Ung thư nội mạc tử cung có chữa được không?

Bài viết được viết bởi các bác sĩ khoa Nội ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Ung thư nội mạc tử cung bắt nguồn từ các tế bào hình thành niêm mạc tử cung. Hầu hết các ung thư tử cung bắt đầu là ung thư nội mạc tử cung. Ở một loại khác là sarcoma tử cung, thì khối u ác tính bắt đầu trong các cơ và mô của tử cung. Ung thư nội mạc tử cung và sarcoma tử cung được điều trị khác nhau. Ung thư nội mạc tử cung là loại ung thư phổ biến thứ tư ở phụ nữ, bệnh thường gặp ở những người trên 55 tuổi.

1. Triệu chứng ung thư nội mạc tử cung

Dấu hiệu sớm

Cần nhận biết các dấu hiệu sớm của ung thư nội mạc tử cung để điều trị đạt hiệu quả. Những dấu hiệu ban đầu bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo giữa kỳ kinh nguyệt
  • Kỳ kinh lâu hơn bình thường
  • Chảy máu âm đạo ở phụ nữ sau mãn kinh
  • Dịch tiết âm đạo bất thường.

Nếu nhận thấy bất kỳ dịch tiết âm đạo bất thường hoặc kinh nguyệt bất thường, hãy đến bác sĩ ngay lập tức.

Cơn đau có thể xuất hiện ở vùng xương chậu hoặc trong khi quan hệ tình dục (ít phổ biến). Một số phụ nữ cũng cảm thấy đau khi đi tiểu hoặc gặp sau khi tiểu hết.

Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể:

  • Cảm thấy khối u hoặc nặng nề ở vùng xương chậu
  • Sút cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi
  • Buồn nôn
  • Đau ở một số bộ phận như chân, lưng và vùng xương chậu.

Một số bệnh không phải ung thư cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự như u xơ, lạc nội mạc tử cung, tăng sản nội mạc tử cung hoặc polyp trong niêm mạc tử cung.

Nếu có triệu chứng nào do các bệnh lý nêu trên, thì nguyên nhân không phải do ung thư tử cung.

Ung thư nội mạc tử cung
Hình ảnh ung thư nội mạc tử cung

2. Nguyên nhân gây ung thư nội mạc tử cung

Nguyên nhân gây ung thư nội mạc tử cung chưa được tìm ra.

Ung thư xảy ra khi cấu trúc di truyền của một tế bào hoặc nhóm tế bào thay đổi. Các tế bào bắt đầu phát triển không kiểm soát thay vì chết theo chương trình như bình thường.

2.1 Các yếu tố nguy cơ

Nguyên nhân trực tiếp của ung thư nội mạc tử cung chưa được biết rõ, nhưng một số yếu tố đã được xác định làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Một yếu tố chính trong ung thư nội mạc tử cung là tăng tiếp xúc với nồng độ estrogen cao.

Những người có nguy cơ cao hơn:

  • Chưa bao giờ mang thai
  • Hành kinh trước 12 tuổi
  • Mãn kinh sau 55 tuổi.

Liệu pháp hormone thay thế chỉ có estrogen (HRT) cũng góp phần vào nguy cơ ung thư nội mạc tử cung. Liệu pháp này thường được sử dụng cho phụ nữ sau phẫu thuật cắt tử cung.

Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) có thể làm tăng nồng độ estrogen cũng là một yếu tố nguy cơ.

Bệnh tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ vì nồng độ estrogen có xu hướng tăng theo nồng độ insulin. Nồng độ estrogen cao trong thời gian dài làm tăng khả năng ung thư tử cung phát triển.

2.2 Các yếu tố khác

  • Tăng sản nội mạc tử cung, hoặc phát triển quá mức hoặc dày lên bất thường của niêm mạc tử cung
  • Béo phì
  • Cao huyết áp
  • Sử dụng Tamoxifen để điều trị ung thư vú
  • Xạ trị vào khung chậu
  • Tiền sử gia đình bị ung thư tử cung
  • Có tiền sử về ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú

Một số báo cáo đã tìm thấy mối liên quan giữa acrylamide, một hợp chất gây ung thư được tìm thấy trong thực phẩm giàu chất béo, giàu carbohydrate, với ung thư nội mạc tử cung và buồng trứng ở phụ nữ sau mãn kinh.

Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về điều này.

mãn kinh
Những người mãn kinh sau 55 tuổi có nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung cao hơn bình thường

3. Chẩn đoán ung thư nội mạc tử cung

Để chẩn đoán loại ung thư này, bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng, cũng như tiền sử bệnh và gia đình. Họ cũng sẽ thực hiện kiểm tra vùng chậu.

Bác sĩ sẽ kiểm tra cổ tử cung, tử cung, âm đạo và âm hộ để phát hiện bất kỳ cục u hoặc thay đổi về hình dạng hoặc kích thước.

Siêu âm qua đường âm đạo (TVU) có thể xác định kích thước và hình dạng của tử cung cũng như kết cấu và độ dày của nội mạc tử cung để loại trừ các bệnh khác. Đầu dò được đưa vào âm đạo và sóng âm tạo ra hình ảnh của tử cung trên màn hình.

Xét nghiệm máu để phát hiện các tế bào ung thư.

Sinh thiết bao gồm lấy một mẫu mô hoặc tế bào để kiểm tra bằng kính hiển vi. Cũng có thể soi cổ tử cung, bằng cách đưa một ống kính phóng đại mỏng vào âm đạo và tử cung, và sử dụng ống nhỏ sinh thiết để lấy các mẫu tế bào.

Các xét nghiệm để phát hiện sự lan tràn của ung thư nội mạc tử cung bao gồm xét nghiệm Pap, sinh thiết hạch và xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang, CT, PET hoặc MRI.

Giai đoạn bệnh

Nếu phát hiện ung thư, độ ác tính của khối u sẽ được đánh giá dựa vào tốc độ phân chia tế bào và ung thư có khả năng phát triển nhanh như thế nào.

Một khối u có độ ác tính cao thì có khả năng phát triển nhanh chóng và di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.

Điều trị tùy thuộc vào giai đoạn, hoặc ung thư đã di căn đến đâu.

Các giai đoạn:

  • Giai đoạn 0: Các tế bào ung thư vẫn ở nơi khởi điểm, trên bề mặt niêm mạc bên trong tử cung.
  • Giai đoạn 1: Ung thư đã lan qua lớp nội mạc tử cung đến cơ tử cung.
  • Giai đoạn 2: Khối u đã lan đến cổ tử cung.
  • Giai đoạn 3: Khối u đã lan qua tử cung đến các mô gần đó, bao gồm cả âm đạo hoặc hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 4: Ung thư đã lan đến bàng quang hoặc ruột, và có thể đến các khu vực khác như xương, gan hoặc phổi.

Khi ung thư nội mạc tử cung lan từ nội mạc tử cung sang các bộ phận khác của cơ thể, ví dụ khi một khối u mới hình thành trong phổi, thì khối u mới đó không phải là ung thư phổi mà được gọi là ung thư nội mạc tử cung di căn.

4. Điều trị ung thư nội mạc tử cung

Điều trị phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của bệnh nhân, mức độ và giai đoạn của khối u.

Bác sĩ sẽ thảo luận các lựa chọn và tác dụng phụ có thể xảy ra với bệnh nhân sắp được điều trị.

Các lựa chọn bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị và liệu pháp hormone.

  • Phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật cho ung thư nội mạc tử cung thường là cắt tử cung, hoặc cắt bỏ tử cung cùng với ống dẫn trứng và buồng trứng. Việc này thường chỉ mất vài ngày trong bệnh viện, nhưng để bệnh nhân có thể quay lại với các hoạt động bình thường thì cần từ ​​4 đến 8 tuần.

Một người phụ nữ dù chưa mãn kinh sẽ không còn kinh nguyệt sau phẫu thuật và không thể thụ thai. Người bệnh vẫn có thể gặp các triệu chứng mãn kinh, chẳng hạn như bốc hỏa, đổ mồ hôi đêm và khô âm đạo.

  • Xạ trị

Xạ trị sử dụng chùm tia mạnh để tiêu diệt các tế bào ung thư, và phá hủy nhân DNA của tế bào để chúng không thể nhân lên nữa.

Kỹ thuật xạ trị ngoài (EBRT), dung một chùm tia hướng vào xương chậu và các khu vực khác bị ung thư. Điều trị có thể lên tới năm lần/tuần trong vài tuần. Một lần kéo dài khoảng 15 phút.

Xạ trị áp sát, hay còn gọi là xạ trị trong, sử dụng các thiết bị nhỏ chứa bức xạ đặt bên trong âm đạo trong vài phút và sau đó được lấy ra. Liệu pháp này được lặp lại hai hoặc nhiều lần trong vài tuần.

Liệu pháp xạ trị tân bổ trợ nhằm mục đích thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật, giúp loại bỏ dễ dàng hơn.

Liệu pháp xạ trị bổ trợ cũng được áp dụng sau phẫu thuật để loại bỏ tế bào ung thư còn sót lại. Tác dụng phụ của xạ trị bao gồm bỏng da ở vùng điều trị, rụng tóc, mệt mỏi, mệt và tiêu chảy. Sau khi điều trị, các tác dụng phụ thường biến mất.

  • Hóa trị

Hóa trị sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Kết hợp với xạ trị, nó có thể loại bỏ phần còn lại của khối u.

Ở ung thư giai đoạn cuối, hóa trị liệu có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và kéo dài sống thêm.

Cả xạ trị và hóa trị đều giúp giảm triệu chứng ở bệnh nhân ung thư giai đoạn tiến xa.

Đối với ung thư nội mạc tử cung, hóa trị thường được tiêm tĩnh mạch theo chu kỳ điều trị. Sau đó sẽ có một khoảng thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi. Chu kỳ này được lặp lại nhiều lần, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và mục tiêu điều trị.

Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm giảm các tế bào máu khỏe mạnh, khiến bệnh nhân dễ bị bầm tím, chảy máu, thiếu máu, mệt mỏi và tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Hóa trị cũng có thể gây rụng tóc và các vấn đề về đường tiêu hóa, bao gồm buồn nôn, tiêu chảy, kém ăn. Có thể có vết loét môi, miệng.

Những triệu chứng này sẽ biến mất sau khi điều trị kết thúc.

Các tác dụng ít phổ biến hơn bao gồm sưng chân, đau khớp, mất cân bằng cơ thể, khó nghe, phát ban da và tê ngứa tay chân.

  • Liệu pháp hormon

Liệu pháp hormon có thể phù hợp với bệnh nhân ung thư nội mạc tử cung giai đoạn tiến xa.

Phụ nữ bị ung thư giai đoạn rất sớm và khối u ác tính thấp muốn mang thai có thể chọn liệu pháp hormone thay vì phẫu thuật.

Đây không phải là một điều trị chuẩn và cần theo dõi chặt chẽ. Nếu ung thư đã thuyên giảm hoàn toàn sau 6 tháng điều trị nội tiết, người phụ nữ sẽ được khuyến khích thụ thai và sinh con, sau đó mới phẫu thuật cắt tử cung để giảm nguy cơ ung thư quay lại.

Liệu pháp hormone cho ung thư nội mạc tử cung liên quan đến việc cung cấp progestin, để giúp thu nhỏ khối u và kiểm soát các triệu chứng, và giảm mức estrogen, khiến các tế bào ung thư khó phát triển.

Tác dụng phụ bao gồm tăng cân, chuột rút và buồn nôn nhẹ.

Khám bệnh
Điều trị phụ thuộc vào độ tuổi và sức khỏe của bệnh nhân, mức độ và giai đoạn của khối u

5. Tiên lượng sống

Tỷ lệ sống thêm trung bình 5 năm đối với ung thư nội mạc tử cung là khoảng 81,3%, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ và 95,3% đối với những người được chẩn đoán ở giai đoạn sớm nhất.

Để giảm nguy cơ, các thầy thuốc đưa ra lời khuyên tránh hút thuốc, tập thể dục thường xuyên và tuân theo chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.

ThinPrep Pap thực chất là xét nghiệm phết tế bào tử cung (Pap smear) được cải tiến. Với phương pháp tầm soát này, các mô bệnh học thu được từ nội mạc tử cung sẽ không được phết vào một lam kính để làm tiêu bản như xét nghiệm phết tế bào tử cung thông thường mà được rửa hoàn toàn bằng một chất lỏng trong lọ ThinPrep và sau đó được chuyển đến phòng thí nghiệm để xử lý bằng máy ThinPrep. Đến đây, tiêu bản được hoàn thành một cách tự động.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến cho khách hàng nữ Gói Tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý phụ khoa. ThinPrep Pap Test đã tạo ra bước ngoặt đối với phương pháp Pap smear truyền thống, thông qua công nghệ chuyển tế bào có kiểm soát bằng màng lọc, giúp làm tăng độ nhạy và độ đặc hiệu trong việc phát hiện các tế bào tiền ung thư, đặc biệt là tế bào biểu mô tuyến, một loại tế bào ung thư rất khó phát hiện.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

XEM THÊM:

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

30.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan