Lựa chọn phẫu thuật cho phụ nữ bị ung thư biểu mô ống dẫn sữa hoặc ung thư vú

Có nhiều phương pháp phẫu thuật ung thư biểu mô ống dẫn sữa hoặc ung thư vú để người bệnh lựa chọn. Các hình thức điều trị bằng phẫu thuật sẽ dựa trên những đánh giá về kích thước và giai đoạn của ung thư. Người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để có biện pháp phẫu thuật phù hợp nhất với mình.

1. Tổng quan về ung thư biểu mô ống dẫn sữa (DCIS) và ung thư vú

Trước khi tìm hiểu về các lựa chọn phẫu thuật dành cho bệnh nhân ung thư biểu mô ống dẫn sữa và ung thư vú, chúng ta cần biết những thông tin cơ bản về 2 loại ung thư này. Cụ thể:

1.1. Ung thư biểu mô ống dẫn sữa (DCIS)

Ung thư biểu mô ống dẫn sữa là tình trạng các tế bào bất thường hình thành và phát triển trong niêm mạc của ống dẫn sữa. Tuy nhiên, những tế bào này chưa lan ra ngoài ống dẫn đến mô vú và không phải là dạng ung thư xâm lấn.

Nhìn chung, các lựa chọn phẫu thuật ung thư biểu mô ống dẫn sữa sẽ được áp dụng giống như đối với các dạng ung thư xâm lấn. Ngoài ra, phương pháp phẫu thuật cho DICS cũng sẽ dựa trên mức độ hoạt động của các tế bào bất thường và vị trí của chúng trong vú của người bệnh.

1.2. Ung thư vú

Ung thư vú là tình trạng trong mô vú xuất hiện các tế bào ác tính gây ung thư. Khi một phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm nhằm giúp xác định giai đoạn phát triển của ung thư. Thông thường, phương pháp phẫu thuật ung thư vú sẽ được chỉ định cho các trường hợp khối u ở vú đã lớn và lan rộng sang các vùng lân cận.

Để biết được lựa chọn điều trị bằng phẫu thuật nào là phù hợp với mình, những người mắc DICS và ung thư vú nên trao đổi với bác sĩ để nhận được lời khuyên đúng đắn. Bác sĩ sẽ giúp bạn phân tích ưu và nhược điểm của các phương pháp phẫu thuật, từ đó đưa ra lựa chọn điều trị tốt.

phẫu thuật ung thư biểu mô ống dẫn sữa
Nếu xuất hiện triệu chứng bất thường sau phẫu thuật ung thư biểu mô ống dẫn sữa, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay

2. Phương pháp phẫu thuật cho người mắc ung thư biểu mô ống dẫn sữa và ung thư vú

Hầu hết những phụ nữ bị DICS hoặc ung thư vú có thể lựa chọn một trong 3 phương pháp phẫu thuật sau:

2.1. Phẫu thuật thu nhỏ vú, sau đó là liệu pháp xạ trị

Phẫu thuật thu nhỏ vú thường được chỉ định trong trường hợp chỉ loại bỏ khối ung thư và một số mô bình thường xung quanh nó. Ngoài ra, loại phẫu thuật này cũng có thể loại bỏ một hoặc nhiều hạch bạch huyết nằm dưới cánh tay của người bệnh.

Nhìn chung, việc áp dụng phương pháp phẫu thuật thu nhỏ vú để điều trị ung thư vú và DICS có thể giữ cho ngực của bệnh nhân ít bị thay đổi sau điều trị. Do đó, phương pháp này còn được gọi với những tên khác như:

  • Cắt bỏ một phần khối u.
  • Cắt bỏ khối u.
  • Phẫu thuật bảo tồn vú.
  • Cắt bỏ bộ phận vú.

Sau khi thực hiện phẫu thuật thu nhỏ ví, hầu hết những người mắc DICS và ung thư vú sẽ được áp dụng tiếp liệu pháp xạ trị. Mục tiêu chính của phương pháp này là ngăn ngừa ung thư tái phát ở cùng một bên vú bị ảnh hưởng trước đó. Ngoài ra, một số phụ nữ cũng có thể cần phải thực hiện thêm hoá trị, liệu pháp nhắm mục tiêu hoặc liệu pháp hormone, tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ của mình.

2.2. Phẫu thuật cắt bỏ vú

Trong phẫu thuật cắt bỏ vú, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ toàn bộ vú có sự xuất hiện của tế bào ung thư. Hiện nay, phương pháp phẫu thuật ung thư biểu mô ống dẫn sữa và ung thư vú dưới hình thức này thường bao gồm 2 loại chính:

  • Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ vú: Bác sĩ sẽ cắt bỏ toàn bộ vú của người mắc DICS và ung thư vú. Ngoài ra, phương pháp điều trị này cũng có thể loại bỏ một hoặc nhiều hạch bạch huyết dưới nách.
  • Phẫu thuật cắt bỏ vú triệt để: Bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ toàn bộ vú, nhiều hạch bạch huyết ở nách và kèm theo lớp niêm mạc trên cơ ngực của người bệnh.

Bên cạnh đó, khi điều trị ung thư vú và DICS bằng hình thức phẫu thuật trên, một số bệnh nhân cũng có thể cần phải xạ trị, hóa trị hoặc áp dụng liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp hormone.

2.3. Cắt bỏ vú bằng phẫu thuật tái tạo vú

Phụ nữ mắc DICS và ung thư vú có thể được thực hiện tái tạo vú cùng lúc với phẫu thuật cắt bỏ vú. Thông thường, hình thức phẫu thuật ung thư vú / DICS này sẽ được tiến hành bởi bác sĩ thẩm mỹ có kinh nghiệm lâu năm. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ sử dụng mô cấy hoặc mô từ bộ phận khác trên cơ thể người bệnh để tạo hình dạng tương tự như vú đã bị cắt bỏ. Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cũng có thể tạo hình dạng núm vú và quầng vú cho người bệnh. Hiện nay có 2 loại phẫu thuật tái tạo vú chính, bao gồm:

Cấy ghép vú

Tái tạo vú bằng phương pháp cấy ghép thường được thực hiện theo từng bước. Bước đầu tiên là mở rộng mô vú bằng cách đặt dụng cụ nong bóng phía dưới cơ ngực người bệnh. Trong nhiều tuần, bác sĩ sẽ cho thêm nước muối để làm giãn nở dụng cụ và giúp kéo căng cơ ngực cũng như vùng da trên đó. Quá trình này giúp tạo ra một túi cho mô cấy.

Khi túi đã được định hình kích thước chính xác, bác sĩ sẽ lấy dụng cụ mở rộng mô vú ra ngoài và đặt vào một bộ phận cấy ghép có chứa gel silicon cùng với nước muối. Bước này giúp bác sĩ tạo ra một hình dạng giống như vú bị cắt bỏ ban đầu khi điều trị ung thư vú và DICS. Mặc dù có vú tái tạo có hình dáng giống với vú ban đầu, tuy nhiên người bệnh sẽ không có cảm giác vì các dây thần kinh đã bị cắt bỏ trong quá trình thực hiện phẫu thuật.

Tuy nhiên, việc thực hiện phương pháp cấy ghép trong phẫu thuật ung thư biểu mô ống dẫn sữa và ung thư vú có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như đau, cứng vú và nhiễm trùng. Thậm chí, bộ phận cấy ghép cũng có thể bị xê dịch khỏi vị trí ban đầu và vỡ. Những nguy cơ này thường có xu hướng xảy ra ngay sau khi phẫu thuật hoặc nhiều năm sau đó.

Tạo vạt mô

Trong phương pháp tạo vạt mô, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ tạo ra vú mới từ các cơ, da và mỡ của những bộ phận khác trên cơ thể bệnh nhân (chẳng hạn như bụng, mông và lưng). Hình dạng vú mới sẽ tồn tại vĩnh viễn trong suốt phần đời còn lại của bạn. Tuy nhiên, loại phẫu thuật ung thư vú và DICS này không được chỉ định cho những phụ nữ quá gầy, béo phì, hút thuốc lá hoặc có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.

Nhìn chung, vết thương sau phẫu thuật tạo vạt mô có xu hướng lâu lành hơn so với phẫu thuật đặt túi ngực. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp phải một số vấn đề khác như yếu ở bộ phận được lấy để tạo vạt mô, nhiễm trùng hoặc khó lành vết thương sau phẫu thuật.

phẫu thuật ung thư biểu mô ống dẫn sữa
Các bác sĩ thực hiện phẫu thuật ung thư biểu mô ống dẫn sữa

3. Khi nào người bệnh có thể trở lại bình thường sau phẫu thuật điều trị ung thư vú và DICS?

Đối với phẫu thuật thu nhỏ vú, người mắc ung thư biểu mô ống dẫn sữa hoặc ung thư vú có thể trở lại hầu hết các hoạt động bình thường trong vòng từ 5 – 10 ngày. Thời gian hồi phục thường lâu hơn đối với phẫu thuật cắt bỏ vú, có thể kéo dài từ 3 – 4 tuần. Nếu thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vú có tái tạo, người bệnh sẽ phải mất từ 6 – 8 tuần, hoặc thậm chí lâu hơn để hồi phục hoàn toàn.

Nếu xuất hiện các triệu chứng bất thường sau khi thực hiện phẫu thuật ung thư biểu mô ống dẫn sữa hoặc ung thư vú, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức, bao gồm:

  • Cảm thấy mệt mỏi và thay đổi da sau khi thực hiện phẫu thuật thu nhỏ vú và xạ trị.
  • Cơ thể mất thăng bằng, bị đau cổ và vai sau phẫu thuật cắt bỏ vú.
  • Vú tái tạo trở nên cứng và đau.

Nhìn chung, ung thư vú có thể được điều trị sớm và hạn chế những rủi ro về sức khỏe khi được điều trị sớm. Do đó, để phát hiện bệnh lý, phụ nữ cần được tầm soát ung thư vú.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: cancer

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

150 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan