Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh: Những điều cần biết

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Linh Chi - Phó Trưởng khoa Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là bệnh lý nghiêm trọng và nguy hiểm, có nguy cơ dẫn đến tử vong cao. Việc điều trị cho bệnh nhân suy hô hấp cấp đòi hỏi phải can thiệp kịp thời, theo dõi và chăm sóc liên tục.

1. Hội chứng suy hô hấp ở trẻ sơ sinh là gì?

Hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh (hay còn gọi là bệnh màng trong) là tình trạng khi phổi của bé vẫn chưa phát triển đầy đủ sau khi chào đời, dẫn đến thiếu surfactant (hoạt chất tạo nên tính hoạt động bề mặt), làm giảm diện tích bề mặt phế nang dành cho sự trao đổi khí.

Đây là hội chứng rất hay gặp trong thời kỳ sơ sinh, đặc biệt là trong những ngày đầu sau khi sinh. Trẻ sinh non dễ gặp phải suy hô hấp hơn so với trẻ đủ tháng. Đối với trẻ sơ sinh thì phổi khỏe mạnh là điều quan trọng nhất. Trong khi đó, các trẻ bị suy hô hấp cấp có thể gặp nhiều khó khăn trong việc hít thở bình thường. Số ca tử vong do suy hô hấp hiện đang đứng hàng đầu trong số các trường hợp tử vong sơ sinh, đặt ra vấn đề vô cùng lớn đối với công tác chẩn đoán nguyên nhân và điều trị suy hô hấp sơ sinh.

2. Nguyên nhân dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh

Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh đó là sinh non. Phổi của các trẻ sinh non thường thiếu hoạt chất tạo tính bề mặt, là chất cần thiết cho sự giãn nở ra và co rút lại của phổi. Sự thiếu hụt này là tiền đề dẫn đến tình trạng khó thở và các vấn đề về hô hấp. Bên cạnh đó, bệnh suy hô hấp cũng có thể bắt nguồn từ yếu tố di truyền liên quan đến sự phát triển phổi của trẻ. Ngoài sinh non được xem là yếu tố chính, còn có một số yếu tố khác cũng có khả năng dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh, bao gồm:

  • Sinh mổ
  • Người mẹ bị tiểu đường
  • Tiền sử gia đình bị suy hô hấp
  • Sản phụ mang đa thai
  • Tổn thương chu sinh: Xảy ra ngạt và xuất huyết trước sinh
  • Lượng máu cung cấp cho thai nhi trong thời kỳ mang thai bị suy giảm.
Trẻ em
Nguyên nhân gây suy hô hấp ở trẻ thường là do thai phụ sinh non

3. Triệu chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh

Đa phần các triệu chứng của hội chứng suy hô hấp cấp sơ sinh có thể phát hiện được ngay sau khi bé chào đời. Tuy nhiên, một số dấu hiệu cũng có thể xuất hiện trong khoảng 24 giờ sau khi sinh. Những triệu chứng thường gặp là:

  • Trẻ khó thở dữ dội, đột ngột, sau đó nhịp thở tăng nhanh
  • Cánh mũi trẻ phập phồng, phát ra tiếng rên khi thở ra
  • Hiện tượng co kéo lồng ngực và các cơ liên sườn, xương ức lõm xuống
  • Tím tái toàn thân, tim đập nhanh do thiếu oxy trầm trọng
  • Thở khò khè do ngạt thở
  • Đổ nhiều mồ hôi.

Mặc dù được xem là bệnh nguy hiểm, nhưng các triệu chứng kể trên khá giống với triệu chứng của một vài bệnh lý hô hấp và nhiễm trùng khác. Do đó nếu nhận thấy bé có bất kỳ biểu hiện bất thường nào được liệt kê ở trên, phụ huynh nên tham khảo ý kiến bác sĩ ngay lập tức để xác định chính xác nguyên nhân và có các biện pháp chữa trị đúng đắn.

Bệnh nhân suy hô hấp cấp nếu không được chăm sóc kịp thời, tình trạng này có thể khiến lượng khí carbon dioxide trong máu tăng lên, dẫn đến tổn thương cho bé.

4. Biến chứng của suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh

Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bình thường của trẻ. Trong một số trường hợp, tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Một số biến chứng do suy hô hấp cấp có thể kể đến như:

  • Giảm thị lực
  • Nhiễm trùng máu
  • Hình thành huyết khối trong cơ thể
  • Chậm phát triển trí tuệ
  • Tích tụ không khí xung quanh tim và phổi
  • Xuất huyết não hoặc phổi
  • Loạn sản phế quản phổi
  • Viêm phổi.

Suy hô hấp nặng còn có khả năng dẫn đến suy thận và các rối loạn khác. Tùy thuộc vào tình trạng và mức độ bệnh mà các biến chứng gặp phải ở từng bé sẽ khác nhau.

Trẻ em
Suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm

5. Chẩn đoán suy hô hấp cấp

5.1. Dấu hiệu lâm sàng

Dựa trên triệu chứng thở gắng sức để đánh giá mức độ nặng của bệnh, bao gồm:

  • Tần số thở: Lúc thở nhanh lúc nghỉ.
  • Co kéo cơ hô hấp ở trẻ lớn là biểu hiện của suy hô hấp nặng.
  • Phát ra tiếng bất thường khi thở:
    • Thở rít trong thì hít vào: Dấu hiệu tắc nghẽn thanh quản hoặc khí quản.
    • Thở rít cả 2 thì: Dấu hiệu tắc nghẽn thanh quản hoặc khí quản nặng.
    • Khò khè thì thở ra và thở ra kéo dài: Triệu chứng tắc nghẽn đường hô hấp dưới.
    • Thở rên trong thì thở ra: Triệu chứng suy hô hấp rất nặng ở trẻ nhũ nhi.
  • Nghe phổi thấy phổi câm: Là dấu hiệu suy hô hấp rất nặng.
  • Mất tương xứng rì rào phế nang: Gợi ý nguyên nhân gây suy hô hấp.
  • Đo SpO2 < 92% không thở oxy hoặc SpO2 < 95% có thở oxy: Dấu hiệu suy hô hấp rất nặng.

Dựa trên hậu quả của suy hô hấp lên các cơ quan khác:

  • Trên hệ tim mạch: Nhịp xoang nhanh, cơn nhịp nhanh kịch phát, rối loạn nhịp tim, có thể có nhịp chậm, trụy mạch. Huyết áp lúc đầu tăng để bù trừ, nhưng nếu tình trạng suy hô hấp kéo dài hoặc ở vào giai đoạn cuối thì huyết áp giảm. Có thể xảy ra trường hợp ngừng tim do thiếu oxy nặng hoặc tăng CO2 quá mức.
  • Tình trạng da và niêm mạc:
    • Thiếu oxy khiến cho da xanh tái do co mạch
    • Tím tái là dấu hiệu muộn
    • Tím trung tâm: Biểu hiện bé sắp ngừng thở
    • Vã nhiều mồ hôi.
  • Tri giác: Trẻ bị kích động, li bì, hôn mê, giảm trương lực cơ.
  • Dấu hiệu ở các cơ quan khác như: gan mật, thận tiết niệu.

5.2. Dấu hiệu cận lâm sàng

  • Khí máu động mạch: Là dấu hiệu giúp chẩn đoán xác định, phân biệt thể loại suy hô hấp, đánh giá mức độ nặng của bệnh và tác động ảnh hưởng của suy hô hấp cấp đến quá trình chuyển hóa, từ đó giúp hướng dẫn cách điều trị và xử trí suy hô hấp cấp.
  • Sự thay đổi khí máu động mạch trong hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh:
    • Chỉ số PaO2 < 60 mmHg, SaO2 < 92% và/hoặc
    • PaCO2 > 50 mmHg
    • Cần xem giá trị pH, bicacbonat, kiềm dư.
  • Chụp X Quang phổi: Cần được chỉ định cho tất cả các bệnh nhân bị suy hô hấp cấp cấp, nhằm phát hiện nguyên nhân gây bệnh và phân biệt loại suy hô hấp có tổn thương tại phổi hay không, từ đó có cách xử trí phù hợp nhất.
  • Xét nghiệm sinh hoá máu: Có rối loạn sinh hoá đi kèm, thường gặp là tăng Kali, giảm Canxi máu.
  • Xét nghiệm công thức máu: Bạch cầu, huyết sắc tố, tiểu cầu.
  • Xét nghiệm vi sinh: Test cúm, cấy dịch tỵ hầu, phân tích dịch nội khí quản...
Khám nhi
Chẩn đoán suy hô hấp cấp thường dựa vào biểu hiện khi bé thở gắng sức

6. Điều trị suy hô hấp sơ sinh

6.1. Nhanh chóng đưa O2 và CO2 trong máu về mức bình thường

Bệnh nhân suy hô hấp cấp cần được làm thông thoáng đường thở: Đặt tư thế đúng, hút dịch mũi họng và cung cấp oxy.

Chỉ định thở oxy trong trường hợp:

  • Trẻ bị tím tái và/hoặc SaO2 < 92% và/hoặc PaO2 < 60mmHg
  • Trẻ có dấu hiệu co rút lồng ngực nặng, thở nhanh trên 70 lần/phút.

Các phương pháp cung cấp oxy cho bé:

  • Phương pháp cung cấp oxy thường: Oxy gọng mũi (lưu lượng 0,5 - 3 lít/phút), oxy mask (lưu lượng 6 - 8 lít/phút) hoặc thở oxy qua mũ nhựa (Hood) (lưu lượng 5 - 8 lít/phút)
  • Phương pháp cung cấp oxy nâng cao: Áp dụng khi bệnh nhân suy hô hấp cấp dùng phương pháp thở oxy thường nhưng có biểu hiện thở nhanh, co rút cơ hô hấp nặng, da tím tái, SpO2 giảm < 92% và hoặc PaO2 < 60mmHg. Lúc này, cho bé thở oxy qua mask có túi dự trữ 6 - 10 lít/phút đối với mask thở lại (FiO2 60 - 80%) và mask không thở lại (FiO2 60 - 100%), thở áp lực dương liên tục qua mũi (NCPAP). Ngoài ra còn áp dụng khi đặt nội khí quản và thở máy thất bại với thở O2 qua mask hoặc khi bệnh nhân không thể tự thở.

6.2. Tăng cường tác dụng của hệ thống vận chuyển O2

  • Đảm bảo nồng độ Hemoglobin đạt mức tối ưu (> 100g/l): Truyền khối hồng cầu...
  • Đảm bảo cung lượng tim ổn định: Bù dịch để hỗ trợ cho tiền gánh, điều chỉnh nếu có rối loạn điện giải, sử dụng thuốc tăng co bóp cơ tim, nâng chỉ số huyết áp, điều trị rối loạn nhịp tim nếu có.
  • Cung cấp đầy đủ oxy tại tổ chức: Tránh hạ thân nhiệt, kiềm máu (khi nhiễm toan chuyển hoá, cần cho Natribicarbonat phù hợp dựa vào kết quả khí máu)
  • Giảm tiêu thụ oxy không cần thiết: Điều trị khi có sốt, tránh kích thích.

6.3. Tạo điều kiện để sửa chữa và hàn gắn tổn thương phổi

  • Hạn chế xảy ra ngộ độc oxy: Thở oxy đúng chỉ định, phương pháp, liều lượng và thời gian.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ: Nên cho trẻ ăn đường miệng, nếu trẻ không ăn được thì đặt sonde dạ dày, tiến hành bơm sữa theo giờ hoặc giỏ giọt vào dạ dày. Năng lượng cần tăng thêm từ 30% đến 50% so với nhu cầu bình thường do trẻ thở nhanh.
  • Phòng chống nguy cơ bội nhiễm và nhiễm khuẩn bệnh viện: Việc chăm sóc và điều trị suy hô hấp sơ sinh phải đảm bảo vô khuẩn, nhất là khi thực hiện hút đờm qua nội khí quản. Chỉ định kháng sinh hợp lý theo kết quả kháng sinh đồ.
  • Tiến hành can thiệp đặc hiệu nếu có tắc nghẽn do cơ học: Lấy dị vật đường thở, chọc hoặc dẫn lưu dịch, khí màng phổi, dùng thuốc giãn phế quản.

6.4. Vận chuyển trẻ suy hô hấp cấp

  • Làm thông thoáng đường thở
  • Đặt tư thế an toàn
  • Cung cấp đủ oxy
  • Đảm bảo thân nhiệt
  • Ngăn ngừa hạ đường huyết.

7. Phòng ngừa suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh

Nguyên nhân chính gây ra hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh là sinh non. Do đó, để ngăn ngừa căn bệnh, cách tốt nhất là thai phụ nên cố gắng sinh con đủ tháng, giảm nguy cơ sinh sớm bằng việc duy trì các thói quen tốt, tránh các tác động xấu, chẳng hạn như không uống rượu, hút thuốc lá trong thời kỳ mang thai.

Trong trường hợp nếu buộc phải sinh sớm, bác sĩ có thể chỉ định cho thai phụ dùng thuốc để khiến phổi của bé phát triển nhanh hơn, nhằm tăng khả năng sản xuất chất hoạt động, tạo tính bề mặt cho phổi của bé, ngăn ngừa xảy ra suy hô hấp cấp.

Điều trị hội chứng suy hô hấp cấp ở trẻ sơ sinh được xem là một thách thức lớn bởi tình trạng này đòi hỏi bé cần phải được theo dõi, chăm sóc liên tục với phương pháp thích hợp, đúng đắn. Bên cạnh đó, thời gian nhập viện sớm cũng là một yếu tố quyết định nên thành công trong điều trị.

Chỉ định bơm Surfactant được áp dụng trong điều trị suy hô hấp ở trẻ sơ sinh non tháng. Trước đây, y học thường dùng kỹ thuật bơm surfactant qua nội khí quản và cho trẻ thở máy. Hiện nay, kỹ thuật bơm surfactant điều trị suy hô hấp sơ sinh ít xâm lấn và đang ngày càng được sử dụng rộng rãi. Nếu nhận thấy trẻ bị suy hô hấp, nên dùng surfactant để điều trị sớm.

Lợi ích lâm sàng của liệu pháp Surfactant bao gồm: Cải thiện thông khí phổi; Tăng cường oxy hóa máu; Giảm tần suất dò khí (biến chứng tràn khí màng phổi, ứ khí phế nang...); Giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật cho trẻ; Giảm tỷ lệ tàn tật nghiêm trọng...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

114.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan