Ung thư ống dẫn trứng: Kiến thức cơ bản cần biết

Ung thư ống là một bệnh lý rất hiếm gặp và có thể khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Bởi lẽ các triệu chứng bệnh thường mơ hồ, dễ nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Ung thư ống dẫn trứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là phụ nữ trong độ tuổi từ 50-60 tuổi.

1. Ung thư ống dẫn trứng là gì?

Các ống dẫn trứng là một cặp ống nối từ buồng trứng đến tử cung. Ung thư ống dẫn trứng là sự hình thành khối u ác tính trong ống dẫn trứng. Nguyên nhân là do các tế bào ống dẫn trứng phát triển ngoài tầm kiểm soát. Ung thư ống dẫn trứng di căn từ ống dẫn trứng đến một vị trí khác của cơ thể được gọi là ung thư di căn. Hơn 95% trường hợp ung thư ống dẫn trứng là ung thư tuyến, phát triển từ các tế bào tuyến. Một số ít là sarcoma, phát triển từ mô liên kết.

Ung thư ống dẫn trứng rất hiếm và chỉ chiếm 1-2% trong các bệnh ung thư phụ khoa. Khoảng 1500 đến 2000 trường hợp ung thư ống dẫn trứng đã được báo cáo trên toàn thế giới. Ung thư ống dẫn trứng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là phụ nữ trong độ tuổi từ 50-60 tuổi. Bệnh phổ biến ở phụ nữ da trắng có ít hoặc không có con. Ung thư ống dẫn trứng có thể được chia thành các giai đoạn tương tự như ung thư buồng trứng. Hệ thống FIGO và TNM đều được sử dụng để phân chia các giai đoạn trong ung thư ống dẫn trứng.

2. Nguy cơ dẫn tới ung thư ống dẫn trứng là gì?

Vì bệnh ung thư ống dẫn trứng rất hiếm xảy ra, nên hiện nay nguyên nhân gây ra bệnh vẫn chưa được xác định chính xác. Có một số yếu tố có thể liên quan tới ung thư ống dẫn trứng, bao gồm:

  • Nhiễm trùng hoặc viêm ống dẫn trứng.
  • Không có con.
  • Không sử dụng biện pháp tránh thai.
  • Tiền sử gia đình có người bị ung thư ống dẫn trứng.
  • Đột biến gen: Có bằng chứng cho thấy những phụ nữ thừa hưởng gen liên quan đến ung thư vú và ung thư buồng trứng, được gọi là BRCA1, cũng có nguy cơ phát triển ung thư ống dẫn trứng cao hơn.

3. Dấu hiệu của ung thư ống dẫn trứng

Các dấu hiệu của ung thư ống dẫn trứng bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Tiết dịch trắng, trong hoặc hồng từ âm đạo
  • Đau hoặc cảm thấy áp lực ở phần bụng dưới
  • Xuất hiện khối u trong khung chậu hoặc sưng ở phần bụng dưới
  • Khi ung thư tiến triển, khoang bụng có thể chứa đầy chất lỏng và được gọi là hiện tượng cổ trướng

Tuy nhiên, nhiều bệnh lý khác cũng có thể gây ra các triệu chứng này. Nếu có các dấu hiệu trên, bạn nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán.

4. Chẩn đoán ung thư ống dẫn trứng như thế nào?

Khi nghi ngờ bệnh nhân đang bị ung thư ống dẫn trứng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các xét nghiệm và phương pháp thăm khám sau đây

  • Khám vùng chậu: Bác sĩ đưa một mỏ vịt vào âm đạo. Thiết bị này giúp mở rộng âm đạo để có thể nhìn thấy cổ tử cung và giúp khám tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng dễ dàng hơn.
  • Xét nghiệm Pap: Xét nghiệm Pap (hoặc phết tế bào cổ tử cung) tìm kiếm tế bào tiền ung thư, những thay đổi tế bào có thể trở thành ung thư nếu không được điều trị thích hợp. Bác sĩ sử dụng một dụng cụ mỏng để nạo một số tế bào từ cổ tử cung. Sau đó, mẫu tế bào sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm kiểm tra. Xét nghiệm Pap còn được sử dụng trong tầm soát và chẩn đoán ung thư cổ tử cung.
  • Siêu âm: Siêu âm sử dụng sóng âm năng lượng cao để tạo ra hình ảnh của ống dẫn trứng và các cơ quan khác trong xương chậu. Siêu âm có thể được thực hiện bên ngoài bụng hoặc bên trong âm đạo (được gọi là siêu âm qua ngã âm đạo).
  • Xét nghiệm máu: Các bất thường trong công thức máu cũng có thể hỗ trợ bác sĩ chẩn đoán bệnh
  • Sinh thiết: Những xét nghiệm trên rất quan trọng nhưng sinh thiết là cách duy nhất để biết chắc chắn liệu bạn có bị ung thư ống dẫn trứng hay không. Sinh thiết là thủ thuật lấy một phần khối u để quan sát dưới kính hiển vi. Sinh thiết được sử dụng để tìm ra loại ung thư, mức độ và sự di căn của khối u.

5. Điều trị ung thư ống dẫn trứng

Điều trị ung thư ống dẫn trứng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giai đoạn ung thư, tiền sử bệnh, sức khỏe hiện tại và cả mục tiêu điều trị của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ quyết định liệu pháp điều trị tốt tùy vào tình trạng và các nhu cầu của bệnh nhân. Các phương pháp điều trị được sử dụng trong ung thư ống dẫn trứng bao gồm:

  • Phẫu thuật: Phương pháp phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư. Trong ung thư ống dẫn trứng giai đoạn đầu có thể chỉ định cắt bỏ vòi trứng (loại bỏ một hoặc cả hai ống dẫn trứng và một hoặc cả hai buồng trứng). Ở các bệnh nhân giai đoạn tiến triển hơn, có thể cần phải cắt tử cung toàn phần, cắt tử cung vòi trứng hai bên, cắt ruột thừa. Phẫu thuật có thể được sử dụng cùng với xạ trị hoặc hóa trị để nâng cao hiệu quả điều trị (còn được gọi là liệu pháp điều trị bổ trợ).
  • Xạ trị: Xạ trị là phương pháp sử dụng tia X năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Xạ trị không phải là phương pháp điều trị chính cho ung thư ống dẫn trứng vì nó có thể không hiệu quả lắm và bệnh nhân sẽ gặp phải một số tác dụng phụ. Xạ trị có thể được sử dụng trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u.
  • Hóa trị: Hóa trị là phương pháp sử dụng thuốc chống ung thư để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được thực hiện sau khi phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư sót lại. Các loại thuốc thường được sử dụng trong hóa trị là cisplatin, docetaxel, carboplatin, gemcitabine, liposomal doxorubicin, cyclophosphamide và paclitaxel. Trong một số trường hợp, hóa trị trong phúc mạc sẽ được sử dụng. Đây là phương pháp hóa trị tiêm trực tiếp thuốc vào bụng, khi đó thuốc sẽ được hấp thụ bởi các mô và cơ quan lân cận để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp nhắm mục tiêu: Liệu pháp điều trị này có thể được sử dụng để điều trị ung thư ống dẫn trứng tái phát hoặc tiến triển. Bevacizumab, entrectinib và larotrectinib có thể được sử dụng trong điều trị ung thư ống dẫn trứng. Còn neratinib, rucaparib và olaparib là những liệu pháp nhắm mục tiêu được sử dụng trong ung thư ống dẫn trứng có kết quả BRCA +.

Tóm lại, tiên lượng cho bệnh nhân bị ung thư ống dẫn trứng cũng tương tự như bệnh nhân bị ung thư buồng trứng. Tiên lượng phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và độ tuổi của bệnh nhân. Tỷ lệ bệnh nhân sống 5 năm sau khi được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn I là khoảng 90%. Do vậy, việc phát hiện và điều trị sớm đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khi có các dấu hiệu bất thường như chảy máu hoặc tiết dịch âm đạo bất thường, đau bụng dưới liên tục, bệnh nhân nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: oncolink

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan