Các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1

Ung thư đại tràng là loại ung thư tiêu hóa khá thường gặp ở Việt Nam. Trên thế giới, ung thư đại tràng có tỷ lệ tử vong xếp thứ 4 trong các loại ung thư. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1 được nhận biết sớm thì cơ hội chữa khỏi bệnh lên tới 90%.

1. Phân giai đoạn trong ung thư đại tràng

Năm 2018 ghi nhận 14.733 trường hợp mắc mới ung thư đại tràng tại Việt Nam và là nguyên nhân khiến 7.856 ca tử vong vì bệnh này. Việc nhận biết các triệu chứng ung thư đại tràng giai đoạn đầu có thể giúp người bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Đại tràng là một phần của ruột già, sự tăng trưởng bất thường mất kiểm soát của các tế bào tại đây là nguyên nhân của ung thư đại tràng. Ung thư đại tràng diễn tiến qua các giai đoạn:

  • Giai đoạn Tis (giai đoạn “0”): là giai đoạn ung thư đại tràng tại chỗ. Đây là giai đoạn sớm nhất của ung thư đại tràng, tổn thương ác tính chưa vượt qua lớp niêm mạc của đại tràng.
  • Giai đoạn I: Tổn thương ác tính đại tràng vượt quá lớp niêm mạc, bắt đầu xâm lấn đến lớp dưới niêm mạc và lớp cơ, nhưng chưa lan đến các vùng lân cận.
  • Giai đoạn II: Ung thư phát triển vượt qua thành đại tràng, lan đến một số cấu trúc lân cận, tuy nhiên chưa xâm lấn các hạch vùng lân cận.
  • Giai đoạn III: Tế bào ung thư đại tràng lan ra các hạch vùng lân cận, nhưng chưa di căn xa đến các cơ quan khác.
  • Giai đoạn IV: Ung thư di căn xa đến một hoặc nhiều cơ quan khác trên cơ thể như gan, phổi,...

2. Các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1

Các triệu chứng ung thư đại tràng giai đoạn đầu có thể mơ hồ và gặp trong các bệnh lý khác, khiến bệnh nhân bỏ qua dẫn đến phát hiện bệnh ung thư đại tràng ở giai đoạn muộn hơn. Các dấu hiệu ung thư đại tràng giai đoạn 1 có thể gặp bao gồm:

2.1. Rối loạn đại tiện

  • Bệnh nhân ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường biểu hiện các triệu chứng rối loạn đại tiện như táo bón hay tiêu chảy thất thường, tình trạng này thường kéo dài, khiến người bệnh khó chịu và mệt mỏi. Khi đại tiện, bệnh nhân thường đau bụng quặn, mót rặn, đi cầu nhiều lần.
  • Phân có hình dạng và kích thước bất thường: Đường tiêu hóa bị cản trở trong ung thư đại tràng có thể làm biến dạng phân và thay đổi kích thước của nó, phân có thể trở nên dẹt mỏng và hẹp hơn so với bình thường.

2.2. Đau bụng

Bệnh nhân ung thư đại tràng có thể khởi phát với dấu hiệu khó chịu và đau bụng. Bụng có thể đau lâm râm hoặc đau quặn từng cơn. Đau bụng là một triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý tiêu hóa, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan và bỏ qua trước khi loại trừ được các nguyên nhân nguy hiểm.

2.3. Chán ăn, khó tiêu

Ăn không ngon, đầy bụng, khó tiêu có thể là dấu hiệu của ung thư đại tràng, tình trạng này kéo dài có thể khiến cơ thể suy nhược, mệt mỏi..

2.4. Sụt cân bất thường

Không phải chế độ ăn kiêng hay do tập luyện nhằm mục đích giảm cân mà cơ thể đột ngột sụt cân thì phải hết sức lưu ý. Sụt cân bất thường không rõ lý do có thể là dấu hiệu của các ung thư nói chung, trong đó có ung thư đại tràng. Sự phát triển của khối u cùng với việc ăn uống kém, khó tiêu là nguyên nhân dẫn đến sụt cân ở bệnh nhân ung thư đại tràng.

2.5. Xuất huyết tiêu hóa thấp

Các dấu hiệu xuất huyết từ đường tiêu hóa thấp như đại tiện ra nhầy lẫn máu tươi hoặc lẫn phân đen có thể gặp trong bệnh ung thư đại tràng. Đại tiện ra máu có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, cần loại trừ các bệnh lý lành tính như trĩ, nứt kẽ hậu môn,... trước khi nghĩ đến ung thư đại tràng.

2.6. Mệt mỏi, suy nhược

Mệt mỏi, suy nhược là triệu chứng thường gặp của ung thư nhưng lại rất dễ bị bỏ qua. Đó có thể là biểu hiện của thiếu máu trong bệnh lý ung thư đại tràng do mất máu rỉ ra qua đường tiêu hóa. Bệnh nhân thường chóng mặt, mệt mỏi, kiệt sức ngay cả khi đã nghỉ ngơi.

Như đã đề cập, ung thư đại tràng giai đoạn 1 rất dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác bởi triệu chứng ung thư đại tràng giai đoạn đầu thường mơ hồ, không rõ ràng. Bệnh nhân cần đến bệnh viện để được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa và làm các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán chính xác và loại trừ các nguyên nhân khác.

3. Phòng ngừa ung thư đại tràng

Hạn chế các yếu tố nguy cơ và chế độ sinh hoạt hợp lý có thể giúp phòng tránh ung thư đại tràng.

  • Chế độ ăn thịt đỏ: Thịt đỏ (thịt heo, thịt bò, thịt cừu,...) chỉ nên sử dụng ở mức cân đối, hợp lý. Việc tiêu thụ thịt đỏ với số lượng quá nhiều có thể là yếu tố nguy cơ của ung thư đại tràng. Chế biến thực phẩm cũng nên hạn chế chiên, nướng, xông khói,...
  • Chất xơ: Ăn bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như rau xanh, trái cây có thể hỗ trợ lưu thông tiêu hóa, hạn chế được tình trạng ứ đọng phân trong lòng ruột và giảm nguy cơ ung thư đại tràng.
  • Thức uống có cồn: Sử dụng các loại thức nước uống chứa nhiều cồn có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
  • Thuốc lá: Thuốc lá kết hợp rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
  • Chế độ tập luyện: Các hoạt động thể lực, luyện tập, vận động sẽ nâng cao sức khỏe, giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư đại tràng.

Bên cạnh đó, việc sàng lọc ung thư đại tràng cũng nên được thực hiện định kỳ ở những đối tượng có nguy cơ như tiền sử bản thân hoặc tiền sử gia đình đa polyp đại trực tràng.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang triển khai Gói Tầm soát và phát hiện sớm ung thư đại trực tràng, được thực hiện bởi đội ngũ y bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực chẩn đoán, điều trị ung thư đại trực tràng, có sự hỗ trợ của hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại, đầy đủ các phương tiện chuyên môn để chẩn đoán xác định bệnh và xếp giai đoạn trước điều trị như: Nội soi, CT scan, PET-CT scan, MRI, Chụp X quang tuyến vú, chẩn đoán mô bệnh học, xét nghiệm gen - tế bào,... giúp phát hiện sớm bệnh ung thư đại tràng ngay cả khi chưa có triệu chứng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan