Bài tập thể dục cho bệnh gout là một trong những cách giúp cải thiện tình trạng bệnh giúp người bệnh giảm đau, cải thiện chức năng khớp và kiểm soát cân nặng. Tuy nhiên, không phải bài tập nào cũng phù hợp với người mắc gout, vì vậy người bệnh cần chọn những bài tập nhẹ nhàng, an toàn để tránh làm tổn thương khớp.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Những điều cần biết về bệnh gout
Bệnh gout là một dạng viêm khớp phát sinh khi nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao. Axit uric là một chất tồn tại tự nhiên và thường được loại bỏ qua nước tiểu bởi thận. Khi có quá nhiều axit uric trong cơ thể, các tinh thể axit uric có thể tích tụ trong các khớp, dẫn đến các triệu chứng như đau, sưng đỏ tại khu vực khớp, gân và mô xung quanh. Bệnh gout thường xảy ra ở các chi dưới.

Nếu không được điều trị, bệnh gout có thể gây tổn thương khớp không thể phục hồi, dẫn đến mãn tính và biến dạng khớp. Khi người bệnh cảm thấy đau sẽ thường giảm hoạt động, dẫn đến giảm khả năng vận động, suy giảm cơ bắp và cứng khớp.
Ngoài ra, bệnh gout có mối liên quan mật thiết đến béo phì và tăng cân, đặc biệt là khi có lượng mỡ nội tạng cao. Nguy cơ này tăng theo độ tuổi và cũng được kích thích bởi việc tiêu thụ thực phẩm giàu purine như thịt, hải sản. Uống rượu và tiêu thụ đồ uống giàu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout.
Để đối phó với tình trạng béo phì và tăng cân, giảm cân được coi là biện pháp quản lý và kiểm soát bệnh gout. Tuy nhiên, không phải tất cả các phương pháp giảm cân đều phù hợp. Chẳng hạn, chế độ ăn keto không được khuyến khích cho người mắc bệnh gout vì có thể làm tăng axit uric trong cơ thể.
Các nghiên cứu cho thấy, hoạt động thể chất ở mức độ nhẹ đến trung bình ảnh hưởng tích cực đến axit uric trong huyết thanh, trong khi hoạt động cường độ cao có thể làm tăng nguy cơ. Do đó, bài tập thể dục cho bệnh gout ở mức độ vừa phải cùng việc điều chỉnh chế độ ăn có thể hỗ trợ kiểm soát axit uric và ngăn chặn các cơn gout.

2. Các bài tập thể dục cho bệnh gout
Các bài tập tác động lên hệ tim mạch là phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát nồng độ axit uric và hỗ trợ kiểm soát cân nặng của cơ thể. Các loại bài tập này bao gồm đi bộ, đạp xe và bơi lội.
Đối với người bị gout cấp tính nhiều lần, các khớp có thể bị tổn thương vĩnh viễn, gây hạn chế vận động. Do đó, các bài tập như bơi lội và thể dục nhịp điệu dưới nước rất có ích vì giúp giảm áp lực lên khớp.
Các bài tập linh hoạt như yoga cũng có thể giúp cải thiện khả năng vận động và giảm đau do gout. Tập luyện sức mạnh còn hỗ trợ kiểm soát các bệnh về khớp khác như thoái hoá khớp và viêm khớp dạng thấp. Vì nhiều người bị gout thường có sức mạnh chi dưới suy giảm, việc rèn luyện sức mạnh cho vùng này là cần thiết và có thể giúp hoàn thiện kế hoạch tập luyện.
Thực hiện các bài tập thể dục cho bệnh gout ở cường độ vừa phải có thể cải thiện triệu chứng, tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ tái phát. Không cần phải thực hiện những bài tập nặng nề; chỉ cần dành một ít thời gian mỗi ngày cho việc vận động cũng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe cho người bệnh.
3. Có nên tập luyện trong lúc bị bệnh hay không?
Để quản lý bệnh gout hiệu quả, tốt nhất là tránh tập thể dục khi đang đau do gout. Thay vào đó, người bệnh cần tập trung vận động ở giữa các đợt bùng phát. Trong thời gian gout tái phát, hãy nghỉ ngơi, chườm lạnh và nâng cao chân để giảm đau nếu cơn đau tập trung ở các khớp ở phía dưới cơ thể.
Giai đoạn cấp tính của bệnh là lúc tình trạng viêm diễn ra mạnh mẽ nhất. Bên cạnh đó, tăng hoạt động ở các khớp bị đau có thể làm tăng tình trạng viêm. Vì vậy, việc thực hiện các hoạt động nặng như đứng, đi lại có thể gây thêm đau đớn.
Điều trị ngay lập tức các cơn gout là rất cần thiết để kiểm soát viêm và giảm nồng độ axit uric. Bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc chống viêm như NSAID và thuốc giảm axit uric như Allopurinol sau khi cơn gout đã thuyên giảm.
Ngoài ra, hạn chế hoạt động nặng ở khớp bị đau có thể giúp giảm viêm. Tuy nhiên, người bệnh gout vẫn nên vận động và thực hiện các bài tập thể dục cho bệnh gout nhẹ nhàng, không gây áp lực lên khớp, không làm tăng cảm giác đau. Những bài tập này có thể hỗ trợ hiệu quả trong việc giảm viêm.
Tóm lại, việc duy trì một lịch trình tập thể dục ổn định với cường độ từ thấp đến trung bình sẽ có lợi hơn cho những người mắc bệnh gout so với những người ít vận động hoặc tập luyện với cường độ cao. Điều này có tác động tích cực trước, trong và sau khi có các đợt bùng phát bệnh.
4. Làm thế nào để tập luyện thể dục sau khi bệnh bùng phát?
Khi quay trở lại hoạt động thể dục sau cơn gout cấp tính, điều quan trọng là người bệnh cần dành thời gian để dần hồi phục và trở lại với các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Nếu trước đó bệnh nhân thường chạy, có thể bắt đầu bằng các bài tập cường độ thấp đến trung bình như đi bộ hoặc đạp xe.

Hạn chế các bài tập thể dục cho bệnh gout có tác động lớn đến khớp như nhảy dây và nhảy plyometric, đặc biệt là sau khi vừa trải qua cơn gout cấp tính. Tránh các bài tập cường độ cao là lựa chọn an toàn cho người bị gout vì có thể làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể và dễ gây tái phát cơn gout.
Các hoạt động cường độ cao như chạy nước rút, luyện tập HIIT và đạp xe cường độ cao không phù hợp cho bệnh nhân gout vì có thể làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.