Virus nào gây bệnh thủy đậu?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Thuỷ đậu là bệnh truyền nhiễm do Varicella zoster virus gây ra, rất dễ lây và lành tính, có đặc tính phát ban các đợt liên tiếp với những thành phần có tuổi khác nhau: Dát, sẩn, mụn nước, mụn mủ, vảy tiết tồn tại cùng nhau, sau thành sẹo, thường kèm triệu chứng toàn thân nhẹ.

1. Tác nhân gây ra bệnh thủy đậu?

Tác nhân gây bệnh thủy đậuVaricella zoster virus thuộc họ Herpesviridae. Virus thủy đậu là tác nhân gây bệnh thủy đậu ở trẻ em và bệnh zona ở người lớn nên còn có tên là virus thủy đậu - zona ( virus VZV). Virus có hình khối cầu, đường kính khoảng 250 nm. Phần lõi có ADN, phần capsid bọc ngoài bằng protein. Khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài: Virus sống được vài ngày trong vảy thủy đậu tung vào không khí. Virus dễ bị chết bởi các thuốc sát khuẩn thường dùng.

Varicella zoster virus gây ra bệnh thuỷ đậu xâm nhập vào niêm mạc đường hô hấp trên, miệng hầu tiếp đó nhân lên tại chỗ và gây nhiễm virus huyết tiên phát. Sau đó VZV nhân lên trong tế bào hệ thống liên võng nội mô rồi tiếp đến là gây nhiễm virus huyết thứ phát và lan tràn đến da và niêm mạc.

VZV xâm nhập vào lớp tế bào đáy, lớp gai nhân lên hình thành các hốc nhỏ và gây thoái hoá hình cầu ở tế bào biểu mô, tích tụ dịch phù, thoái hoá mụn nước và tạo thành những chất vùi trong nhân. Cũng như tất cả các loại Herpes virus VZV trở thành pha tiềm ẩn, trú ngụ ở hạch cảm giác, tái hoạt của VZV gây nên bệnh zona (Herpes zoster). Trong các thể có biến chứng virus có thể gây những ổ viêm phổi kẽ và những ổ huỷ myelin trong não.

Virus gây bệnh thủy đậu
Tác nhân gây bệnh thủy đậu là Varicella zoster virus thuộc họ Herpesviridae

2. Phương thức lây truyền bệnh thủy đậu

Bệnh thủy đậu có khả năng lây truyền từ người sang người bằng tiếp xúc trực tiếp, lây qua đường không khí từ các giọt nhỏ dịch tiết đường hô hấp hoặc chất dịch của nốt phỏng. Lây gián tiếp qua các đồ vật vừa mới bị nhiễm chất dịch của nốt phỏng hoặc niêm mạc. Trong số các bệnh truyền nhiễm thì thủy đậu là một trong những bệnh dễ lây nhất.

Tất cả những người chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu đều cảm nhiễm với căn bệnh này. Thông thường, người lớn bị mắc bệnh nặng hơn ở trẻ em. Sau khi mắc bệnh sẽ để lại miễn dịch lâu dài, rất ít khi mắc bệnh lần thứ hai ở những người suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, cũng có thể người bệnh bị nhiễm virus tiềm tàng và bệnh có thể tái phát sau đó nhiều năm như bệnh zona ở 15% người già và đôi khi gặp ở trẻ em.

Những đứa trẻ sinh ra từ người mẹ không có miễn dịch và bệnh nhân bị bệnh bạch cầu có thể bị mắc bệnh nặng, kéo dài hoặc tử vong. Người lớn bị ung thư đặc biệt ung thư bạch huyết, bệnh nhân suy giảm miễn dịch hay bị mắc bệnh zona nặng cả thể khư trú và lan tỏa.

3. Các biện pháp phòng bệnh thủy đậu

Phòng thủy đậu bệnh học là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mỗi người. Bảo vệ những người có nguy cơ mắc bệnh cao nhưng không thể tiêm chủng như trẻ sơ sinh không có miễn dịch, người suy giảm miễn dịch tránh bị phơi nhiễm bằng cách tiêm chủng cho những người trong gia đình, cho những người tiếp xúc gần.

Một số biện pháp phòng thủy đậu bệnh học bao gồm:

  • Tiêm phòng vắc-xin ngừa thủy đậu
  • Cần cách ly trẻ đang bị thủy đậu trong vòng 7 ngày. Những trẻ có tiếp xúc với người bị thủy đậu cần cách ly 11 - 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc.
  • Người lớn mắc bệnh không được đi làm, tránh tiếp xúc với những người khác.
  • Sát khuẩn tẩy uế những đồ vật, dụng cụ bị nhiễm dịch tiết từ mũi họng của người bệnh.

Để có thể phòng tránh virus gây bệnh, khách hàng có thể lựa chọn tiêm phòng vắc-xin ngừa thủy đậu tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, hiện nay, Bệnh viện có cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin thủy đậu Varivax 0,5ml của MSD (Mỹ), được nhập khẩu, bảo quản tại hệ thống kho lạnh hiện đại, với dây chuyền bảo quản lạnh đạt tiêu chuẩn GSP.

Ngoài ra, khi lựa chọn dịch vụ tiêm chủng tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, khách hàng sẽ được tư vấn về cụ thể về loại vắc-xin, thăm khám sức khỏe và theo dõi sau khi tiến hành tiêm chủng bởi đội ngũ bác sĩ và điều dưỡng nhi giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp, hiểu tâm lý trẻ và áp dụng cách giảm đau hiệu quả cho trẻ trong quá trình tiêm chủng. Đặc biệt, khách hàng sẽ nhận được tin nhắn nhắc lịch trước ngày tiêm và thông tin tiêm chủng được đồng bộ với hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan