Viêm não Nhật Bản có thể gặp ở người lớn

Viêm não Nhật Bản là bệnh nhiễm trùng cấp tính ở hệ thần kinh trung ương, gây tổn thương tế bào thần kinh. Bệnh viêm não Nhật Bản là bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, tuy nhiên, bệnh vẫn xảy ra ở người lớn.

1. Bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn có xảy ra không?

Năm 1933, các nhà khoa học Nhật Bản đã xác định tác nhân gây bệnh viêm não ở Nhật Bản, đặt tên là virus viêm não Nhật Bản, một loại Arbovirus nhóm B, thuộc họ Togaviridae, giống Flavivirus. Nguồn lây bệnh chủ yếu là từ các loài chim hoang dã và gia súc. Chim và lợn là những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản trong môi trường tự nhiên. Muỗi sẽ hút máu của chim và lợn nhiễm virus, sau đó đốt người và truyền virus sang người.

Cho đến nay, đây được xem là con đường duy nhất để lây nhiễm viêm não Nhật Bản, chưa ghi nhận sự lây truyền từ người sang người. Mặc dù lợn có thể là ổ chứa virus, song lợn không bị bệnh viêm não mà đóng vai trò là kho chứa, duy trì lượng virus tồn tại trong thiên nhiên.

Mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh viêm não Nhật Bản, tuy nhiên chủ yếu là trẻ em ở độ tuổi dưới 15. Nhóm tuổi có nguy cơ cao nhất là trẻ từ 2 đến 6 tuổi, chiếm 75% tổng số trẻ mắc bệnh. Bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn ít khi xảy ra do đa số đã có miễn dịch mắc phải nhưng vẫn có một tỷ lệ mắc bệnh nhất định.

Tại Việt Nam, bệnh viêm não Nhật Bản được xác nhận mắc bệnh lần đầu vào năm 1952. Các ổ dịch thường tập trung ở vùng trồng lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc ở vùng trung du bán sơn địa, có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn. Bệnh viêm não Nhật Bản có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm nhất là từ tháng 5 đến tháng 7.

2. Triệu chứng viêm não Nhật Bản ở người lớn

Sốt cao
Người lớn bị viêm não Nhật Bản cũng có biểu hiện sốt cao, nhức đầu

Bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn có thời gian ủ bệnh trung bình kéo dài 1 tuần (từ 5-14 ngày). Bệnh khởi phát đột ngột với triệu chứng sốt cao 39 - 40 độ, nhức đầu, buồn nôn và nôn. Bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn diễn biến nặng lên rất nhanh, bắt đầu từ sốt cao sau đó xuất hiện nôn, cứng gáy, tăng trương lực cơ, xuất hiện co giật, rối loạn ý thức, tổng trạng lờ đờ, lú lẫn rồi hôn mê ngay trong vòng 1 - 3 ngày đầu.

Giai đoạn toàn phát viêm não Nhật Bản ở người lớn cũng giống với trẻ em, kéo dài từ ngày 3 - 4 đến ngày 6 - 7 của bệnh. Virus viêm não xâm nhập vào nhu mô não tủy, tại đây nó gây hủy hoại các tế bào thần kinh. Các triệu chứng xuất hiện từ giai đoạn khởi phát không thuyên giảm mà tăng dần về mức độ nặng.

Giai đoạn này thường diễn ra ngắn, nổi bật là các biểu hiện tổn thương não và tổn thương thần kinh khu trú như: bệnh nhân bị rối loạn ý thức, lú lẫn, đôi khi rơi vào hôn mê sâu, liệt từng phần hoặc liệt toàn bộ tứ chi, động kinh, rối loạn cơ tròn, các biểu hiện rối loạn thần kinh thực vật như: vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, rối loạn nhịp thở, tăng tiết dịch trong lòng khí quản, mạch nhanh và yếu, huyết áp tụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng sống. Bệnh nhân tử vong thường ở trong giai đoạn này, những bệnh nhân vượt qua được giai đoạn này thì tiên lượng sẽ tốt hơn.

Giai đoạn lui bệnh thường bắt đầu từ tuần thứ 2 trở đi. Triệu chứng sốt giảm dần và hết sốt vào khoảng ngày thứ 10 nếu không xảy ra tình trạng bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ trạng thái hôn mê có thể tỉnh lại dần dần, không còn cơn co cứng, hết nôn ói và đau đầu.

3. Viêm não Nhật Bản ở người lớn có nguy hiểm không?

Bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn có tỉ lệ tử vong cao và thường để lại những di chứng nặng nề. Các biến chứng có thể xuất hiện như: Viêm phổi viêm phế quản, viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn; viêm đường tiết niệu do đặt thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét điểm tỳ đè và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và các rối loạn dinh dưỡng khác.

Di chứng của bệnh viêm não Nhật Bản ở người lớn có thể gặp là: Bại hoặc liệt tay chân, mất khả năng ngôn ngữ, múa giật múa vờn, parkinson, động kinh, rối loạn phối hợp vận động, giảm sút trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần hoặc rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hoá, khả năng nghe kém hoặc điếc...

4. Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho người lớn

Tiêm phòng viêm não Nhật Bản
Người lớn cũng phải tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch để phòng bệnh

Theo thông tin cung cấp từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đối với người lớn chưa từng tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản thì nên tiêm ngay theo lịch tiêm 3 mũi cơ bản. Nếu đã từng tiêm liều cơ bản trước đây thì chỉ cần tiêm nhắc lại 1 mũi. Nên tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho người lớn trước mùa bệnh khoảng 1 tháng, bởi vì kháng thể bảo vệ bước đầu chỉ được tạo ra sau khoảng 3 tuần tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản mũi thứ 2 và kháng thể bảo vệ cơ bản chỉ xuất hiện sớm nhất 1 tuần sau vắc xin mũi thứ 3.

Vắc xin viêm não Nhật Bản được khuyến khích sử dụng cho người sống trong vùng có lưu hành bệnh. Ngoài ra, khách du lịch hoặc người đi lao động, người nhập cư đến từ vùng không có miễn dịch, thời gian lưu trú hơn 1 tháng ở vùng nông thôn và dài hơn 12 tháng ở vùng thành phố có dịch bệnh viêm não Nhật Bản lưu hành thì nên tiêm vắc xin phòng ngừa.

Những người có cơ địa quá mẫn với thành phần của vắc xin hoặc từng có dị ứng với vắc xin viêm não Nhật Bản ở lần tiêm trước, người đang sốt cao hoặc đang mắc bệnh nhiễm khuẩn tiến triển, người đang mắc bệnh mãn tính giai đoạn nặng, bệnh ung thư máu và các bệnh ác tính, HIV đã chuyển thành AIDS và phụ nữ có thai thì không được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản.

Vắc xin cần tiêm 3 liều để tạo được miễn dịch cơ bản, mỗi liều 0,5mL. Liều thứ 2 cách liều thứ nhất 1 tuần, Liều thứ 3 sau liều thứ hai 1 năm. Sau đó cứ mỗi 3 năm tiêm một liều để duy trì miễn dịch bền vững.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

5.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan