Vi khuẩn Shigella gây bệnh gì?

Vi khuẩn Shigella là tác nhân gây viêm dạ dày ruột và bệnh lỵ trực khuẩn ở người. Nếu không phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng như mất nước, mất cân bằng điện giải, tăng ure máu, viêm khớp, viêm da, suy thận,... thậm chí tử vong.

1. Vi khuẩn Shigella Shiga là gì?

Shigella là trực khuẩn Gram âm tính, không vỏ, không có lông, không có khả năng di động và không sinh nha bào. Loại vi khuẩn này có thể gây bệnh viêm dạ dày ruộtbệnh lỵ trực khuẩn ở người. Có 4 nhóm khác nhau của Shigella là: Shigella dysenteriae, Shigella flexneri, Shigella boydii và Shigella sonnei.

Trực khuẩn Shigella có thể tồn tại trong nước ngọt, rau sống, thức ăn từ 7 - 10 ngày ở điều kiện nhiệt độ phòng. Nếu ở quần áo nhiễm bẩn, trong đất thì vi khuẩn Shigella có thể tồn tại tới 6 - 7 tuần. Tuy nhiên, nó có thể bị tiêu diệt nhanh trong nước sôi, dưới ánh sáng mặt trời hoặc các thuốc khử trùng thông thường.

Ở người nhiễm bệnh, vi khuẩn Shigella được thải ra ngoài theo phân. Nguyên nhân nhiễm Shigella thường là do: Uống nước có chứa vi khuẩn Shigella, ăn thức ăn được nấu bằng nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Bất kỳ ai cũng có nguy cơ nhiễm Shigella. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng thường gặp hơn ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.

Viêm dạ dày ruột
Vi khuẩn Shigella là nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột

2. Vi khuẩn Shigella gây bệnh gì?

Vi khuẩn Shigella gây bệnh viêm dạ dày ruột và bệnh lỵ trực khuẩn. Trong đó, viêm dạ dày ruột là một bệnh nhiễm trùng đường ruột, có thể xuất hiện từ một rối loạn nhẹ trong dạ dày trong 1 - 2 ngày với các biểu hiện như tiêu chảy nhẹ hoặc tiêu chảy nặng, nôn trong vài ngày. Nếu tiêu chảy kèm thêm máu và chất nhầy thì được gọi là bệnh lỵ. Đặc điểm cụ thể của các bệnh lý này như sau:

2.1 Viêm dạ dày ruột do nhiễm khuẩn Shigella

Viêm dạ dày ruột do nhiễm khuẩn Shigella là tình trạng viêm niêm mạc đường tiêu hóa do vi khuẩn Shigella gây ra. Triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm: Tiêu chảy, đau bụng, nôn mửa, sốt, ớn lạnh và đau người. Biểu hiện mất nước ở trẻ em: Tiểu ít, ngủ nhiều, quấy khóc hơn bình thường, khát nước nhiều, môi khô, mắt trũng, thóp lõm, khóc không ra nước mắt, da nhăn nheo, tay chân lạnh và nhợt nhạt. Triệu chứng mất nước ở người lớn: Mệt mỏi, chóng mặt, choáng váng, đau cơ, đau đầu, mắt trũng, tiểu ít, miệng lưỡi khô, suy nhược và dễ kích thích. Triệu chứng mất nước nặng ở người lớn bao gồm suy nhược, lẫn lộn, tim đập nhanh, tiểu rất ít và hôn mê.

Khi trẻ em và người lớn bị mất nước nặng, cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Bệnh nhân viêm dạ dày ruột do vi khuẩn Shigella có thể được nhập viện hoặc chỉ cần theo dõi trong vòng vài giờ. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh thường không gây nguy hiểm. Trong các trường hợp mất nước nặng, bác sĩ có thể chỉ định truyền dịch bổ sung qua đường tĩnh mạch.

2.2 Bệnh lỵ trực khuẩn do nhiễm khuẩn Shigella

Lỵ trực khuẩn là bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa gây ra bởi trực khuẩn Shigella. Shigella gây bệnh dựa trên cơ chế xâm nhập vào tế bào biểu mô niêm mạc ruột và nhân lên với số lượng lớn trong ruột. Ở Việt Nam, Shigella gây bệnh lỵ trực khuẩn thường gặp nhất là Shigella sonnei và Shigella flexneri. Bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và dễ phát triển thành dịch.

Triệu chứng bệnh thời kỳ toàn phát: Gồm 2 hội chứng chính:

  • Hội chứng lỵ: Phân nhầy máu, đi ngoài nhiều lần, lượng phân càng về sau càng ít dần. Trường hợp nặng có thể đi đại tiện 20 - 40 lần/ngày, mót rặn nhiều và ngày càng tăng, đau thốn vùng trực tràng, đau quặn từng cơn dọc khung đại tràng trước khi đại tiện;
  • Hội chứng nhiễm khuẩn: Sốt cao 39 - 40 độ C, ớn lạnh, đau nhức cơ toàn thân, chán ăn, mệt mỏi, buồn nôn và nôn ói. Trẻ nhỏ có thể bị co giật do sốt cao hoặc do nhiễm độc thần kinh. Thường giảm sốt sau vài ngày, thể trạng suy sụp nhanh, mệt mỏi, môi khô, lưỡi vàng nâu.

Thường sau 1 - 2 tuần không điều trị, bệnh cũng cải thiện tự nhiên. Tuy nhiên, bệnh lỵ có thể tiến triển khác biệt tùy từng trường hợp. Cụ thể, ở thể nhẹ, bệnh nhân bị tiêu chảy nhẹ hoặc chỉ đau bụng âm ỉ, tiêu phân lỏng thoáng qua rồi tự khỏi dần. Ở thể nặng và cấp tính, bệnh nhân bị sốt cao, lạnh run, đi ngoài máu ồ ạt, rối loạn điện giải, suy tuần hoàn và có thể tử vong. Ở thể mãn tính, người bệnh bị tiêu nhầy máu kéo dài làm mất nhiều đạm, rối loạn điện giải kéo dài và suy kiệt. Trẻ em 1 - 4 tuổi thường bị bệnh cấp tính với biểu hiện sốt rất cao kèm co giật, li bì, đau đầu, cổ cứng. Một số trường hợp trẻ có thể tử vong do hội chứng tán huyết, ure máu cao hoặc sốc nội độc tố. Vì vậy, khi người bệnh có những biểu hiện trên, cần ngay lập tức được đưa đi khám để được điều trị kịp thời.

3. Biến chứng sau khi bị nhiễm khuẩn Shigella

  • Mất nước và mất cân bằng điện giải trong cơ thể: Là biến chứng thường gặp nhất khi lượng nước và chất điện giải bị mất khi người bệnh bị tiêu chảy hoặc nôn mửa, không bù lại được qua việc bổ sung nước vào cơ thể. Mất nước nặng có thể dẫn đến tụt huyết áp, gây giảm lưu lượng máu đến các cơ quan trên cơ thể. Nếu tình trạng mất nước không được điều trị, bệnh nhân có thể bị suy thận, thậm chí tử vong;
  • Biến chứng phản ứng: Đôi khi, một số cơ quan trong cơ thể có thể phản ứng với tình trạng nhiễm vi khuẩn Shigella trong đường ruột, gây ra những triệu chứng như viêm da, viêm khớp, viêm kết mạc mắt hoặc viêm màng bồ đào mắt;
  • Hội chứng tan máu-ure huyết: Là tình trạng nghiêm trọng với các triệu chứng thiếu máu, giảm tiểu cầu và suy thận. Tình trạng này có thể xuất hiện do các độc tố được sản xuất bởi một số loại vi khuẩn Shigella. Nếu biến chứng diễn biến nặng có thể gây thiếu máu nặng, rối loạn đông máu, dẫn tới chảy máu dư­ới da, niêm mạc và suy thận. Hội chứng này thường gặp ở trẻ em và nếu được phát hiện và điều trị sớm thì bệnh nhi sẽ phục hồi tốt;
  • Không dung nạp Lactose: Có thể xảy ra trong một khoảng thời gian sau khi bị viêm dạ dày ruột do Shigella. Đây là tình trạng không dung nạp Lactose thứ cấp, khiến cơ thể khó tiêu hóa đường trong sữa. Không dung nạp lactose dẫn tới đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy sau khi uống sữa. Tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ em và sẽ được cải thiện khi hết nhiễm trùng, niêm mạc ruột lành lại;
  • Biến chứng tại ruột do lỵ nặng: Hội chứng ruột kích thích, chảy máu ruột, hoại tử ruột, thủng ruột, lồng ruột, viêm phúc mạc, sa trực tràng, giãn đại tràng do độc tố;
  • Bội nhiễm: Viêm đường tiết niệu, viêm phổi, viêm túi mật, nhiễm nấm Candida ruột, nhiễm khuẩn huyết do các trực khuẩn ruột;
  • Biến chứng toàn thân: Co giật, trụy tim mạch, viêm tắc động tĩnh mạch, nhiễm độc thần kinh;
  • Giảm hiệu quả của một số loại thuốc: Sau khi bị nhiễm Shigella dẫn tới viêm dạ dày - ruột, một số loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng như thuốc động kinh, đái tháo đường và các biện pháp tránh thai có thể không phát huy được hiệu quả mong muốn. Nguyên nhân vì người bệnh thường bị tiêu chảy và nôn mửa, có thể đào thải một lượng thuốc trước khi chúng được hấp thụ vào cơ thể;
  • Di chứng: Viêm đại tràng mạn tính hậu lỵ trực khuẩn.
Viêm kết mạc
Nhiễm khuẩn Shigella có thể biến chứng gây viêm kết mạc mắt

4. Điều trị nhiễm khuẩn Shigella

4.1 Điều trị Shigella ở trẻ em

  • Sử dụng thuốc kháng sinh: Điều trị viêm dạ dày ruột, giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Shigella và rút ngắn thời gian hồi phục sau khi nhiễm khuẩn Shigella. Loại kháng sinh thường được sử dụng là ciprofloxacin. Tuy nhiên, bác sĩ cũng có thể chỉ định sử dụng loại thuốc kháng sinh khác cho từng trường hợp cụ thể. Vì vậy, phụ huynh cần được bác sĩ tư vấn trước khi mua thuốc sử dụng cho trẻ;
  • Bù dịch để tránh mất nước: Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, sữa hoặc thức ăn dặm nhưng cần tránh các loại nước ép trái cây và đồ uống có ga vì chúng có thể làm triệu chứng tiêu chảy càng trầm trọng hơn. Ngoài ra, trẻ cũng có thể được sử dụng dung dịch điện giải theo chỉ định của bác sĩ;
  • Nhập viện điều trị mất nước: Trẻ được chỉ định các biện pháp bù dịch như: Dùng ống thông mũi - dạ dày hoặc truyền dịch tĩnh mạch;
  • Cho trẻ ăn uống bình thường, ban đầu ăn lỏng, sau đặc dần;
  • Sử dụng một số loại thuốc khác: Có thể cho trẻ uống paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt, đau bụng theo chỉ định của bác sĩ. Phụ huynh chú ý không nên dùng thuốc ngừng tiêu chảy cho trẻ dưới 12 tuổi vì chúng có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho trẻ. Probiotics cũng không được khuyên dùng cho trẻ đang bị viêm dạ dày ruột hoặc trẻ đang bị ngộ độc thức ăn do vi khuẩn Shigella hay bất kỳ nguyên nhân nào khác.

4.2 Điều trị nhiễm vi khuẩn Shigella ở người lớn

  • Dùng thuốc kháng sinh: Người lớn thường được chỉ định dùng thuốc kháng sinh ciprofloxacin để điều trị nhiễm Shigella. Tuy nhiên, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng một loại thuốc khác tùy từng bệnh nhân cụ thể;
  • Uống nhiều nước: Để ngăn ngừa nguy cơ mất nước hoặc để điều trị mất nước. Thông thường, bệnh nhân nên uống tối thiểu 200ml sau mỗi lần tiêu chảy. Với bệnh nhân bị nôn mửa, nên chờ 5 - 10 phút rồi tiếp tục uống nước với tốc độ chậm hơn, đảm bảo đủ lượng nước được bác sĩ tư vấn. Nguồn nước đưa vào cơ thể gồm: Nước tinh khiết, nước trái cây và súp; không nên sử dụng đồ uống có nhiều đường vì chúng có thể làm tiêu chảy nặng hơn. Dung dịch điện giải được chỉ định sử dụng cho người ốm yếu, trên 60 tuổi hoặc có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn;
  • Duy trì chế độ ăn uống như bình thường, nên ăn các bữa ăn nhẹ, tránh đồ ăn nhiều chất béo, cay nóng hoặc quá đặc;
  • Sử dụng các loại thuốc khác: Có thể sử dụng paracetamol hoặc ibuprofen để giảm sốt, giảm đau đầu và đau quặn bụng. Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Shigella hoặc đang bị đi ngoài ra máu và phân nhầy không nên dùng thuốc trị tiêu chảy.

*Lưu ý: Trong trường hợp trẻ em hoặc người lớn đang điều trị nhiễm khuẩn Shigella và không thấy cải thiện trong vòng 48 giờ hoặc diễn biến bệnh nặng hơn, người bệnh nên khẩn trương đi khám bác sĩ. Khi có các dấu hiệu như: Nôn mửa dữ dội, mất nước, sốt cao dai dẳng, đầy bụng, phân lẫn máu, bệnh nhân cần được cấp cứu ngay.

5. Biện pháp phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn Shigella

  • Rửa tay thật kỹ sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng, lau khô tay đúng cách sau khi rửa. Với trẻ đang dùng tã lót, cha mẹ cần rửa tay cẩn thận sau khi thay tã cho trẻ và rửa tay trước khi nấu nướng, ăn uống. Nếu cho trẻ đi ngoài bằng bô, cần đeo găng tay khi làm sạch bô, đổ chất thải vào nhà vệ sinh, sau đó rửa bô bằng xà phòng và nước nóng rồi phơi khô;
  • Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người đang bị nhiễm khuẩn Shigella;
  • Người bị nhiễm khuẩn Shigella không nên nấu ăn cho người khác;
  • Giặt riêng quần áo, chăn mền của bệnh nhân;
  • Mỗi ngày nên cọ rửa nhà vệ sinh bằng nước nóng và chất tẩy rửa, đặc biệt là tay cầm, vòi tắm, tay nắm cửa,...;
  • Ăn chín, uống sôi;
  • Người bị nhiễm khuẩn Shigella nên nghỉ làm, nghỉ học cho đến khi được 48 giờ sau lần cuối cùng tiêu chảy hoặc nôn ói, tránh tiếp xúc với người khác trong thời gian này;
  • Người bị nhiễm khuẩn Shigella nếu làm việc liên quan tới chế biến thực phẩm cần ngay lập tức nghỉ làm và báo cho quản lý cho tới khi điều trị bệnh dứt điểm, đảm bảo không lây lan;
  • Người bị nhiễm Shigella nếu đã tiếp xúc với người già, trẻ em hoặc người đang bị suy nhược nên thông báo để các đối tượng dễ lây nhiễm trên chủ động theo dõi sức khỏe;
  • Khi đi du lịch đến vùng có điều kiện vệ sinh kém, nên tránh uống nước máy, ăn kem, đá viên, động vật có vỏ, trứng, salad, thịt chưa nấu chín, trái cây đã được bóc vỏ,... vì vi khuẩn Shigella thường lây nhiễm thông qua việc uống nước bị nhiễm khuẩn hoặc ăn thực phẩm nhiễm khuẩn.

Nếu được điều trị sớm, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Shigella có thể khỏi nhanh trong vòng 1 - 2 tuần. Tuy nhiên, với các thể bệnh nặng, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong do các biến chứng. Bởi vậy, khi có các dấu hiệu cảnh báo viêm dạ dày ruột hoặc lỵ do trực khuẩn Shigella, gia đình cần sớm đưa bệnh nhân đi thăm khám để được điều trị tích cực, hiệu quả.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

50.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan