Vị thuốc tang thầm: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Nguyễn Văn Đức - Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Trung tâm Y Học Cổ Truyền Vinmec - Sao Phương Đông

Tang thầm là tên gọi của một vị thuốc Đông y để chỉ quả dâu tằm chín. Vị thuốc tang thầm được dùng trong nhiều loại trà chữa đau lưng mỏi gối, mất ngủ, râu tóc bạc sớm, táo bón... và là loại đồ uống thơm ngon bổ dưỡng, đặc biệt trong mùa hè.

1. Tang thầm là cây gì?

Tang thầm hay còn gọi là quả dâu tằm, tang thực, tang táo, ô thầm, hắc thầm..., có tên khoa học là Morus alba, họ Dâu tằm Moraceae Theo quan niệm Đông y, tang thầm là một vị thuốc trong Y Học Cổ Truyền có tác dụng bổ can ích thận, tăng sinh dịch cơ thể, chống khát, nhuận tràng.

Cây tang thầm thuộc loại cây thân gỗ, cây cao từ 2 đến 3m, lá dâu tằm có hình bầu dục, lá nguyên hoặc lá được chia làm 3 thùy, đầu lá hơi tù hoặc nhọn, lá mọc so le với nhau. Cây tang thầm thường ra hoa vào khoảng tháng 4 – 5, kết quả vào tháng 5 – 7 hàng năm.

Quả dâu chín mọng nước, dài 1- 3cm, đường kính 7 - 10 mm, hình trứng, mọc từ trong các lá đài. Cuống của quả dâu chín dài khoảng 1 – 1,5 mm, mặt ngoài không nhẵn. Khi còn non, quả tang thầm có màu trắng xanh, khi quả dâu chín sẽ chuyển sang màu đỏ hồng, sau đó có thể chuyển sang màu đen sẫm. Quả dâu chín có mùi thơm và vị chua ngọt.

tang thầm
Tang thầm hay còn gọi là quả dâu tằm

2. Phân bố và thu hái vị thuốc tang thầm

Cây dâu tằm thường ưa mọc ở nơi ẩm và sáng, do đó dâu tằm thường được trồng trên diện tích lớn ở bãi sông, các vùng đất bằng phẳng hoặc trồng trên cao nguyên. Ở Việt Nam và Trung Quốc, cây dâu tằm được trồng khắp nơi để lấy lá nuôi tằm, lấy quả dùng làm vị thuốc tang thầm.

Mùa thu hoạch quả dâu chín là vào cuối mùa xuân, đầu mùa hè. Khi thu hái vị thuốc tang thầm ta thường chọn những quả dâu chín, lành lặn (tránh dập nát), loại bỏ bụi bẩn bằng nước sạch thật nhẹ nhàng, sau đó đem phơi, sấy thật khô rồi bảo quản trong lọ kín, tốt nhất là lo làm bằng sành hoặc ngâm với đường.

Sử dụng tang thầm ngày dùng 2 lần, mỗi lần 10 - 15g vị thuốc tang thầm đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút uống thay trà. Có thể phối hợp tang thầm với các vị thuốc khác để nâng cao hiệu quả điều trị bệnh tật.

Tang thầm hoàn toàn có thể được dùng để ăn sống như một loại trái cây bổ dương, ngâm rượu, làm mứt hoặc ngâm với đường chế biến các loại nước giải khát mùa hè. Ngoài ra, tang thầm còn được sử dụng dưới dạng trà, còn gọi là trà tang thầm.

3. Tác dụng của tang thầm là gì?

Quả dâu tằm có chứa Anthocyanin (sắc tố tạo ra màu đỏ của quả chín), glucose, fructose, vitamin B1, vitamin C, tanin, protid và các loại acid hữu cơ.

Theo quan điểm Đông y, vị thuốc tang thầm vị chua ngọt, tính lạnh, có tác dụng bổ âm và tạo máu dưỡng huyết, tang thầm còn bổ can ích thận, tăng sinh dịch cơ thể, chống khát nước, nhuận tràng, chữa các chứng bệnh do can thận bất túc.

Vị thuốc tang thầm chữa chứng huyết hư sinh phong gây ra: choáng, mắt hoa, đau lưng mỏi gối, tai điếc, tai ù, chữa râu tóc bạc sớm, làm đen râu tóc và trừ phong thấp, trị mất ngủ, ngủ hay mê, đái tháo đường, táo bón, chữa trị các khớp vận động khó khăn, run chân tay, liệt nửa người do nhũn não.

Quả dâu chín giúp tinh thần thanh sáng an bình, an thần trấn tĩnh, trí tuệ minh mẫn, âm khí hồi phục, râu tóc đen lại, trường thọ, làm cho tinh khí vững chắc, đen tóc, sáng mắt.

tang thầm
Vị thuốc tang thầm chữa chứng huyết hư sinh phong gây ra: choáng, mắt hoa

4. Các bài thuốc trị bệnh được bào chế từ tang thầm

  • Tang thầm chữa thiếu máu, da xanh, mất ngủ, chóng mặt: sử dụng quả tang thầm thêm siro vào ngâm hay ngâm rượu. Ngoài ra còn có thể dùng 10g tang thầm, 10g câu kỷ tử, 10g hà thủ ô đỏ, 10g nhân hạt táo rồi đem tất cả đi sắc nước uống.
  • Vị thuốc chữa mất ngủ: 15g tang thầm, 15g bạch thược, 15g thục địa hoặc chỉ dùng 15g tang thầm và 12g táo nhân sau đó đem sắc nước và uống trong ngày.
  • Tang thầm trị ra mồ hôi trộm: Lấy 10g tang thầm và 10g, ngũ vị tử mỗi loại đem đi sắc nước uống trong ngày.
  • Tang thầm chữa chậm tiêu: bài thuốc gồm có 10g tang thầm, 6g bạch truật sắc nước uống trong ngày.
  • Choáng, mắt hoa: Lấy 15g dâu tằm, 15g kỷ tử, 15g đại táo sắc nước uống trong ngày.
  • Tang thầm chữa thiếu máu: bài thuốc gồm các loại dược liệu theo liều lượng là 15g tang thầm, 12g thỏ ty tử, 12g nữ trinh tử, 12g kỷ tử, 8g tiên linh tỳ, 8g thục địa, 8g phá cố chỉ, đem tất cả các vị thuốc kể trên đi sắc uống trong ngày.
  • Chữa cao huyết áp: sắc thuốc gồm các vị như sau 15g tang thầm, 15g cát căn, 8g hoàng cầm, 8g cúc hoa, 8g tiểu kế.
  • Chữa râu tóc bạc sớm: 15g tang thầm, 15g hà thủ ô, 15g nữ trinh tử và 10g cỏ nhọ nồi sắc lấy nước uống.
  • Bài thuốc chữa táo bón: 15g tang thầm, 15g nhục dung, 15g vừng đen và 8g chỉ xác sao.
  • Trị bế kinh: 15g tang thầm, 3g hồng hoa, 12g kê huyết đằng.

Tuy có rất nhiều tác dụng nhưng vị thuốc tang thầm có tính lạnh, tác dụng nhuận tràng, do đó không nên dùng cho những người bị rối loạn tiêu hóa, hay đi tiêu lỏng do tỳ vị hư yếu, không nên dùng cho người đang cảm mạo, ho do phong hàn. Khi pha trà tang thầm tuyệt đối không được dùng ấm chén bằng kim loại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan