Trẻ em ăn bao nhiêu đường mỗi ngày là đủ?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Thị Cẩm Vân - Bác sĩ sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác đã có kinh nghiệm 07 năm làm Bác sĩ nội trú và Bác sĩ điều trị Nhi - Sơ sinh tại Bệnh viện Trung Ương Huế và Bệnh viện Đại học Y Dược Huế. Đặc biệt, bác có thế mạnh về chăm sóc và điều trị trẻ sơ sinh, hồi sức sơ sinh, bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa, nuôi dưỡng, các vấn đề thường gặp trẻ sơ sinh.

Theo Tổ chức y tế thế giới, lượng đường sử dụng hàng ngày không nên quá 10% lượng năng lượng (calo) hàng ngày, hoặc tốt hơn - không quá 5%. Riêng trẻ em không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Đối với trẻ dưới 2 tuổi, khẩu phần dinh dưỡng của bé không nên bổ sung thêm đường, vì điều này có thể gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ.

1. Đường có trong những thực phẩm nào?

Chúng ta đều biết, đường là gia vị rất quen thuộc. Hằng ngày, đường được cung cấp cho cơ thể không chỉ đến từ đường tinh chế. Bánh kẹo ngọt, đồ ăn nhanh hằng ngày là “thủ phạm” chứa rất nhiều đường. Đường cũng được tìm thấy trong trái cây, quả mọng và mật ong, cũng như các nguồn thực phẩm chính có chứa tinh bột như: Ngũ cốc, bánh mì, khoai tây,...

Đường glucose là một trong những thành phần chính mà tinh bột chuyển hóa trong quá trình tiêu hóa. Lượng glucose này đủ cho não và toàn bộ cơ thể.

Việc phân biệt đường được bổ sung và đường tự nhiên có trong các loại thực phẩm, đặc biệt là trong rau củ quả, trái cây là vô cùng cần thiết. Các loại đường tự nhiên tốt cho sức khỏe. Hơn nữa, thực phẩm chứa đường tự nhiên như hoa quả, rau xanh cũng chứa nhiều nước, chất xơ, vitamin và khoáng chất cao, hàm lượng đường thấp,... rất có lợi cho sức khỏe. Ngược lại, nhiều món bánh kẹo ngọt, socola hay nước giải khát,... chứa nhiều đường lại thường là món yêu thích của trẻ nhỏ.

2. Ảnh hưởng của việc ăn quá nhiều đường trong một ngày

Béo phì
Ăn nhiều đường làm tăng nguy cơ béo phì ở trẻ.

Bổ sung nhiều hơn lượng đường cho phép mỗi ngày là một nguyên nhân khiến tình trạng trẻ em bị béo phì, thừa cân và sâu răng đang ngày càng gia tăng. Không chỉ có vậy, điều này còn có thể để lại nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sau này.

Các nhà khoa học đã chứng minh, lượng lớn đường sẽ kích thích sự phát triển của các tế bào ung thư. Khẩu phần ăn thừa đường là nguyên nhân làm tăng nguy cơ béo phì, tiểu đường và bệnh tim, có hại cho sức khỏe.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng việc tiêu thụ đường nhiều có liên quan đến hội chứng béo phì và nguy cơ xuất hiện nhiều căn bệnh không lây truyền khác. Theo thống kê, hội chứng này khiến ít nhất 2,8 triệu người trưởng thành tử vong mỗi năm, chưa kể một tỉ lệ lớn mắc các bệnh như tiểu đường, tim mạch, ung thư. Ngoài ra, hiện có hơn 40 triệu trẻ em dưới năm tuổi bị thừa cân. Ăn nhiều đường gây sâu răng và chi phí điều trị sâu răng cũng khá tốn kém, chiếm 10% ngân sách chi cho ngành y tế tại các nước công nghiệp.

3. Lượng đường cho phép mỗi ngày là bao nhiêu?

Theo WHO, lượng đường sử dụng hàng ngày không nên quá 10% lượng năng lượng (calo) hàng ngày, hoặc tốt hơn - không quá 5%.

Thực tế thì rất khó để đánh giá chính xác lượng đường ta đưa vào cơ thể mỗi ngày, đặc biệt là trong các loại thực phẩm tự nhiên. Tuy nhiên, ta vẫn có thể ước tính xấp xỉ. Trong nhiều sản phẩm, nếu đường được chỉ định ghi ở gần đầu nhãn sản phẩm thì khả năng cao là sản phẩm này nhiều đường. Ngay cả khi đường được ghi ở dưới, chưa chắc lượng đường đã là ít. Cũng cần lưu ý rằng, đường bao gồm đường thông thường, đường dextrose, glucose, fructose và nhiều chất khác.

Tùy vào độ tuổi của bé mà bố mẹ có thể chọn ra lượng đường cần thiết trong chế độ dinh dưỡng của con.

Nhu cầu đường cho cơ thể
Bảng lượng đường cho phép mỗi ngày theo độ tuổi.

Nghiên cứu cho thấy trẻ em không nên tiêu thụ quá 6 muỗng cà phê đường mỗi ngày. Lượng đường này tương đương với một thanh sô-cô-la nhỏ và ít hơn một lon nước ngọt. Ngoài ra, đối với trẻ dưới 2 tuổi, khẩu phần dinh dưỡng của bé không nên bổ sung thêm đường, vì điều này có thể gây nguy hại cho sức khỏe của trẻ.

Bố mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát được lượng đường bổ sung cho bé. Trẻ em sử dụng thực phẩm chứa nhiều đường có xu hướng ăn ít thực phẩm tốt cho sức khỏe hơn như trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và các sản phẩm sữa ít chất béo tốt cho tim mạch.

4. Làm sao để giảm lượng đường hàng ngày?

Hạn chế cho trẻ ăn đường và nước giải khát
Hạn chế cho trẻ ăn đường tinh chế và nước giải khát.

Để hạn chế lượng đường trong khẩu phần ăn của cả bé và gia đình, trong nấu ăn, thay vì cho đường để gia tăng vị ngon, hấp dẫn, các bà nội trợ có thể mẹ có thể cho quế, đậu khấu, hạnh nhân, vani, gừng hoặc chanh,...

Các món nước giải khát như trà, nước cũng không nên cho thêm nhiều đường, đây cũng là cách để tạo khẩu vị cũng như thói quen ăn uống ít đường tốt cho sức khỏe của trẻ.

Ngoài ra, lưu ý hạn chế một số thực phẩm nhiều đường sau:

  • Nước giải khát: Đa phần mỗi lon, mỗi chai nước giải khát đều có lượng đường vượt quá mức lượng đường nên ăn mỗi ngày. Uống nhiều nước giải khát, đặc biệt là nước có gas sẽ tạo thành thói quen xấu cho trẻ, nếu uống kèm trong lúc ăn còn có thể làm trẻ ngang bụng, chán ăn các món khác.
  • Kẹo và đồ ngọt, bánh nướng, bánh ngọt: Các món yêu thích của con trẻ này chứa nhiều đường và carbohydrate không tốt cho cơ thể.
  • Nước ép trái cây: Nước ép là thực phẩm tốt cho sức khỏe nhưng lại thường chứa một lượng đường lớn. Hơn nữa, do thói quen mà khi pha chế thường được cho thêm đường để tăng vị thơm ngon hấp dẫn, điều này sẽ làm vượt mức đường cho phép ăn hằng ngày.

Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.

Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,... Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:

Các dấu hiệu bé thiếu kẽm

Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ

Hãy thường xuyên truy cập website Vinmec.com và cập nhật những thông tin hữu ích để chăm sóc cho bé và cả gia đình nhé.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

36.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan