Xử trí cơn chóng mặt cấp

Bài viết được tham vấn chuyên môn bởi ThS.BS Huỳnh An Thiên - Khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Hầu hết mọi người đều có ít nhất một lần bị chóng mặt trong đời. Cảm giác chóng mặt đột ngột xảy ra khiến chúng ta choáng váng, xây xẩm, sợ hãi và muốn té ngã, đôi khi còn kèm theo buồn nôn, nôn ói, nhức đầu, mệt mỏi. Đa phần các cơn chóng mặt cấp là có nguyên nhân ngoại biên. Điều trị chóng mặt cấp như thế nào tùy vào bệnh lý liên quan.

1. Điều trị cơn chóng mặt cấp dựa trên bệnh lý liên quan

1.1 Chóng mặt tư thế kịch phát lành tính

Đây là bệnh lý phổ biến nhất trong nhóm chóng mặt ngoại biên. Nguyên nhân được cho là do sự hiện diện của các hạt sỏi nhỏ trong các ống bán khuyên của ốc tai, một bộ phận giúp cơ thể định hướng tư thế. Khi cơ thể thay đổi theo một chiều tư thế nhất định, hạt sỏi di chuyển trong ống bán khuyên sẽ kích thích hệ thống tiền đình, khởi phát dòng cảm giác chóng mặt.

Lúc này, người bệnh nên cố gắng nằm yên, giữ nguyên đầu tại vị trí mà có cảm giác an toàn nhất. Từ đó, chóng mặt sẽ nhanh chóng thuyên giảm do những kích thích từ sự dịch chuyển của hạt sỏi không còn nữa. Chính vì vậy, cách điều trị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính hiệu quả nhất là các nghiệm pháp tái lập vị trí các hạt sỏi trong ống bán khuyên, như nghiệm pháp Epley, nghiệm pháp Semont.

Nghiệm pháp Epley

  • Xoay đầu của bệnh nhân một góc 90° về bên không bị tổn thương trong 30 giây;
  • Sau đó đầu được quay thêm 90° nữa, trong khi bệnh nhân quay cơ thể sang cùng bên trong 30 giây;
  • Sau đó bệnh nhân ngồi dậy.

Nghiệm pháp Semont

  • Dễ thực hiện hơn nghiệm pháp Epley;
  • Tư thế bệnh nhân ngồi thẳng trên ghế tựa hay trên giường, đầu quay một góc 45° về bên đối diện bên bị tổn thương;
  • Nhanh chóng đặt bệnh nhân nằm xuống giường, giữ yên tư thế trong 30 giây;
  • Sau đó, bệnh nhân vẫn duy trì tư thế nằm nhưng xoay qua bên đối diện và không thay đổi tư thế đầu. Giữ như vậy trong 30 giây.

Phục hồi chức năng tiền đình

Hai nghiệm pháp trên có thể thực hiện tại nhà người bệnh trong khi chương trình phục hồi chức năng cần được sự hướng dẫn của bác sĩ vật lý trị liệu. Cách thức này có ích hơn đối với các cơn chóng mặt có nguồn gốc từ mê đạo thay vì từ ống bán khuyên.

Sau khi được thực hiện các nghiệm pháp tập luyện nói trên, cơn chóng mặt cấp thuyên giảm, người bệnh có thể sinh hoạt trở lại như bình thường.

1.2 Viêm thần kinh tiền đình

Do tiền đình là cơ quan đảm nhận vai trò điều khiển thăng bằng của cơ thể, bất kì tổn thương nào tại đây đều khiến cho chức năng này không còn được đảm bảo. Người bệnh bị viêm thần kinh tiền đình sẽ cảm thấy chóng mặt, lảo đảo. Tuy nhiên, đối với tổn thương có bản chất là do viêm thần kinh tiền đình, may mắn hầu hết các trường hợp này đều tự hết.

Mặc dù vậy, glucocorticoids với hoạt tính chống viêm mạnh, có thể có lợi nếu được chỉ định trong 3 ngày từ khi khởi phát triệu chứng. Bên cạnh đó, nếu bệnh nhân có nhiễm Herpes Zoster, cần bổ sung thêm thuốc kháng virus.

Ngoài ra, các thuốc ức chế tiền đình có thể giảm triệu chứng cấp, tuy nhiên không nên cho quá nhiều ngày và nên ngừng khi các triệu chứng đã thuyên giảm. Nếu triệu chứng vẫn còn, xem xét cho bệnh nhân tiếp tục điều trị phục hồi chức năng tiền đình.

1.3 Bệnh Meniere

Chủ yếu trong vấn đề điều trị bệnh chóng mặt do Meniere là dùng thuốc lợi tiểu và hạn chế ăn muối.

Đồng thời, bác sĩ có thể chỉ định dùng gentamicin bằng đường tiêm vào trong tai giữa. Can thiệp ngoại khoa bằng tiến trình bóc tách toàn phần (cắt dây thần kinh tiền đình, cắt mê đạo) ít khi được thực hiện.

Đau đầu
Cảm giác chóng mặt đột ngột xảy ra khiến chúng ta choáng váng, xây xẩm, sợ hãi và muốn té ngã

2. Các thuốc điều trị triệu chứng

Các thuốc sau đây giúp làm thuyên giảm cảm giác chóng mặt. Về hiệu quả trong điều trị các bệnh lý nói trên của các thuốc này còn chưa đủ bằng chứng ủng hộ. Theo đó, chỉ nên dùng các thuốc điều trị triệu chứng này ngắn ngày, cho đến khi chóng mặt thuyên giảm, tránh dùng dài ngày nhằm hạn chế tác dụng phụ. Nếu triệu chứng tái phát, có thể xem xét dùng lại trong vài ngày và giảm liều sớm.

2.1. Nhóm thuốc Benzodiazepines

  • Diazepam: 2.5 mg, 1-3 lần/ngày;
  • Clonazepam: 0.25 mg, 1-3 lần/ngày.

2.2. Nhóm thuốc kháng histamines

  • Meclizine: 25-50 mg, 3 lần/ngày;
  • Dimehydrinate: 50 mg, 1-2 lần/ngày;
  • Promethazine: 25-50 mg đặt hậu môn hay tiêm bắp.

2.3. Nhóm thuốc Phenothazines

Prochlorperazine: 5 mg tiêm bắp hay 25 mg đặt hậu môn.

2.4. Nhóm thuốc Anticholinergic

Scopolamine transdermal: Trình bày dạng miếng dán trên da, phổ biến để phòng ngừa say tàu xe.

2.5. Nhóm thuốc Sympathomimetics

Ephedrine: 25 mg/ngày, hay dùng phối hợp hai thuốc là ephedrine và promethazine: 25 mg/ngày cho mỗi thuốc.

2.6. Nhóm thuốc Glucocorticoids

Prednisone: 100 mg/ngày trong 3 ngày. Sau đó, cần giảm liều dần, giảm 20 mg mỗi 3 ngày kế tiếp.

2.7. Nhóm thuốc chống nôn

  • Domperidone: 10-20 mg, 3-4 lần/ngày;
  • Metoclopramide: 10-15 mg, 3-4 lần/ngày.

2.8. Nhóm thuốc giảm đau

Paracetamol: 500 mg, 3-4 lần/ngày

Thuốc
Chỉ nên dùng các thuốc điều trị triệu chứng này ngắn ngày, cho đến khi chóng mặt thuyên giảm

3. Can thiệp phẫu thuật tai trong

Các can thiệp ngoại khoa đôi khi cũng có thể ứng dụng để điều trị chóng mặt cấp nếu người bệnh không đáp ứng với điều trị nội và triệu chứng quá nặng nề, suy giảm chất lượng cuộc sống. Thông qua vi phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt đứt dẫn truyền tín hiệu tiền đình về não bộ qua dây thần kinh số VIII. Thủ thuật này có thể làm giảm chóng mặt đến trên 90% và chỉ được chỉ định cho các trường hợp dò ngoại dịch hay bệnh Meniere kháng trị.

4. Theo dõi và chăm sóc

Khác với chóng mặt do nguyên nhân thần kinh trung ương, các cơn chóng mặt cấp tính thông thường là do nguyên nhân ngoại biên và sẽ thuyên giảm nhanh, đáp ứng tốt với các thuốc điều trị triệu chứng.

Ngoài ra, cần cho bệnh nhân nghỉ ngơi hoàn toàn tại giường, hạn chế âm thanh, ánh sáng và giao tiếp với người xung quanh. Trong những ngày này, cần đảm bảo chế độ ăn đầy đủ, dễ tiêu hóa, uống thêm nước, nhất là khi nôn ói nhiều.

Trong trường hợp tình trạng chóng mặt không thuyên giảm mà còn diễn tiến nặng nề hơn, hoặc chóng mặt có kèm xuất hiện thêm các triệu chứng khác như yếu liệt mặt, tay chân, méo miệng, nói khó, nuốt khó, đi đứng loạng choạng... thì cần nghĩ đến khả năng chóng mặt do nguyên nhân thần kinh trung ương. Lúc này, cần đưa người bệnh nhập viện càng sớm càng tốt để được can thiệp kịp thời.

Thạc sĩ Bác sĩ Huỳnh An Thiên có thế mạnh và kinh nghiệm trong khám, tư vấn và điều trị các bệnh thần kinh; hô hấp và các bệnh nội tiết - chuyển hóa

Trước khi là bác sĩ Nội thần kinh tại Khoa khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng, bác sĩ Thiên từng có kinh nghiệm công tác dài tại bệnh viện Trung Ương Huế.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

54.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan