Xét nghiệm hàm lượng CO2 (carbon dioxide)

Xét nghiệm hàm lượng CO2 (carbon dioxide) là phương pháp được sử dụng để đo lượng khí carbon dioxide trong máu để kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc xác định nguyên nhân của các tình trạng bất thường trong cơ thể,...

1. Xét nghiệm CO2 là gì?

CO2 (carbon dioxide) là một chất thải của quá trình trao đổi chất, ở dạng khí. Máu mang CO2 đến phổi, nơi nó được thở ra. Có hơn 90% CO2 trong máu tồn tại ở dạng bicarbonate (HCO3). Phần còn lại là khí carbon dioxide hòa tan (CO2) và axit carbonic (H2CO3). Thận và phổi có nhiệm vụ cân bằng nồng độ CO2, H2CO3 và HCO3.

Xét nghiệm CO2 là xét nghiệm máu đơn giản để đo lượng carbon dioxide trong máu. Đây là một phần của xét nghiệm điện giải. Và vì thận và phổi làm nhiệm vụ duy trì nồng độ CO2 trong máu nên trong trường hợp nồng độ CO2 trong máu cao hơn mức bình thường, bệnh nhân có thể được chỉ định kiểm tra chức năng thận và phổi.

2. Chỉ định xét nghiệm CO2 trong máu

  • Xét nghiệm để kiểm tra sức khỏe định kỳ;
  • Xác định nguyên nhân gây ra một số triệu chứng nhất định: Khó thở, buồn nôn hoặc nôn mửa, lú lẫn hoặc cảm giác ngất;
  • Chỉ định trong trường hợp cấp cứu hoặc trước khi phẫu thuật;
  • Chỉ định kèm theo xét nghiệm điện giải để kiểm tra mức độ bicarbonate, từ đó đánh giá được sự cân bằng chất lỏng của cơ thể, nhịp tim, cơ, chức năng não, thận, phổi,...;
  • Cung cấp cái nhìn tổng thể về tình trạng điện giải, sự cân bằng của axit - bazơ trong máu.
Buồn nôn
Một số đối tượng nhất định được chỉ định làm xét ngiệm CO2 trong máu

3. Thực hiện xét nghiệm hàm lượng CO2 (carbon dioxide)

3.1 Chuẩn bị

  • Bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân không được ăn hay uống, trừ nước trong vòng 8 - 12 giờ trước khi xét nghiệm;
  • Bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ về các loại thuốc đang dùng vì nhiều loại thuốc có thể thay đổi kết quả xét nghiệm CO2;
  • Nói chuyện với bác sĩ về tầm quan trọng của xét nghiệm, rủi ro, quy trình thực hiện, ý nghĩa của kết quả,...

3.2 Thực hiện xét nghiệm

  • Quấn một dải thun quanh cánh tay để ngăn dòng máy chảy, giúp các tĩnh mạch bên dưới trở lên lớn hơn, dễ dàng đưa kim vào tĩnh mạch;
  • Làm sạch vị trí chọc kim bằng cồn;
  • Đặt kim vào tĩnh mạch, rút máu đầy ống;
  • Tháo băng ra khỏi cánh tay khi thu thập đủ lượng máu yêu cầu xét nghiệm;
  • Áp một miếng gạc lên vị trí chọc kim khi rút kim ra;
  • Ấn lên bông và băng lại;
  • Đưa mẫu máu vào phòng xét nghiệm.

3.3 Rủi ro của xét nghiệm và cách xử trí

Có rất ít rủi ro có thể xảy ra khi lấy mẫu máu từ tĩnh mạch để xét nghiệm hàm lượng CO2. Những rủi ro có thể gặp gồm:

  • Có một vết bầm nhỏ tại vị trí lấy mẫu máu. Biện pháp giảm nguy cơ bị bầm tím là nhấn giữ ở nơi lấy máu trong vài phút;
  • Tĩnh mạch có thể bị sưng sau khi lấy mẫu máu (viêm tĩnh mạch). Biện pháp xử trí là sử dụng bông gạc ấm áp lên vùng bị sưng nhiều lần trong ngày.
Xét nghiệm sốt xuất huyết bao nhiêu tiền
Thực hiện xét nghiệm hàm lượng CO2

4. Ý nghĩa xét nghiệm CO2 trong máu

4.1 Kết quả bình thường

Kết quả xét nghiệm hàm lượng CO2 (carbon dioxide) trong máu có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính, tiền sử bệnh lý, phương pháp bảo quản mẫu xét nghiệm và tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân. Các phạm vi bình thường của tổng lượng CO2 trong máu được công bố bởi Hiệp hội Hóa học lâm sàng Hoa Kỳ như sau:

  • Nhóm 18 - 59 tuổi: 23–29 mEq/l (đơn vị quy ước), 23–29 mmol/l đơn vị quốc tế (SI);
  • Nhóm 60 - 89 tuổi: 23–31 mEq/l (đơn vị quy ước), 23–31 mmol/l đơn vị quốc tế (SI);
  • Nhóm trên 90 tuổi: 20–29 mEq/l (đơn vị quy ước), 20–29 mmol/l đơn vị quốc tế (SI).

Theo nghiên cứu của Hiệp hội thận học Hoa Kỳ, nồng độ HCO3 trong máu của phụ nữ thấp hơn khoảng 1 mEq/l so với nam giới.

4.2 Kết quả bất thường

Kết quả xét nghiệm CO2 máu bất thường có thể thấp hoặc cao. Sự thay đổi nồng độ CO2 trong máu có thể gợi ý rằng cơ thể đang thừa hoặc thiếu dịch so với bình thường. Đây là dấu hiệu chỉ ra sự mất cân bằng trong hệ thống điện giải của cơ thể.

  • Mức CO2 thấp hơn bình thường do: Bệnh suy tuyến thượng thận, tiêu chảy, mất nước, suy dinh dưỡng nặng, ngộ độc ethylene glycol, bệnh thận, nhiễm toan ceton, độc tính salicylate (do sử dụng quá liều aspirin), tăng thông khí, bệnh gan, cơn đau tim, cường giáp, tiểu đường, nhiễm toan axit lactic hoặc tích tụ Lactate trong cơ thể,...;
  • Mức CO2 cao hơn bình thường do: Rối loạn hô hấp, nhiễm trùng đường hô hấp, phù phổi, truyền máu, bệnh tim, mắc hội chứng Cushing, mắc Hyperaldosteron - tình trạng ảnh hưởng đến tuyến thượng thận,...

Lưu ý: Một số yếu tố ảnh hưởng đến xét nghiệm:

  • Uống dịch có tính axit cao như nước cam, đồ uống có ga trước khi xét nghiệm;
  • Sử dụng một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc trị tăng nhãn áp, thuốc kháng sinh,...;
  • Người lấy mẫu máu quấn dây thun trên cánh tay quá lâu trước khi lấy máu.
Xét nghiệm CO2
Xét nghiệm CO2 trong máu giúp phát hiện một số bệnh lý

CO2 luôn tồn tại với lượng hằng định trong cơ thể. Mức CO2 trong máu có thể tăng hoặc giảm do sử dụng thuốc, nhiễm trùng hoặc mắc một số bệnh lý. Xét nghiệm hàm lượng CO2 (carbon dioxide) trong máu có thể cho biết một số bệnh lý tiềm ẩn, hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY

Video đề xuất:

Khám sức khỏe định kỳ tại Vinmec: Bảo vệ bạn trước khi quá muộn!

XEM THÊM

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan

Xin mời bạn chọn tỉnh thành: