Thảo dược thiên ma có tác dụng gì?

Trong Đông y, thiên ma là vị thuốc quý được sử dụng từ rất lâu đời trong điều trị các chứng đau đầu, méo miệng, liệt nửa người... Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng vị thuốc thiên ma để mang lại hiệu quả tốt nhất.

1. Thiên ma là thuốc gì?

Thiên ma có tên khoa học Gastrodia Elata Blume thuộc họ Lan (Orchidaceae). Bộ phận được sử dụng để làm thuốc là thân rễ cây.

Một vài đặc điểm nhận dạng và cách thu hái chế biến thảo dược thiên ma nhu sau:

  • Đặc điểm cây thiên ma: Thiên ma là một loài thực vật khá đặc biệt, không chứa chất diệp lục, toàn cây có màu vàng đỏ, thân cây giống như mũi tên vươn thẳng lên, lá nhỏ hình vảy cá. Rễ cây thiên ma hình bầu dục, mặt ngoài trắng hoặc vàng nhạt, thẳng đứng giống hình chân người.
  • Cây thiên ma mọc nhiều ở các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Tại Việt Nam, cây thiên ma chủ yếu được tìm thấy ở các tỉnh vùng núi như Hoà Bình, Lạng Sơn...
  • Cây thiên ma được thu hoạch vào mùa đông hoặc xuân. Người ta thu hoạch thân rễ của cây thiên ma, sau đó đem rửa sạch, bỏ vỏ rễ rồi luộc, hầm hoặc nướng chín. Thái lát, phơi khô, rồi cho vào túi để bảo quản.
  • Một số thành phần hóa học được tìm thấy trong thiên ma gồm gastrodin, alkaloid, vitamin A, vanillyl và alcohol...

2. Thảo dược thiên ma có tác dụng gì?

Trong Y Học Cổ Truyền, thiên ma có vị ngọt, tính ấm, quy kinh can. Có tác dụng bình can tức phong, chỉ thống. Dùng để chữa các chứng can phong nội động gây ra trúng phong tạng phủ với biểu hiện méo miệng, liệt nửa người; can dương thượng cang gây ra hoa mắt, chóng mặt, đau đầu; chữa đau nhức xương khớp, tê bì do phong tà.

Còn đối với Y Học Hiện Đại, thảo dược thiên ma có tác dụng như sau:

  • Giúp giảm đau nhức xương khớp, đau đầu.
  • Có tác dụng an thần và chống co giật.
  • Giúp tăng cường lưu lượng máu đến các cơ quan như tim và não để cải thiện trí nhớ, hạ huyết áp, làm chậm nhịp tim. Một số nghiên cứu cho thấy các hoạt chất trong vị thuốc thiên ma giúp tăng sức chịu đựng với sự thiếu oxy trên động vật thí nghiệm.
  • Có tác dụng chống oxy hóa, ức chế sự tăng sinh tế bào khối u.
  • Những hoạt chất trong thiên ma giúp tăng hoạt động của tế bào đại thực bào và có tác dụng điều hòa hoạt động hệ thống miễn dịch.
  • Một số nghiên cứu việc sử dụng thiên ma trong lĩnh vực thẩm mỹ bởi nó có thể giúp dưỡng ẩm da, chống oxy hóa.
  • Ngoài ra, thiên ma cũng có một số tác động tương tự như hormone estrogen, giúp điều trị chứng đau bụng kinh, mãn kinh sớm...
vị thuốc thiên ma
Thiên ma là vị thuốc quý được sử dụng từ rất lâu đời

3. Một số bài thuốc thiên ma để điều trị bệnh

Bài thuốc chữa đau khớp, tê và khó cử động do bệnh phong hàn thấp:

  • Bài thuốc 1: 12g thiên ma, 6g nhũ hương, 12g ngưu tất và 4g toàn yết đem nghiền thành bột mịn. Sau đó trộn hồ, hoàn viên uống. Hoặc có thể dùng bài thuốc này đem sắc lấy nước uống.
  • Bài thuốc 2: 12g thiên ma, 12g phụ tử, 12g đỗ trọng, 12g tỳ giải và 12g ngưu tất, 16g huyền sâm, 12g đương quy và 12g sinh địa hoàng. Tất cả các vị thuốc đem nghiền bột mịn, trộn với mật ong, làm thành viên hoàn. Mỗi ngày uống 3 lần, mỗi lần uống khoảng 8 gram

Bài thuốc điều trị chứng đau đầu, hoa mắt:

  • Dùng bài thiên ma hoàn liều 20 gram thiên ma, 6 gram xuyên khung đem tán mịn và chế thành hoàn. Mỗi ngày uống 3 lần và mỗi lần uống 4 đến 8 gram. Uống liên tục để giúp chữa hoa mắt, thiên đầu thống và váng đầu

Bài thuốc chữa chứng đau đầu, hoa mắt do phong đàm:

  • Thiên ma 12g, bán hạ 12g, bạch truật 12g, bạch phục linh 12g, quất hồng bì 8g, cam thảo 4g. Sắc uống chia 3 lần mỗi ngày.

4. Lưu ý khi sử dụng thiên ma chữa bệnh

Khi dùng dược liệu thiên ma để chữa bệnh, cần phải lưu ý những điều sau:

  • Phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú, người huyết hư không nên dùng thiên ma chữa bệnh. Hiện chưa có nghiên cứu chứng minh an toàn ở những người mang thai và cho con bú.

  • Do nghiên cứu thấy có những tác động tương tự như hormon giới tính. Vì vậy, không dùng thiên ma khi bị ung thư vú, lạc nội mạc tử cung, ung thư buồng trứng,...
  • Thiên ma có thể làm giảm tác dụng của một số loại thuốc tân dược như Atorvastatin, Erythromycin, Carbamazepine, Acetaminophen, Methyldopa... Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng không nên dùng chung thiên ma với các chế phẩm có thể chuyển hóa qua gan như Amitriptyline, Tramadol, Codein, Fluoxetine, Ondansetron, Fentanyl,...
  • Thiên ma dùng liều từ 3 đến 10g mỗi ngày, nếu sử dụng không đúng liều lượng và thời gian có thể gây các tác dụng phụ như giảm cân, chuột rút, xuất huyết âm đạo, đau dạ dày,...
  • Đây được coi như một vị thuốc điều trị nên không dùng kéo dài liên tục, dừng khi bệnh đã thuyên giảm. Trường hợp bệnh không giảm nên thăm khám để biết tình trạng cụ thể.

Như vậy, thiên ma được dùng trong nhiều chứng bệnh, đặc biệt là điều trị chứng đau đầu. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng vị thuốc thiên ma đúng cách, vì vậy người dùng cần tư vấn thầy thuốc để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan