Công dụng thuốc Moxetumomab Pasudotox - tdfk

Moxetumomab Pasudotox - tdfk là thuốc được các bác sĩ tin dùng trong điều trị ung thư. Đây là thuốc kê đơn sử dụng theo đường tiêm nên người bệnh chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ và thực hiện bởi nhân viên y tế.

1. Tác dụng của thuốc Moxetumomab pasudotox - tdfk

Moxetumomab là thuốc hoạt động bằng cách liên kết với CD22 trên bề mặt của tế bào B. Nó ức chế tổng hợp protein trong tế bào ung thư, làm cho tế bào ung thư không sống được.

2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Moxetumomab pasudotox - tdfk

Thuốc Moxetumomab được sản xuất dạng dung dịch tiêm truyền nên được đưa vào cơ thể người bệnh bằng đường truyền tĩnh mạch. Liều lượng và tần suất dùng thuốc khác nhau ở từng người bệnh, phụ thuộc trọng lượng cơ thể và mức độ dung nạp thuốc. Đặc biệt, trước, trong và sau khi truyền thuốc, cơ thể của người bệnh phải duy trì hydrat hóa thích hợp. Người bệnh sẽ được truyền dịch qua đường tĩnh mạch trước và sau khi truyền.

Người bệnh sẽ được hướng dẫn sử dụng thuốc aspirin liều thấp vào những thời gian nhất định để ngăn ngừa hình thành cục máu đông. Người bệnh sẽ được dùng acetaminophen, thuốc kháng histamin và thuốc kháng thụ thể H2 để ngăn phản ứng với thuốc Moxetumomab.

Trước khi nhận thuốc và trong suốt quá trình điều trị, người bệnh cần được kiểm tra các giá trị điện giải.

Sau khi truyền, người bệnh cũng có thể được dùng thuốc để tiếp tục ngăn phản ứng và giảm bớt cảm giác buồn nôn và nôn.

3. Những tác dụng phụ nào có thể gặp phải khi dùng thuốc Moxetumomab pasudotox - tdfk?

Trong thời gian điều trị bằng thuốc, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ với tần suất khác nhau. Tuy nhiên, có một số điều người bệnh có thể làm để kiểm soát những tác dụng phụ đó.

  • Hội chứng rò rỉ mao mạch: Máu và các thành phần của máu thoát ra khỏi mao mạch và vào các khoang và cơ của cơ thể. Quá trình mất máu này có thể gây hạ huyết áp và suy các cơ quan. Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng này bao gồm: giảm huyết áp đột ngột, suy nhược, mệt mỏi, sưng tay, chân và các bộ phận khác của cơ thể, buồn nôn, ho, khó thở và choáng váng.
  • Hội chứng tăng ure máu tán huyết: Thuốc có thể phá hủy các tế bào hồng cầu, làm hỏng mạch máu và có thể dẫn đến suy thận. Khi xuất hiện các vết bầm tím hoặc chảy máu bất thường, lượng nước tiểu giảm, có thể người bệnh đã gặp phải hội chứng này.
  • Các tác dụng phụ liên quan đến tiêm truyền: Truyền thuốc qua đường tĩnh mạch có thể gây ra các phản ứng dẫn đến ớn lạnh, ho, chóng mặt, khó thở, cảm thấy nóng, nhức đầu, tăng huyết áp, hạ huyết áp, phản ứng liên quan đến truyền dịch, đau cơ, buồn nôn, sốt cao, nhịp tim nhanh, nôn và thở khò khè.
  • Rối loạn về điện giải: Thuốc ảnh hưởng đến các chất điện giải như canxi, phosphat,...trong cơ thể. Người bệnh cần được kiểm tra nồng độ các chất điện giải thường xuyên bằng các xét nghiệm máu. Trường hợp nồng độ điện giải quá thấp, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh uống hoặc truyền tĩnh mạch các chất điện giải.
  • Số lượng hồng cầu giảm (thiếu máu): Sử dụng thuốc để điều trị có thể làm giảm số lượng hồng cầu gây nên thiếu máu. Khi đó, cơ thể thiếu oxy dẫn đến mệt mỏi, yếu ớt, khó thở, đau ngực. Trường hợp số lượng hồng cầu giảm nhiều, cơ thể thiếu máu nhiều, người bệnh có thể được chỉ định truyền máu để bù lượng máu đã mất, phục hồi sức khỏe cho người bệnh.
  • Số lượng bạch cầu giảm: Trong trường hợp này, cơ thể người bệnh rất dễ bị nhiễm trùng. Nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, cảm lạnh,...người bệnh cần thông báo ngay với bác sĩ để được xử trí đúng cách. Để hạn chế sự nhiễm trùng xảy ra, người bệnh và người nhà người bệnh cần thường xuyên vệ sinh tay, dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ môi trường sống, tránh tiếp xúc đông người đặc biệt là những người bị bệnh,...
  • Thuốc ảnh hưởng đến thận: Sử dụng thuốc gây tăng nồng độ creatinin, ảnh hưởng đến chức năng của thận. Người bệnh có thể đi tiểu ra máu, lượng nước tiểu giảm sút, chán ăn, sưng mắt cá chân,...
  • Thuốc ảnh hưởng đến chức năng của gan: Cần kiểm tra định kỳ các xét nghiệm đánh giá chức năng gan cho người bệnh. Khi chức năng gan bị suy giảm, người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như vàng da, vàng mắt, nước tiểu sẫm màu, đau vùng bụng,...
  • Dấu hiệu phù nề: Sử dụng thuốc làm cơ thể tăng giữ nước dẫn đến sưng các chi, dấu hiệu phù nề. Thuốc có thể gây sưng bàn tay, cánh tay, chân, mắt cá chân và bàn chân. Tại vị trí sưng của người bệnh có thể trở nên khó chịu.
  • Cảm giác buồn nôn và nôn: Người bệnh cần thông báo với bác sĩ tình trạng của bản thân để bác sĩ kịp thời điều chỉnh. Có thể dùng thuốc để giúp người bệnh kiểm soát buồn nôn và nôn. Ngoài ra, người bệnh có thể thay đổi chế độ ăn uống, tạo cảm giác ngon miệng, dùng nước muối hoặc gừng để giảm bớt các triệu chứng.
  • Cơ thể mệt mỏi: Đây là dấu hiệu phổ biến trong điều trị ung thư và thường không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh nên tập thể dục, đi bộ, lập kế hoạch nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe.
  • Đau đầu: Người bệnh có thể dùng thuốc để giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.
  • Táo bón: Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống, uống đủ lượng nước theo khuyến cáo mỗi ngày và duy trì hoạt động. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thuốc làm mềm phân để giảm táo bón. Tuy nhiên, các loại thuốc sử dụng cần được tư vấn bởi bác sĩ.
  • Giảm số lượng tiểu cầu: Khi lượng tiểu cầu giảm sẽ làm tăng nguy cơ chảy máu. Khi xuất hiện các vết bầm tím, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, có máu trong nước tiểu và trong phân, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để có hướng xử trí đúng cách.
  • Có thể gặp bệnh tiêu chảy: Người bệnh nên sử dụng thực phẩm giàu chất xơ như táo, chuối, gạo trắng, bột yến mạch, khoai tây. Bên cạnh đó, người bệnh có thể dùng thuốc để giảm tiêu chảy theo đơn của bác sĩ.

4. Mối liên hệ giữa thuốc Moxetumomab pasudotox - tdfk và vấn đề sinh sản

Sử dụng thuốc có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, do đó, người bệnh không nên mang thai hoặc làm cha khi sử dụng thuốc để điều trị bệnh.

Người bệnh cần ngừng dùng thuốc ít nhất 30 ngày sau khi điều trị nếu có ý định mang thai và sinh con. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cần kiểm soát sinh đẻ hiệu quả.

Thuốc Moxetumomab có thể bài tiết vào sữa mẹ. Vì vậy, nếu người mẹ dùng thuốc thì ngừng cho con bú hoặc cho con bú thì không nên dùng thuốc để đảm bảo an toàn cho con.

Thuốc Moxetumomab pasudotox - tdfk là thuốc ức chế tổng hợp protein của tế bào ung thư, làm cho chúng không phát triển và lan rộng. Thuốc chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ và được truyền vào cơ thể người bệnh bởi nhân viên y tế. Tùy thuộc vào thể trạng và tần suất sử dụng mà thuốc gây ra những tác dụng không mong muốn với mức độ và tần suất khác nhau. Người bệnh cần tuân thủ đúng lời dặn của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc để quá trình điều trị đạt hiệu quả cao và an toàn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink.org

36 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan