Viêm amidan dễ tái phát lúc giao mùa, thay đổi thời tiết

Viêm amidan là một trong những bệnh lý tai mũi họng thường gặp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Bệnh xuất hiện có thể do virus hoặc vi khuẩn. Viêm amidan tái phát nhiều lần và thường xuyên sẽ gây chuyển biến thành viêm amidan mạn tính. Sự tái phát này liên quan chủ yếu đến yếu tố thay đổi thời tiết và cách chăm sóc cơ thể của người bệnh cũng như quá trình điều trị các đợt viêm amidan cấp. Viêm amidan tái phát như thế nào? Và làm gì để dự phòng hạn chế tình trạng bé bị viêm amidan tái phát nhiều lần?

1.Viêm amidan tái phát

Viêm amidan là tình trạng tổn thương tuyến amidan trong vòm họng bị gây ra bởi virus hoặc vi khuẩn.

Viêm amidan thường có hai thể trên lâm sàng là viêm amidan cấp và viêm amidan mạn tính. Các đợt viêm amidan cấp tính nếu không được điều trị xử lý kịp thời sẽ gây biến chứng tại amidan với các tổ chức mô xung quanh và khi viêm amidan tái phát nhiều lần bệnh sẽ tiến triển chuyển thành viêm amidan mạn tính kéo dài nhiều năm, chi phí chữa trị tốn kém lại gây ảnh hưởng liên tục đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Viêm amidan dễ tái phát lúc giao mùa, thay đổi thời tiết, khi ra ngoài lạnh quá lâu mà không bảo vệ giữ ấm cơ thể đặc biệt vùng cổ họng.

Biểu hiện lâm sàng của viêm amidan cấp tính:

  • Thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên nhiều hơn.
  • Sốt cao đột ngột: đây thường là triệu chứng đầu tiên khi bắt đầu phát đợt viêm amidan cấp kèm theo đau mỏi người, chán ăn.
  • Đau đầu sổ mũi, chảy nước mũi, ngạt mũi dễ bị nhầm với cảm cúm.
  • Đau rát họng, đau tăng khi nuốt nước bọt hay khi ăn uống, nuốt vướng.
  • Một số trường hợp bị khó thở do amidan sưng to gây chèn ép các vùng tổ chức trong vòm họng, ngáy to, nói khàn, có thể mất giọng tạm thời.
  • Khám soi họng thấy vòm họng đỏ, amidan sưng to, tấy đỏ, có thể có giả mạc hay ổ mủ, nặng thì có ổ áp xe.

Viêm amidan mạn tính:

  • Là tình trạng viêm amidan tái phát nhiều lần do không điều trị hoặc điều trị không đúng cách các đợt viêm amidan cấp.
  • Thường xảy ra ở tuổi thanh niên, người trưởng thành và người lớn tuổi.
  • Viêm amidan mạn tính được chia làm 3 loại: viêm amidan quá phát, viêm amidan hốc mủ, viêm amidan thể xơ teo.
  • Biểu hiện: khi viêm amidan tái phát đi tái phát lại nhiều lần sẽ gây tình trạng sốt cao, giọng nói bị thay đổi, khàn giọng hoặc nặng thì mất tiếng trong thời gian đầu, đau họng, nuốt đau nuốt vướng, cảm giác như có dị vật ở vùng cổ họng, hơi thở hôi, ho có thể khạc đờm hoặc khạc ra mủ lẫn máu hay tổ chức hoại tử của amidan.
  • Khám thấy amidan có hốc mủ, nhiều trường hợp do bị viêm tái phát quá nhiều dẫn đến tổn thương teo xơ hoặc tăng sinh phì đại amidan.

Đợt viêm cấp của các trường hợp viêm amidan mạn tính có nguy cơ đối diện với tình trạng sốt cao, co giật, có thể có hốc mủ hay hình thành áp xe họng, thậm chí mất nước nặng gây trụy tim mạch, biến chứng gây nhiễm khuẩn tai mũi họng cấp, nhiễm khuẩn toàn thân, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.

Viêm amidan tái phát
Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm amidan tái phát nhiều lần

2.Dự phòng viêm amidan tái phát

Viêm amidan có thể điều trị được, tuy nhiên tỷ lệ tái phát bệnh là rất cao. Để hạn chế tình trạng bé bị viêm amidan tái phát nhiều lần, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Hạn chế tiếp xúc với các yếu tố làm tăng nguy cơ gây tái phát viêm amidan như khói bụi, nước đá, rượu...Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng không phải uống nhiều nước đá lạnh gây ra viêm amidan mà chủ yếu người dùng nước đá nhiều dẫn tới viêm amidan là do nước đá chưa được làm sạch đảm bảo vô trùng, trong có chứa nhiều vi khuẩn có thể dễ dàng gây viêm vòm họng amidan. Hội y khoa khuyến cáo nên sử dụng nước ấm khi bị viêm amidan.
  • Sự tái phát tình trạng viêm amidan có liên quan nhiều đến thời tiết, vậy nên việc bảo vệ cơ thể trước những biến đổi của thời tiết là điều rất quan trọng trong việc dự phòng viêm amidan tái phát. Mùa hè nên tránh dùng điều hòa ở nhiệt độ thấp quá lâu, giữ ấm cơ thể đặc biệt là vùng cổ họng vào mùa đông.
  • Thường xuyên vệ sinh sạch mũi họng bằng nước muối sinh lý, đánh răng tối thiểu ngày 2 lần sáng tối sau khi ăn.
  • Uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít/ngày, có chế độ dinh dưỡng khoa học giàu dinh dưỡng, ăn các đồ ăn mềm, hẹn chế ăn đồ ăn cay nóng.
Viêm amidan tái phát
Uống nhiều nước, tối thiểu 2 lít/ngày
  • Điều trị triệt để các bệnh lý đường hô hấp như viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm răng miệng...thì phải điều trị triệt để tránh hiện tượng lây lan dịch chứa vi khuẩn virus đến gây viêm họng, viêm amidan liên tục.
  • Trong quá trình điều trị có cần thiết sử dụng kháng sinh thì lưu ý tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng kháng sinh dễ gây tình trạng kháng thuốc, sẽ rất khó cho việc trị liệu về sau, đồng thời làm tăng khả năng tái phát bệnh.
  • Đi khám bác sĩ chuyên khóa ngay khi thấy có các dấu hiệu của viêm amidan tái phát như sốt cao, đau họng, nuốt đau...

Amidan là một tổ chức bảo vệ cơ thể qua việc chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài. Do đó, có thể nói amidan là một trong những cơ quan đầu tiên của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với virus, vi khuẩn. Cũng chính vì vậy, amidan rất dễ dàng bị tác động gây nên viêm dẫn đến tình trạng sốt, ho, đau họng, đau đầu...Viêm amidan có thể điều trị ổn định nhưng rất dễ bị tái phát thường xuyên chuyển sang viêm amidan mạn tính gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh.

Chuyên khoa Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec chuyên khám và điều trị các bệnh lý tai mũi họng thông thường như: viêm amidan, viêm đau họng, ù tai, viêm mũi không do dị ứng, ung thư cổ họng; các khối u vùng đầu mặt cổ, các dị tật bẩm sinh vùng tai mũi họng bằng các phương pháp ngoại khoa phổ biến.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

17.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan