Virus nào gây mụn rộp ở miệng?

Virus gây mụn rộp ở miệng khi xâm nhập vào tế bào chủ sẽ gây ra các triệu chứng nhiễm trùng da, xuất hiện vết loét. Virus có thể gây bệnh ở tất cả mọi người, đặc biệt là virus này có thể dẫn đến nhiễm trùng nặng ở trẻ sơ sinh gây ra các biến chứng nghiêm trọng.

1. Mụn rộp ở miệng là gì? Virus nào gây bệnh?

Bệnh rộp môi hay còn gọi là bệnh mụn rộp ở miệng. Khi nhiễm bệnh, người bệnh sẽ xuất hiện những nốt rộp xung quanh miệng và nướu. Đây là một bệnh nhiễm trùng ở miệng, môi hoặc nướu do virus HSV (Herpes) gây ra. Virus HSV có 2 loại thường gây nên bệnh rộp môi là:

  • Virus HSV tuýp 1 (HSV-1), lan truyền chủ yếu do tiếp xúc với nước bọt của người bệnh hoặc tiếp xúc trực tiếp với vết thương trên da hoặc phần da mềm ở miệng.
  • Virus HSV tuýp 2 (HSV-2) thường lây lan qua đường tình dục và gây ra bệnh mụn rộp sinh dục. HSV-2 có thể xảy ra ở miệng nếu người bệnh quan hệ tình dục bằng đường miệng thì sẽ gây ra rộp miệng.

Khi nhiễm virus HSV, người bệnh sẽ có dấu hiệu loét miệng, tuy nhiên một số người khác không có triệu chứng gì. Sau 1 đến 3 tuần tiếp xúc với virus HSV, người bệnh sẽ có một số triệu chứng như sau:

  • Ngứa ở môi hoặc da xung quanh vùng miệng người bệnh, sau đó xuất hiện những nốt mụn nước gần môi và khu vực miệng;
  • Người bệnh sẽ ngứa ran gần môi hay khu vực miệng.
Mụn rộp sinh dục
Virus HSV làm xuất hiện mụn nước gần môi và khu vực miệng người bệnh

  • Trong một số trường hợp có thể bị viêm họng, sốt và cảm thấy đau khi nuốt.
  • Nổi mụn hoặc ban đỏ ở nướu, môi, miệng và họng. Các nốt rộp có thể mọc theo thành từng đám.

2. Một số phương pháp pháp điều trị bệnh rộp môi

Thông thường các triệu chứng của bệnh mụn rộp ở miệng có thể tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 1 đến 2 tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người bệnh có thể thực hiện một số phương pháp điều trị bệnh rộp môi như:

Dùng thuốc:

  • Việc dùng thuốc cần có kê đơn từ bác sĩ điều trị, một số loại thuốc bác sĩ sẽ kê cho người bệnh như: Thuốc kháng virus để giúp giảm đau và khiến các triệu chứng thuyên giảm hơn (như: Acyclovir; Famciclovir; Valacyclovir) ngay từ khi có các dấu hiệu cảnh báo của bệnh mụn giộp.
  • Người bệnh cũng có thể dùng aspirin, acetaminophen, ibuprofen nhằm làm giảm đau.
  • Dạng kem bôi da chống siêu vi rút ngắn thời gian phát bệnh một vài giờ đến một ngày. Penciclovir và acyclovir là kem thoa ngoài da rất hữu hiệu khi bùng phát bệnh herpes.
Kem bôi, thuốc bôi
Thuốc dạng kem bôi ngoài da rất hiệu quả trong việc chống siêu vi

Thực phẩm:

  • Lô hội: Thuộc tính kháng khuẩn có trong lô hội có tác dụng chữa bệnh mụn rộp ở miệng. Lô hội sẽ giúp làm dịu da và chữa lành vết thương. Bôi lô hội vào vị trí mụn rộp sẽ giúp bạn nhanh chóng khỏi bệnh.
  • Sữa chua: Giúp chống lại virus HSV gây mụn giộp và đẩy nhanh quá trình lành bệnh. Cách sử dụng là người bệnh bôi sữa chua lên khu vực bị nhiễm. Để một lúc rồi rửa sạch bằng nước.
  • Sữa: Canxi và chất béo có trong sữa sẽ giúp chống lại các virus gây nhiễm trùng, giúp bạn chóng khỏi bệnh. Tương tự như sữa chua, bạn nên thoa sữa lên môi một lúc rồi rửa sạch.
  • Tỏi: Tỏi có thể được sử dụng để điều trị mụn rộp. Các thành phần enzyme và chống virus có trong tỏi sẽ điều trị mụn rộp ở miệng một cách hiệu quả, nhanh chóng.

3. Một số phương pháp giảm nguy cơ mắc mụn rộp

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh xã hội nói chung và bệnh mụn rộp ở miệng nói riêng, mọi người:

  • Không nên quan hệ tình dục qua đường âm đạo, hậu môn hoặc miệng với những người có nguy cơ mắc bệnh.
  • Khi quan hệ tình dục, bạn cần duy trì mối quan hệ một vợ một chồng với người không bị nhiễm mụn rộp sinh dục
  • Dùng bao cao su đúng cách mỗi khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, bao cao su không thể che hết được tất cả vùng lở mụn rộp. vì vậy tốt nhất là nên đợi sau khi đã điều trị bệnh.
Dùng bao cao su có an toàn không?
Không nên quan hệ trong thời gian điều trị bệnh

  • Nếu có quan hệ với người bị mụn rộp sinh dục, bạn có thể giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh mụn rộp nếu bạn tình uống thuốc chống mụn rộp hàng ngày. Tuy nhiên, tuyệt đối không nên quan hệ tình dục qua âm đạo, hậu môn hoặc miệng khi bạn tình của bạn có các triệu chứng của mụn rộp.
  • Rửa tay bằng xà phòng và nước ấm thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh; giữ vùng da bị rộp sạch sẽ và khô ráo. Tránh cạo vùng da bị ảnh hưởng bởi vì có nguy cơ lan virus HSV sang vùng da không bị tổn thương.
  • Học cách phát hiện các triệu chứng ban đầu, bởi việc dùng thuốc kháng virus HSV gây bệnh mụn rộp sớm có thể làm giảm thời gian mắc bệnh;
  • Đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng nặng hơn, bạn bị sốt hoặc có mủ chảy ra từ nốt rộp; đau đầu dữ dội, thở gấp, đau mắt hoặc ánh sáng gắt làm bạn khó chịu; bệnh tái phát nhiều hơn 4 - 6 lần mỗi năm.
  • Tránh và học cách đối phó với căng thẳng, stress về thể chất và tinh thần. Nguyên nhân là bởi sự căng thẳng có thể làm hệ miễn dịch yếu đi và khiến virus gây bệnh mụn rộp ở miệng có cơ hội quay trở lại;
  • Ăn các thức ăn có lợi cho sức khỏe. Ngủ đủ giấc và tập thể dục đầy đủ; không nên dùng chung các dụng cụ vệ sinh cá nhân.
  • Tránh phơi nắng quá lâu hoặc để da bị cháy nắng, bởi ánh nắng mặt trời có thể làm bệnh tái phát. Nếu phải ra ngoài thì thoa kem chống nắng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

42.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan