Xơ cứng bì: Chẩn đoán và điều trị

Với những triệu chứng không đặc hiệu, chẩn đoán xơ cứng bì toàn thân thường gặp nhiều khó khăn. Không có cách chữa khỏi bệnh xơ cứng hệ thống, nhưng điều trị sẽ giảm triệu chứng và làm chậm bệnh tiến triển, ngăn ngừa các biến chứng.

1. Chẩn đoán xơ cứng bì toàn thân

Khi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ xác định những thay đổi trên da và so sánh với triệu chứng của bệnh tự miễn xơ cứng bì. Da sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để kiểm tra các mạch máu nhỏ hoặc mao mạch xung quanh móng tay.

Xơ cứng bì phát triển dần dần, có biểu hiện rất đa dạng và ảnh hưởng đến nhiều khu vực khác nhau trên cơ thể. Một số triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như GERD, khó thở, đau khớp và lắng đọng canxi, cũng thường xuất hiện ở những người không mắc bệnh. Chính vì vậy mà việc chẩn đoán xơ cứng bì toàn thân chính xác sẽ gặp nhiều khó khăn.

Sau khi kiểm tra thể chất kỹ lưỡng, bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ các kháng thể nhất định được hệ thống miễn dịch tạo ra, cũng như yếu tố thấp khớp và tốc độ lắng.

Ngoài ra, bệnh nhân cũng được yêu cầu làm các xét nghiệm chức năng của một số cơ quan, cũng như chẩn đoán hình ảnh để xác định xem hệ thống tiêu hóa, tim hoặc phổi của họ có bị ảnh hưởng không. Các xét nghiệm Xơ cứng bì khác có thể bao gồm:

  • Chụp X-quang ngực;
  • Xét nghiệm nước tiểu;
  • CT scan phổi;
  • Sinh thiết da (bác sĩ lấy một mẫu da nhỏ đang bị ảnh hưởng của người bệnh để mang đi kiểm tra trong phòng thí nghiệm).
nước tiểu
Xét nghiệm nước tiểu trong chẩn đoán xơ cứng bì toàn thân

2. Điều trị bệnh xơ cứng bì

Trong một số trường hợp, các vấn đề về da liên quan đến xơ cứng bì sẽ tự biến mất sau 2 - 5 năm. Tuy nhiên bệnh tự miễn xơ cứng bì nếu có ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng thường diễn tiến xấu đi theo thời gian.

2.1. Thuốc

Không có loại thuốc nào có tác dụng chữa khỏi hoặc ngăn chặn cơ thể sản xuất collagen quá mức - vốn là đặc trưng của bệnh xơ cứng bì. Nhưng một số thuốc sẽ giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng xảy ra. Ví dụ, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc để:

  • Điều trị hoặc làm chậm sự thay đổi trên da: Kem hoặc thuốc steroid có thể giúp giảm sưng và đau khớp, mềm dịu phần da khô cứng và làm chậm các triệu chứng phát triển trên làn da;
  • Làm giãn mạch máu: Thuốc giúp tăng lưu lượng máu đến ngón tay, hoặc mở các mạch máu trong phổi, ngăn ngừa hình thành sẹo. Thuốc huyết áp làm giãn mạch máu cũng giúp ngăn ngừa các vấn đề ở phổi và thận, cũng như góp phần điều trị hội chứng Raynaud;
  • Ức chế hệ miễn dịch: Các loại thuốc ức chế hệ miễn dịch, chẳng hạn như methotrexate, Cytoxan, hoặc thuốc cho người sau cấy ghép nội tạng, có thể giúp giảm một số triệu chứng xơ cứng bì;
  • Giảm triệu chứng tiêu hóa: Thuốc giảm axit dạ dày có thể kiểm soát chứng ợ nóng. Thuốc kháng sinh và thuốc thúc đẩy nhu động ruột sẽ làm giảm đầy hơi, tiêu chảy và táo bón;

  • Ngăn ngừa nhiễm trùng: Thuốc mỡ kháng sinh, điều trị và ngăn ngừa cảm lạnh giúp đề phòng nhiễm trùng loét ngón tay do hội chứng Raynaud gây ra. Tiêm phòng vắc-xin cúm và viêm phổi thường xuyên có tác dụng bảo vệ phổi đã bị tổn thương do xơ cứng bì;
  • Giảm đau: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như ibuprofen hoặc aspirin, giúp giảm sưng và đau. Nếu các loại thuốc giảm đau không kê đơn không đủ để kiểm soát các triệu chứng diễn tiến nặng, bạn có thể yêu cầu bác sĩ kê toa thuốc mạnh hơn.
NSAID
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng trong điều trị bệnh

2.2. Liệu pháp thay thế

  • Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu có thể giúp bạn kiểm soát cơn đau, cải thiện sức mạnh và khả năng vận động của cơ thể, cũng như duy trì các công việc hàng ngày trong khi sống chung với bệnh;
  • Liệu pháp ánh sáng: Giúp điều trị các vấn đề trên da, chẳng hạn như tia cực tím A1 và laser.

2.3. Phẫu thuật

Được áp dụng như một phương pháp điều trị bệnh xơ cứng bì cuối cùng, phẫu thuật nhằm xử trí biến chứng của bệnh, ví dụ:

  • Cắt cụt chi: Nếu vết loét ngón tay do bệnh Raynaud nghiêm trọng, đã tiến triển đến mức mô ngón tay bắt đầu chết, thì phẫu thuật cắt cụt chi có thể cần thiết;
  • Ghép phổi hoặc các tạng khác: Khi phổi của bệnh nhân (hoặc các tạng khác) đã gặp phải các vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng nhiều đến chức năng sống;

3. Biện pháp khắc phục tại nhà

Bạn có thể tham khảo một số lời khuyên sau để kiểm soát các triệu chứng của bệnh tự miễn xơ cứng bì tại nhà, cụ thể là:

  • Sống tích cực: Tập thể dục thường xuyên sẽ giữ cho cơ thể luôn linh hoạt, cải thiện lưu thông máu và giảm xơ cứng. Các bài tập vật lý trị liệu thích hợp có thể giúp da và khớp dẻo dai, mềm mại hơn. Đồng thời nên bổ sung nhiều chất xơ và chất lỏng vào chế độ ăn uống;
  • Bảo vệ làn da: Chăm sóc tốt cho da khô cứng bằng cách sử dụng kem dưỡng da và chống nắng thường xuyên. Tránh tắm nước nóng và tiếp xúc với xà phòng mạnh, cũng như các hóa chất gia dụng, có thể gây kích ứng và làm khô da;
  • Không hút thuốc: Chất nicotine trong thuốc lá làm cho các mạch máu co lại, khiến bệnh Raynaud trở nên tồi tệ hơn. Hút thuốc cũng có thể làm hẹp vĩnh viễn các mạch máu và trầm trọng thêm các vấn đề ở phổi. Nếu không thể tự bỏ hút thuốc, bạn có thể nhờ bác sĩ giúp đỡ;
  • Kiểm soát chứng ợ nóng: Tránh các thực phẩm dễ khiến bạn bị ợ nóng hoặc ợ hơi. Không nên ăn khuya. Kê gối nằm lên cao để giữ cho axit dạ dày không trào ngực vào thực quản khi ngủ. Việc dùng thuốc kháng axit cũng có thể giúp giảm các triệu chứng;
Ăn khuya ăn đêm
Người bệnh cần hạn chế việc ăn khuya giúp kiểm soát chứng ợ nóng

  • Giữ ấm cơ thể: Thường xuyên mang vớ và găng tay để bảo vệ các chi bất cứ khi nào bạn cảm thấy lạnh - ngay cả khi tiếp xúc với tủ đông. Khi ở ngoài trời nhiệt độ thấp, cần che kín mặt và đầu, đồng thời mặc nhiều lớp quần áo để giữ ấm.

4. Lời khuyên để sống chung với bệnh

Giống như các bệnh mãn tính khác, sống chung với bệnh tự miễn xơ cứng bì có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của bệnh nhân, cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. Dưới đây là một số gợi ý giúp bạn vượt qua và sống chung với bệnh, nên:

  • Duy trì các hoạt động hàng ngày bình thường nhất có thể;
  • Sống chậm lại và dành thời gian nghỉ ngơi cần thiết;
  • Luôn kết nối với bạn bè và gia đình;
  • Tiếp tục theo đuổi sở thích và đam mê vẫn còn trong khả năng.

Hãy nhớ rằng sức khỏe thể chất và tinh thần có thể tác động trực tiếp, qua lại lẫn nhau. Không chấp nhận sự thật, tức giận và thất vọng... là những cảm xúc tiêu cực phổ biến của người mắc các bệnh mãn tính nói chung.

Đôi khi, bạn sẽ cần các chuyên gia, chẳng hạn như nhà trị liệu hoặc bác sĩ tâm lý, để đối phó với bệnh mãn tính và những cảm xúc tiêu cực. Họ sẽ giúp bạn phát triển các kỹ năng hữu ích, trong đó có kỹ thuật thư giãn.

Bạn cũng có thể tham gia vào hội nhóm quy tụ những người mắc bệnh tương tự, nơi cho phép bạn chia sẻ kinh nghiệm và cảm xúc với các bệnh nhân khác giống mình.

Khám bệnh
Hãy đến cơ sở y tế và nhờ sự giúp đỡ từ bác sĩ khi bạn cần sự giúp đỡ từ các chuyên gia

Nhìn chung, không có cách điều trị bệnh xơ cứng bì, và cũng không có loại thuốc nào có thể ngăn chặn được tình trạng này. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể được kiểm soát, tránh để bệnh diễn tiến xấu đi, giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng và duy trì các chức năng của cơ thể. Một số trường hợp mắc bệnh tự miễn xơ cứng bì cục bộ có thể tự khỏi sau vài năm. Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục tìm kiếm phương pháp chẩn đoán xơ cứng bì toàn thân chính xác, cũng như cách điều trị bệnh hiệu quả.

Nguồn tham khảo: Webmd.com; healthline.com, medicalnewstoday.com; mayoclinic

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan