đặc biệt, kỹ thuật siêu âm màng phổi không có liều chiếu xạ nên đảm bảo an toàn và không gây ra bất kì tổn hại nào đến các cơ quan khi tiến hành khảo sát.
  • Chi phí thực hiện hợp lý và đáp ứng được với nhiều đối tượng bệnh nhân.

Bên cạnh những ưu điểm nổi trội kể trên, siêu âm màng phổi cũng có những nhược điểm nhất định:

  • Chất lượng hình ảnh siêu âm phụ thuộc vào thiết bị siêu âm tại cơ sở y tế.
  • Kết quả siêu âm mang tính khách quan, đòi hỏi bác sĩ siêu âm phải là người có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo chuyên khoa và dày dặn kinh nghiệm.
  • Một số hình ảnh bệnh lý khó phân biệt. Cần phải kết hợp với các kỹ thuật khác như X- quang, cộng hưởng từ,... để đưa ra kết luận cuối cùng chính xác nhất.
Quy trình chụp cộng hưởng từ cột sống ngực có tiêm thuốc đối quang từ
Cần kết hợp siêu âm với các biện pháp chẩn đoán hình ảnh khác để đưa ra kết luận chính xác

3. Quy trình thực hiện siêu âm màng phổi

3.1 Chuẩn bị.

Bệnh nhân thực hiện siêu âm màng phổi không cần chuẩn bị gì cả. Tùy vào cơ sở y tế mà bệnh nhân sẽ cần phải thay trang phục bệnh viện để thuận lợi cho việc kiểm tra.

Tùy thuộc vào vị trí cần kiểm tra và tùy thuộc vào yêu cầu của bác sĩ bệnh nhân có thể siêu âm ở tư thế nằm hoặc ngồi.

  • Đối với tư thế nằm: thuận lợi cho việc kiểm tra màng phổi từ góc sườn hoành bên và sau, phần đáy nhu mô phổi, đánh giá cơ hoành và màng phổi thông qua gan.
  • Đối với tư thế ngồi thẳng: đầu dò được đặt tại các khoang liên sườn. Với tư thế này, bác sĩ có thể dễ dàng kiểm tra các bệnh về thành ngực, màng phổi, tìm tràn dịch màng phổi với lượng ít.

Thiết bị siêu âm được sử dụng có 2 đầu dò:

  • Đầu dò cong có tần số 3,5 - 5 MHz.
  • Đầu dò phẳng có tần số 5 - 10 MHz.

Tiến hành bôi gel dẫn âm trên vị trí đặt đầu dò để thu được hình ảnh rõ nét hơn.

3.2 Các bước thực hiện

Bước 1: Di chuyển đầu dò dọc vị trí liên sườn. Nếu có tổn thương cần so sánh với bên đối diện và quan sát sự thay đổi của các thì hô hấp.

Bước 2: Quan sát hình ảnh siêu âm khi đầu dò di chuyển đến vị trí giữa màng phổi thànhmàng phổi tạng, trường hợp có khoảng trống âm thì đây là dấu hiệu điển hình của tràn dịch màng phổi. Bước này sử dụng đầu dò 3,5 MHz để ước lượng mức độ tràn dịch màng phổi nhiều hay ít.

Bước 3: Với trường hợp tràn khí màng phổi, hình ảnh siêu âm sẽ không thấy hình ảnh trượt màng phổi, không thấy hình ảnh đuôi sao chổi và đường màng phổi rộng ra.

Siêu âm đầu dò
Siêu âm màng phổi bằng thiết bị có 2 đầu dò

4. Hình ảnh bình thường trên siêu âm màng phổi

  • Dấu hiệu dội lại liên tiếp nhiều lần

Khi các sóng âm gặp mặt phân cách giữa màng phổi và không khí trong nhu mô sẽ tạo ra phản ứng dội lại liên tiếp nhiều lần hiển thị các đường thẳng song song với màng phổi. Đây là kết quả hình ảnh bình thường trên siêu âm màng phổi. Tuy nhiên, kết quả hình ảnh này cũng thấy trong tràn khí màng phổi, do vậy nó ít có giá trị trong chẩn đoán.

  • Dấu hiệu đuôi sao chổi

Dấu hiệu này xảy ra khi sóng âm gặp môi trường không khí và các vách phế nang sẽ hiển thị trên màn hình kết quả những phản hồi liên tiếp theo nhiều hướng.

  • Dấu hiệu trượt màng phổi

Lá tạnglá thành trượt lên nhau, dấu hiệu này sẽ không xuất hiện khi có bệnh lý: tràn dịch màng phổi, tràn khí màng phổi, u màng phổi. Do vậy, dấu hiệu này mang có giá trị cao trong chẩn đoán siêu âm màng phổi.

Kết luận, kỹ thuật siêu âm màng phổi hiện nay có vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến màng phổi. Trên đây là những ưu và nhược điểm của kỹ thuật, hi vọng đã cung cấp thêm cho bạn đọc những kiến thức bổ ích.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan