Vị trí và tác dụng huyệt côn lôn

Trên cơ thể người có rất nhiều huyệt đạo với các công dụng khác nhau. Huyệt côn lôn là một huyệt ở gót chân thường được sử dụng trong y học. Vậy huyệt côn lôn là gì? Tác dụng huyệt côn lôn như thế nào sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.

1. Huyệt Côn Lôn là gì? Vị trí huyệt Côn Lôn

Trên cơ thể người, có rất nhiều huyệt đạo nằm ở khắp mọi nơi. Tùy vào vai trò, vị trí mà chúng có những tên gọi khác nhau.

Bàng Quang Kinh có 60 huyệt đạo, trong đó không thể không kể đến đó là huyệt Côn Lôn. Đây là huyệt đạo nằm ở gót chân có hình dáng giống như hình ngọn núi. Ngoài tên gọi là Côn Lôn, huyệt còn có tên gọi là Hạ Côn Lôn, Côn Luân, Hạ Côn Luân. Huyệt Côn Lôn có nguồn gốc từ Thiên “Bản Du” và thuộc hành Hỏa (theo Y Học Cổ Truyền).

Việc xác định vị trí huyệt Côn Lôn không quá khó. Vị trí huyệt Côn Lôn được xác định theo các bước như sau: xác định giao điểm của bờ ngoài gót chân với đường thẳng kéo dài từ nơi cao nhất của mắt cá chân. Điểm nằm giữa khe gân cơ mác bên ngắn và gân cơ mác bên dài, trước gân gót chân và sau đầu dưới của xương chày chính là huyệt Côn Lôn cần xác định.

Ngoài ra, huyệt Côn Lôn còn được xác định bằng cách khác đơn giản hơn. Tìm vị trí chỗ lõm giữa bờ ngoài gót chân và đỉnh mắt cá chân ngoài, xuống 1 thốn là vị trí huyệt Côn Lôn. Thốn là độ dài đốt giữa của ngón tay trỏ, nó còn có tên gọi khác là tấc.

Huyệt côn lôn
Huyệt côn lôn là một huyệt ở gót chân thường được sử dụng trong y học

2. Tác dụng của huyệt côn lôn

Côn Lôn huyệt là huyệt vị có vai trò quan trọng, được đánh giá cao trong việc điều trị bệnh. Chính vì vậy, trong một số bệnh lý, người ta có thể tác động lên huyệt để điều trị bệnh. Vậy, tác dụng huyệt Côn Lôn đối với sức khỏe con người như thế nào?

  • Tác dụng tại chỗ: giúp chữa sưng, đau ở khớp cổ chân.
  • Tác dụng toàn thân: huyệt côn lôn có tác dụng hỗ trợ điều trị đẻ khó, phụ nữ sót rau, trẻ em kinh giật.
  • Công dụng theo Kinh: huyệt đạo này giúp chữa đau rút lưng vai. Điều trị cho bệnh nhân không cúi người được do đau thắt lưng, cứng cổ gáy, đau thần kinh hông, hoa mắt, đau đầu, chảy máu mũi,....

Bên cạnh đó, có thể phối hợp huyệt Côn Lôn với các huyệt đạo khác để nâng cao hiệu quả điều trị. Các huyệt đạo có thể phối hợp gồm:

  • Kết hợp huyệt Côn Lôn, Khúc Tuyền, Phi Dương, Thông Lý, Thiếu Trạch, Tiền Cốc giúp chữa đau đầu, choáng váng
  • Kết hợp huyệt Côn Lôn, Ủy Trung chữa đau thắt lưng đến vai.
  • Phối hợp huyệt Côn Lôn, Thái Khê, Dương Khê điều trị sưng mắt đỏ.
  • Điều trị bệnh lưng đau và sưng: phối hợp huyệt Côn Lôn, Thái Xung, Chương Môn, Thông Lý, Uỷ Trung.
  • Huyệt Côn Lôn, Thái Khê, Thái Xung: điều trị phù thế âm ở trẻ nhỏ:
  • Điều trị hen suyễn ở trẻ em: huyệt Côn Lôn, Lăng Tuyền, Thần Môn, Túc Lâm Khấp.
  • Điều trị đau nhức gót chân: huyệt Côn Lôn, Chiếu Hải, Thái Khư, Thương Khâu.
  • Phối hợp huyệt Côn Lôn, Hợp Cốc, Phục Lưu: điều trị bệnh đau hai bên xương sống, không co duỗi được
  • Điều trị co quắp năm ngón tay: phối hợp huyệt Côn Lôn, Dương Cốc, Uyển Cốt.
  • Điều trị chấn thương ở lưng: huyệt Côn Lôn, huyệt Chi Câu, Dương Lăng Tuyền, Nhân Trung, Thúc Cốt, Ủy Trung, Xích Trạch.
  • Điều trị sưng phù chân: huyệt Côn Lôn, Thái Khê, Thân Mạch.
  • Điều trị đau mắt cá chân: huyệt Côn Lôn, Thái Khê, Tuyệt Cốt.
  • Phối huyệt Côn Lôn, Thừa Sơn: điều trị hoa mắt.
  • Điều trị mụn nhọt, mẩn ngứa: phối hợp huyệt Côn Lôn, Chí Âm, Thông Cốc, Thúc Cốt, Ủy Trung.
  • Điều trị đau họng: huyệt Côn Lôn, Bộc Tham.

3. Các cách tác động lên huyệt Côn Lôn

Huyệt Côn Lôn có rất nhiều công dụng, do đó việc tác động lên huyệt có ý nghĩa cao trong điều trị bệnh. Các cách thường được sử dụng là bấm huyệtchâm cứu. Trong đó châm cứu thường được áp dụng nhiều hơn bấm huyệt.

3.1.Cách châm cứu huyệt Côn Lôn

Trước khi châm cứu, khử trùng kim châm và các dụng cụ cần thiết. Để bệnh nhân ngồi tựa lưng hoặc nằm với tư thế thoải mái nhất và xác định vị trí huyệt đạo. Sau đó tiến hành châm cứu từ 0.3 đến 0.5 tấc, hướng mũi kim về mắt cá chân. Thời gian châm cứu từ 5 đến 10 phút.

Huyệt côn lôn
Huyệt Côn Lôn giúp chữa sưng, đau ở khớp cổ chân

3.2.Cách bấm huyệt Côn Lôn

  • Trước khi bấm huyệt, dùng ngón tay day ấn nơi bị đau từ 3 đến 5 phút.
  • Sau đó dùng ngón tay cái bấm huyệt Tam Âm Giao, huyệt Thừa Sơn, huyệt Côn Lôn, huyệt Giải Khê khoảng 2 đến 3 phút.
  • Miết vị trí 1/3 từ cẳng chân đến gân gót chân.
  • Sử dụng ba ngón tay: ngón cái, trỏ và giữa để day, bóp xung quanh gót chân.
  • Trong lúc bấm huyệt, xoay khớp mắt cá chân theo hướng ngược và thuận kim đồng hồ 3-5 phút. Cùng với đó, chà xát phía trong và ngoài gót chân cho đến khi cảm thấy nóng.
  • Day chỗ đau khoảng 30 giây nữa.

4. Những điều cần lưu ý khi bấm huyệt và châm cứu huyệt Côn Lôn

  • Sử dụng một lực đủ mạnh với độ sâu vừa phải nhằm đả thông kinh mạch, tăng cường khí huyết.
  • Tại những vị trí có vết lở loét hoặc tổn thương không day, ấn hay châm cứu.
  • Không bấm huyệt, châm cứu huyệt Côn Lôn với phụ nữ mang thai vì có thể kích thích sinh non.
  • Sát khuẩn, vệ sinh tay, dụng cụ sạch sẽ để tránh bội nhiễm vi khuẩn.
  • Không tự ý châm cứu tại nhà vì có thể xác định sai huyệt dụng cụ không đảm bảo và kĩ thuật sai.
  • Nên lựa chọn bệnh viện hay trung tâm châm cứu, bấm huyệt uy tín.

Như vậy, huyệt côn lôn có ý nghĩa rất quan trọng trong y học. Nó giúp điều trị các bệnh về xương khớp, thần kinh, cơ... Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức bổ ích về huyệt côn lôn và các châm cứu, bấm huyệt hiệu quả.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

16.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan