Vị trí thường gặp và yếu tố nguy cơ của ung thư thanh quản

Ung thư thanh quản là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao nếu không được phát hiện, điều trị sớm. Nắm được các yếu tố nguy cơ của ung thư thanh quản, chẩn đoán chính xác vị trí của ung thư thanh quản là yêu cầu kiên quyết để nâng cao cơ hội thành công khi điều trị bệnh.

1. Bệnh ung thư thanh quản là gì?

Ung thư thanh quản là dạng ung thư tai - mũi - họng thường gặp, chiếm khoảng 2% trong tổng số các loại ung thư thường gặp. Bệnh phổ biến ở nam giới hơn nữ giới, chủ yếu ở nhóm người 50 - 70 tuổi (chiếm 72% trong tổng số các ca bệnh).

Ung thư thanh quản là tình trạng khối u ác tính xuất phát từ nội thanh quản (gồm 3 tầng mặt dưới thanh nhiệt, băng thanh thất và thanh thất Morgagni), dây thanh, hạ thanh môn hoặc vùng bờ thành thanh quản. Ung thư thanh quản hay gặp ở dây thanh (chiếm 70% trong các trường hợp mắc ung thư thanh quản). Các khối u lành tính của thanh quản cũng có thể bị ác tính hóa, đặc biệt là u nhú thanh quản ở người lớn.

Ung thư vòm họng
Ung thư thanh quản là dạng ung thư tai - mũi - họng thường gặp, chiếm khoảng 2% trong tổng số các loại ung thư thường gặp

2. Các yếu tố nguy cơ của ung thư thanh quản

Cho tới nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính gây bệnh ung thư thanh quản. Tuy nhiên, họ đã đề cập tới một số yếu tố có khả năng làm tăng nguy cơ mắc bệnh như:

  • Sử dụng thuốc lá, rượu bia: Đây là các chất kích thích góp phần gây hình thành ung thư thanh quản và ung thư phổi. Những người đã ngừng hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư thực quản, ung thư thanh quản, ung thư khoang miệng, ung thư tụyung thư bàng quang;
  • Yếu tố nghề nghiệp: Ảnh hưởng của nghề nghiệp lên những công nhân làm việc trong nhà máy hóa chất, phải tiếp xúc với các chất khí hoặc bụi bẩn có nickel, amiang, chrome,...;
  • Có tiền sử trào ngược dạ dày thực quản: Khi bệnh nhân ăn xong, cơ thắt tâm vị không thắt chặt được khiến thức ăn bị đẩy ngược lên, dịch dạ dày trào lên thực quản và thanh quản. Axit trong dịch dạ dày tác động mạnh lên niêm mạc thanh quản (vốn không có cấu trúc được bảo vệ khỏi tác động của loại axit này) gây viêm thực quản, viêm họng, viêm thanh quản và viêm phế quản kéo dài, dễ dẫn tới ung thư thanh quản;
  • Đã từng xạ trị vùng trước cổ (ví dụ xạ trị ung thư tuyến giáp) hoặc có tiền sử ung thư vùng đầu - mặt - cổ;
  • Có các yếu tố kích thích của vi khí hậu;
  • Viêm thanh quản mạn tính (tiền đề ung thư hóa);
  • Bị nhiễm khuẩn vùng răng miệng, tai mũi họng dai dẳng, thiếu vitamin A và các chất dinh dưỡng cần thiết;
  • Tuổi tác: Bệnh có xu hướng gặp ở người trên 55 tuổi;
  • Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc ung thư thanh quản cao gấp 4 lần nữ giới.
Các thuốc ức chế men chuyển có thể gây ho ở người cao tuổi
Bệnh có xu hướng gặp ở người trên 55 tuổi

3. Vị trí của ung thư thanh quản

Khối u ác tính ở thanh quản thường gặp ở các vị trí sau:

3.1 Ung thư thượng thanh môn (tiền đình thanh quản)

Khối u ác tính thường phát sinh cùng lúc ở cả mặt dưới của thanh nhiệt và băng thanh thất. Khối u lan nhanh sang phía đối diện. Nẹp phễu thanh nhiệt và vùng sụn phễu ở phía phát sinh khối u thường bị to phồng lên do u thâm nhiễm hoặc phù nề. Ở giai đoạn đầu, việc chẩn đoán phải sử dụng tới CT scan mới đánh giá được hỗ trước thân nhiệt.

Khối u ác tính xuất phát từ thanh thất Morgagni thường là thể tăng sinh hay loét. Thể loét sẽ lan rất nhanh tới các vùng lân cận.

Ung thư thượng thanh môn thường chiếm khoảng 8 - 10 trong tổng số các ca ung thư thanh quản. Triệu chứng của bệnh thường xuất hiện muộn với các biểu hiện như khàn tiếng (khi khối u lan vào niêm mạc dây thanh và sụn phễu), nuốt đau (khi khối u lan vào họng, thanh quản).

3.2 Ung thư thanh môn (dây thanh)

Đây là dạng ung thư thanh quản hay gặp nhất, nếu được phát hiện sớm thương tổn u sẽ còn giới hạn ở mặt trên hoặc bờ tự do của dây thanh. Dạng ung thư này thường gặp thể tăng sinh, ít gặp thể thâm nhiễm hoặc thể loét. Ung thư dây thanh tiến triển khá chậm, khu trú ở một bên khá lâu trước khi lan sang bên đối diện.

Bệnh nhân ung thư thanh môn thường được phát hiện sớm do triệu chứng khó phát âm xuất hiện sớm. Người bệnh có biểu hiện rối loạn giọng nói, giọng khàn kéo dài, mức độ tăng dần. Về sau, nói rất khàn, mệt mỏi, đi kèm ho kích thích, ho ra đờm có mùi hôi,... Các dấu hiệu muộn gồm ho khạc đờm nhầy lẫn máu, đau vùng cổ trước thanh quản, có thể đau lan lên tai, cảm giác khó chịu, có dị vật ở họng, khó thở, rối loạn về nuốt, nuốt vướng, nghẹn, đau,...

3.3 Ung thư hạ thanh môn

Đây là dạng ung thư thanh quản ít gặp hơn 2 dạng trên và việc phát hiện cũng gặp nhiều khó khăn hơn. Để xác định chính xác ung thư hạ thanh môn thì cần phải soi thanh quản trực tiếp và chụp cắt lớp vi tính.

Ung thư hạ thanh môn thường gặp là thể thâm nhiễm, thường ở phía dưới dây thanh, được cánh sụn giáp làm vật chắn nên u khó lan ra ngoài. Khối u ác tính thường phát triển nhanh sang phía đối diện, vượt qua mép trước thanh quản rồi lan xuống dưới sụn nhẫn.

dấu hiệu ung thư thanh quản
Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân ung thư thanh quản thường có thời gian sống ngắn

Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân ung thư thanh quản thường có thời gian sống ngắn. Người bệnh có thể tử vong do ngạt thở cấp tính, suy kiệt, biến chứng viêm phế quản phổi hoặc chảy máu ồ ạt,... Vì vậy, điều kiện tiên quyết trong việc chống bệnh là phòng bệnh hiệu quả bằng cách bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, điều trị dứt điểm các bệnh lý liên quan, nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc tầm soát ung thư vòm họng cũng như việc khám sức khỏe định kỳ.

Video đề xuất:

Đường hô hấp trên gồm những bộ phận nào? Các bệnh thường gặp ở đường hô hấp trên

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan