Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh có tự khỏi không? Khi nào là nguy hiểm?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân - Bác sĩ sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh có thể tự khỏi được. Những trường hợp ruột của trẻ bị lồng vào gây hoại tử ruột thì rất nguy hiểm, cần cho trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị kịp thời.

1. Bệnh thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là gì?

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh là tình trạng một phần nội tạng lồi ra khỏi vị trí vốn có của nó trong cơ thể. Phần nội tạng lồi ra tạo thành một khối lồi tại vùng rốn của trẻ.

Dây rốn là cầu nối đưa chất dinh dưỡng từ mẹ sang bào thai để nuôi dưỡng bé khi còn trong bụng mẹ. Dây rốn nối với thai nhi bằng một lỗ nhỏ trong cơ thành bụng. Khi em bé được sinh ra, dây rốn sẽ được cắt bỏ. Khoảng 7 - 10 ngày sau, cuống rốn sẽ teo dần, rụng đi, vết thương khô lại và tự lành, tạo thành rốn của trẻ. Lỗ ở thành bụng phần dây rốn đi qua dần dần tự đóng lại. Trẻ bị thoát vị rốn là trẻ có cơ bụng không thể tự đóng lại.

Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh thường gặp ở trẻ sinh non, sinh nhẹ cân. Tỷ lệ bé gái mắc thoát vị rốn nhiều hơn bé trai.

2. Cách phát hiện bệnh thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh

Khối thoát vị rốn lồi lên tại vị trí lỗ rốn của trẻ. Cha mẹ có thể phát hiện bệnh bằng cách quan sát hoặc khi ấn nhẹ vào vùng rốn cảm thấy có một khối lồi lên. Khi trẻ nằm im, khối thoát vị sẽ nhỏ và chìm xuống, rất khó phát hiện. Khối thoát vị sẽ to lên, có thể nhìn rõ hơn khi bé ưỡn người, ho, khóc hoặc khi bé ngồi dậy. Thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh không gây đau nên không khiến cho bé khó chịu.

Bệnh thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh
Cha mẹ có thể phát hiện bệnh bằng cách quan sát hoặc khi ấn nhẹ vào vùng rốn cảm thấy có một khối lồi lên

3. Bệnh thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh có nguy hiểm không?

Bệnh thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh không đáng lo ngại vì thông thường bệnh có thể tự khỏi, cơ thể bé sẽ dần thích nghi và trở về trạng thái bình thường.

Bệnh thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh chỉ nguy hiểm nếu một phần của ruột lồng vào trong khối thoát vị và bị nghẹt không nhụ động ra ngoài được, máu không được lưu thông, lâu ngày khiến bé bị hoại tử ruột, thậm chí nhiễm trùng ổ bụng. Biểu hiện của tình trạng này là trẻ đau bụng, quấy khóc, nôn mửa. Khi đó, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay.

4. Chữa thoát vị rốn ở trẻ sơ sinh như thế nào?

Trong trường hợp thoát vị rốn có thể tự lành, cha mẹ không cần làm gì, không nên có tác động gì đến rốn của trẻ hay áp dụng các biện pháp kinh nghiệm như dán đồng xu lên vùng thoát vị vì rốn là bộ phận rất nhạy cảm.

Một vài trường hợp thoát vị rốn khôn gây đau đớn nhưng sau 3 - 4 năm vẫn chưa tự mất đi có thể đến bệnh viện để kiểm tra, các bác sĩ sẽ đẩy khối thoát vị vào ổ bụng một cách dễ dàng.

Với những khối thoát vị lớn và gây đau đớn cho trẻ, khối thoát vị bị nghẹt ruột, khối thoát vị có vùng da bên ngoài sưng nề và đỏ... thì phải can thiệp bằng việc phẫu thuật. Nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

65K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan