Vai trò của máng chống nghiến răng

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Máng chống nghiến răng là một trong những phương pháp điều trị nghiến răng khi ngủ chủ yếu hiện nay. Máng chống nghiến răng sẽ giúp ngăn chặn những tác hại gây ra bởi nghiến răng như mòn răng, gãy răng, nứt răng, tổn thương khớp cắn,...

1. Nghiến răng khi ngủ có thể gây những tác hại gì?

Nghiến răng là trạng thái cắn chặt hai hàm răng hoặc hàm răng trên và hàm răng dưới nghiến các hướng ra trước, sang hai bên trái, phải. Nghiến răng là một hoạt động không tự chủ, người bệnh thường nghiến răng khi ngủ và được phát hiện bởi những người ngủ cùng.

Người bệnh thường nghiến răng khi ngủ và bị người khác phát hiện
Người bệnh thường nghiến răng khi ngủ và bị người ngủ cùng phát hiện

Có nhiều nguyên nhân gây ra nghiến răng như : do lo lắng, căng thẳng thần kinh; do rối loạn giấc ngủ như ngủ ngáy, hội chứng ngưng thở khi ngủ, ngủ chập chời, bóng đè, ảo giác; do sử dụng một thuốc an thần như thuốc chống trầm cảm, phenothiazin; do hậu quả của một số bệnh lý như bệnh Parkinson, bệnh trào ngược dạ dày, thực quản; do các yếu tố tại răng như sự tương quan kém giữa các răng, khớp cắn, quai hàm,...Nghiến răng thường không gây ra hậu quả nghiêm trọng, tuy nhiên nếu mức độ nghiến răng thường xuyên, lực nghiến răng trong thời gian dài có thể gây ra các thương tổn như:

  • Mòn răng: Lực nghiến răng trên và răng dưới vào nhau mạnh hơn rất nhiều so với lực ăn nhai nên bề mặt răng là vị trí đầu tiên bị ảnh hưởng. Tùy mức độ nghiến mà răng sẽ bị mòn nhiều hay ít, có những trường hợp nghiến răng nặng, răng có thể bị mòn đến hơn 2/3 răng bình thường, mòn đến tủy răng. Ngoài ra, nghiến răng lâu ngày làm bề mặt răng trở nên biến dạng, sắt nhọn. Người nghiến răng sẽ cố gắng sử dụng phần răng không hư hại để ăn nhai, điều này có thể ảnh hưởng đến vấn đề nhai và giảm cảm giác ngon miệng.
  • Nứt, gãy răng: nếu nhẹ thì chỉ nứt ở phần năng, nếu nặng có thể gây nứt xuống tận chân răng. Người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, tê buốt khi ăn các thức ăn chua, nóng, lạnh. Răng dễ bị lung lay và có thể làm ảnh hưởng đến các mô nha chu tiến triển.
  • Đau đầu, đau mặt mãn tính: nghiến răng gây co cơ trong thời gian dài gây ứ đọng các chất chuyển hóa trong quá trình trao đổi chất, gây chứng mỏi, đau, co thắt cơ. Sau một thời gian dài bị tác động quá mức hệ thống cơ có thể bị tăng khối lượng, một hoặc hai bên cơ má sẽ bị to ra; trương lực cơ bị tăng lâu dài sẽ gây những nhăn trên da và làm da mặt chảy xệ.
  • Rối loạn khớp thái dương hàm: khớp thái dương hàm bị tổn thương, có tiếng kêu vùng khớp cắn, bệnh nhân bị đau và khó khăn khi há miệng.

Nếu có tình trạng nghiến răng khi ngủ, đừng nên chủ quan, bạn hãy đi khám nha sĩ để có phương pháp điều trị thích hợp nhằm ngăn ngừa những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra. Điều trị nghiến răng vừa giúp bảo vệ sức khỏe chính mình vừa tránh gây phiền toái cho người khác. Có nhiều phương pháp có thể được áp dụng để điều trị nghiến răng như điều trị tình trạng căng thẳng, điều trị răng bằng mài chỉnh khớp cắn, tập luyện thay đổi thói quen siết chặt răng hoặc đeo máng chống nghiến răng. Trong đó, đeo máng chống nghiến răng là phương pháp tuy đơn giản nhưng an toàn, mang lại hiệu quả cao.

2. Vai trò của máng chống nghiến răng

Đeo máng chống nghiến răng là phương pháp điều trị nghiến răng chủ yếu hiện nay. Máng có tác dụng như miếng lót chống nghiến răng, ngăn cản sự tiếp xúc trực tiếp giữa răng hàm trên trên và răng hàm dưới dưới. Máng chống nghiến sẽ giúp cơ hàm được thư giãn khi ngủ, dần dần sẽ xóa bỏ thói quen của cơ và răng ở vị trí nghiến.

Máng chống nghiến răng cản trở sự tiếp xúc của hàm trên và hàm dưới
Máng chống nghiến răng cản trở sự tiếp xúc trực tiếp của hàm trên và hàm dưới

Máng chống nghiến được làm bằng nhựa acrylic chất lượng cao, trong suốt, được thiết kế riêng biệt dựa trên dấu hàm của từng bệnh nhân, do đó khi đeo rất thoải mái, vừa vặn, dễ dàng gắn vào khi ngủ và tháo ra khi thức dậy, ít bị rơi ra khi ngủ say.

Đeo máng chống nghiến khi ngủ sẽ giúp giảm đau răng, răng hết mỏi, giảm áp lực lên khớp cắn thái dương hàm, qua đó ngăn chặn tình trạng hư tổn răng như nứt răng, mòn răng, gãy răng; tình trạng đau đầu, đau cơ và sự hư hại khớp hàm; giúp bảo vệ bề mặt răng cũng như phục hình răng không bị hư hỏng, mòn dưới tác động của lực nghiến. Khoảng thời gian đầu đi đeo máng chống nghiến răng đi ngủ, người bệnh chưa quen và cảm thấy khó chịu, tuy nhiên sau một thời gian người bệnh sẽ thích nghi, tình trạng nghiến răng sẽ giảm đi đáng kể.

Để máng chống nghiến luôn đảm bảo vệ sinh, an toàn khi sử dụng, trước và sau khi đeo máng cần rửa máng bằng nước sạch. Không cắn hoặc nhai máng. Bảo quản máng nơi khô thoáng, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc với nguồn nhiệt vì có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng của máng.

Nếu tình trạng nghiến răng khi ngủ gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống mà không thể cải thiện tình hình bằng các biện pháp can thiệp tại nhà, bạn có thể đến hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để được thăm khám bằng những phương tiện kỹ thuật hiện đại, dưới sự thực hiện và tư vấn của đội ngũ bác sĩ nha khoa hàng đầu.

Thạc sĩ, Bác sĩ Đặng Tiến Đạt tốt nghiệp cao học chuyên ngành Răng Hàm Mặt tại Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ Đạt có thế mạnh về: làm thủ thuật nhổ răng khôn, chữa tuỷ, lấy cao răng, hàn răng nhẹ nhàng, ít sang chấn, giúp người bệnh giảm cảm giác đau tối đa; Thiết kế và làm răng sứ đẹp. Hiện nay, nha sĩ Đạt đang công tác tại khoa Răng Hàm Mặt, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan