Bệnh gout ở gót chân là một dạng viêm khớp phổ biến, gây ra bởi sự tích tụ của các tinh thể axit uric trong khớp, dẫn đến đau đớn và sưng tấy. Gout thường ảnh hưởng đến ngón chân cái nhưng cũng có thể xuất hiện ở gót chân, gây khó khăn trong việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh gout và cái nhìn tổng quan
Bệnh gout (Gút) hình thành do sự kết tinh của axit uric tích tụ trong khớp và gây đau dữ dội. Bệnh thường bùng phát do một số nguyên nhân khác nhau, tuy nhiên các cơn đau sẽ suy giảm và biến mất sau một khoảng thời gian.
Bệnh gout có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp khác nhau, trong đó có gót chân của người bệnh. Các đợt bùng phát có thể diễn ra rất nhanh và gây khó chịu, đặc biệt nếu không được điều trị đúng cách.

Ở thời điểm hiện tại, chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm cho bệnh gout. Tuy nhiên, người bệnh có thể quản lí tình trạng bệnh một cách hiệu quả bằng thuốc hoặc các phương pháp khác.
2. Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh gout ở gót chân
2.1 Triệu chứng
Lúc bắt đầu, các đợt bùng phát triệu chứng bệnh gout có thể xảy ra đột ngột và kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Bệnh có thể thuyên giảm trong thời gian dài, tức là vài tháng hoặc vài năm trước khi một đợt bùng phát khác xảy ra.
Giống với các khớp khác như ngón chân cái, mắt cá chân hoặc đầu gối, triệu chứng của bệnh gout ở gót chân bao gồm:
- Đau nhức nhối.
- Sưng, đau gót chân.
- Thay đổi màu da ở khu vực gót chân.
- Cảm giác nóng hoặc rát ở gót.
Nhìn chung, triệu chứng của bệnh gout ở khu vực gót chân cũng giống như bệnh gout thông thường.
2.2 Nguyên nhân
Nguyên nhân của bệnh gout là do tăng axit uric máu - khi một người có quá nhiều axit uric trong cơ thể của mình.
Cơ thể sẽ sản xuất axit uric trong quá trình phân huỷ purin. Purin là một chất hoá học tự nhiên có trong mọi tế bào, đặc biệt là hải sản, thịt đỏ và bia. Khi axit uric tích tụ, chất này tạo thành các tinh thể và tích tụ trong khớp.
Bệnh gout có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, có thể kể đến một số nguyên nhân như:
- Di truyền.
- Rối loạn chức năng thận.
- Ăn quá nhiều thực phẩm chứa purin.
- Tiểu đường.
- Cao huyết áp.
- Béo phì.
Dù vậy, tăng axit uric máu không phải lúc nào cũng gây ra bệnh gout. Nếu người bệnh không bị gout, có thể không cần điều trị tăng axit uric máu.

3. Chẩn đoán và điều trị
3.1 Chẩn đoán
Các bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh gout ở gót chân bằng cách đánh giá các triệu chứng của người bệnh. Ngoài ra, khám sức khoẻ tổng quát và xét nghiệm cũng là những phương pháp chẩn đoán đi kèm.
Các bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một hoặc một số xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm máu: Việc xét nghiệm máu sẽ kiểm tra nồng độ urate, từ đó xác định mức độ tích tụ tinh thể urat ở khớp bị ảnh hưởng.
- Lấy mẫu dịch từ khu vực khớp bị ảnh hưởng để kiểm tra tình trạng tích tụ tinh thể.
- Chụp cắt lớp vi tính 2 lớp năng lượng để có thể phát hiện cặn urat.
Các bác sĩ chỉ có thể chẩn đoán bệnh gout ở gót chân khi người bệnh có các triệu chứng bùng phát, cùng với đó là các xét nghiệm tìm thấy tinh thể axit uric trong khớp.
3.2 Điều trị
Có hai cách để điều trị bệnh gout: Thuốc và thay đổi lối sống.
Các loại thuốc dùng trong quá trình điều trị bệnh gout bao gồm:
- Thuốc chống viêm không steroid: Gồm hai loại, ibuprofen và naproxen. Thông thường, các bác sĩ kê toa thuốc này cho những bệnh nhân dưới 65 tuổi. Nếu bệnh nhân không dùng thuốc làm loãng máu và không có tiền sử xuất huyết, đây là loại thuốc được tin dùng. Điều này là vì thuốc chống viêm không steroid có thể gây xuất huyết nội ở một số người bệnh.
- Colchicine: Colchicine là một loại thuốc chống viêm kê đơn. Thuốc điều trị các triệu chứng đau do bệnh gout nhưng có một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy hoặc nôn mửa.
- Corticosteroid: Corticosteroid là loại thuốc giảm viêm nhanh chóng nhưng tác dụng phụ cũng rất nghiêm trọng.
- Thuốc hạ axit uric: Thuốc này được sử dụng nếu người bệnh trải qua nhiều cơn gout mỗi năm hoặc có dấu hiệu tổn thương gout. Bác sĩ sẽ kê toa thuốc này để giảm nồng độ axit uric, ngăn ngừa gây thêm tổn thương.

Ngoài ra, người bệnh cũng có thể khắc phục và quản lí tình trạng bệnh gout tại nhà. Thay đổi lối sống là một phương pháp để khiến bệnh gout ở gót chân trở nên tốt hơn.
Bác sĩ có thể đề nghị bệnh nhân thay đổi một số thói quen để ngăn ngừa các cơn gout bùng phát. Một số đề nghị bao gồm:
- Tránh các thực phẩm nhiều purin như thịt đỏ và hải sản.
- Hạn chế bia, rượu.
- Duy trì cân nặng vừa phải để giảm áp lực lên khớp, cải thiện tuần hoàn máu.
- Tập thể dục thường xuyên và uống đủ nước để làm loãng máu.
Nếu không được điều trị, bệnh gout ở gót chân có xu hướng kéo dài từ 12 đến 24 giờ. Người bệnh có thể không cần điều trị nhưng sẽ cảm thấy rất đau đớn trong thời gian này.
Nhìn chung, nếu có bất kì triệu chứng nào của bệnh gout, người bệnh nên tới ngay các cơ sở y tế. Việc can thiệp và điều trị sớm bệnh gout sẽ cải thiện chất lượng đời sống của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.