Bệnh Gout ở người trẻ có xu hướng gia tăng, phần lớn là vì lối sống và chế độ ăn uống thiếu lành mạnh, không đủ chất kết hợp với sự căng thẳng trong công việc. Hãy cùng bài viết điểm qua một số yếu tố cần biết về tình trạng này và những biện pháp giúp giảm thiểu triệu chứng, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh Gout ở thanh thiếu niên và trẻ em
Theo nghiên cứu y học, bệnh Gout không thường xuất hiện ở lứa tuổi thanh thiếu niên và càng hiếm hơn ở trẻ em. Đây là căn bệnh viêm khớp do tích tụ axit uric trong cơ thể, thường do chế độ ăn giàu đạm (như thịt) và lối sống ít vận động. Bệnh gout phổ biến nhất ở nam giới trên 40 tuổi. Tuy nhiên, ngày nay, bệnh gout ở người trẻ đang ngày càng gia tăng do lối sống và chế độ ăn uống không lành mạnh.
Ở trẻ em, bệnh gout cực kỳ hiếm và thường liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác như béo phì, hội chứng chuyển hóa hoặc bệnh thận. Di truyền cũng có thể là một yếu tố gây bệnh gout ở trẻ em.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh gout ở người trẻ
Bệnh Gout thường bắt nguồn từ chế độ ăn uống nhiều thịt đỏ, hải sản, uống nhiều bia rượu hoặc nước có đường. Những yếu tố này góp phần làm tăng nguy cơ Axit Uric tích tụ trong máu, hình thành các tinh thể Urat gây viêm. Ở người trẻ tuổi, gout chủ yếu cũng do thói quen ăn uống và sinh hoạt không lành mạnh.

Ở trẻ em, bệnh gout rất hiếm và thường liên quan đến các bệnh lý tiềm ẩn khác. Một số tình trạng sức khỏe có thể gây ra gout ở trẻ em bao gồm Hội chứng Down, rối loạn dự trữ glycogen và nhiễm axit methylmalonic – những tình trạng bệnh này làm cơ thể khó phân hủy một số loại protein hoặc chất béo, dẫn đến tích tụ axit uric.
Các yếu tố rủi ro khác có thể kể đến như:
- Viêm dạ dày ruột.
- Hen phế quản.
- Bệnh tim bẩm sinh.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu và thuốc chống co giật.
3. Các dấu hiệu nhận biết bệnh gout thường gặp
Dấu hiệu nhận biết bệnh gout ở người trẻ thường là đau nhức hoặc sưng đỏ ở một hoặc nhiều khớp. Khi có các triệu chứng này, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định có phải bệnh gout hay không.
Ở trẻ em, nếu thấy dấu hiệu như đau nhức xương khớp hoặc sưng đỏ ở ngón chân cái, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra. Các phương pháp chẩn đoán bao gồm chụp X-quang, siêu âm, xét nghiệm máu hoặc lấy mẫu tinh thể urat từ khớp bị viêm để kiểm tra.
4. Cách phòng ngừa bệnh gout ở người trẻ và trẻ em
Các cơn gout thường xảy ra bất ngờ, thường vào ban đêm, gây đau đớn và sưng đỏ khớp. Mặc dù không thể dự đoán chính xác khi nào gout sẽ tái phát nhưng vẫn có thể phòng ngừa bệnh, giảm nguy cơ tái phát cơn gout bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống hợp lý và thường xuyên vận động.
Việc phòng ngừa này chủ yếu cần thiết cho người trưởng thành và trung niên vì gout hiếm gặp ở trẻ em. Một lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ở mọi độ tuổi, đặc biệt là với người có nguy cơ cao.
4.1. Duy trì lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh giúp giảm nguy cơ mắc bệnh gout, đặc biệt là ở người trẻ. Chế độ ăn hàng ngày cần hạn chế thịt đỏ và hải sản vì chứa nhiều purine, dễ dẫn đến tích tụ axit uric trong máu. Thay vào đó, nên ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ, hỗ trợ quá trình bài tiết axit uric dễ dàng hơn.

4.2. Các hoạt động thể thao
Hoạt động thể thao cũng là cách hiệu quả để phòng ngừa gout, nhất là với thanh thiếu niên và trẻ em vì nhóm tuổi này thường vận động nhiều. Các môn thể thao như bóng đá, chạy bộ, bơi lội giúp duy trì sức khỏe và giảm nguy cơ tích tụ axit uric trong máu.
Ngoài ra, các nhóm thanh thiếu niên cũng có thể tham gia những hoạt động nâng cao sự dẻo dai của khớp như Yoga, giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương.
4.3. Quản lý stress
Nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra không hề dễ dàng với giới trẻ hiện nay. Có rất nhiều yếu tố dẫn đến sự căng thẳng, vốn là một trong những nguyên nhân kích thích sự phát triển bệnh Gout. Bên cạnh việc tập thể dục, còn phải chú ý thực hành kỹ thuật thở và thư giãn để giữ cho đầu óc bớt căng thẳng.
Quản lý thời gian một cách hiệu quả, dành thời gian chăm sóc bản thân và có kế hoạch làm việc, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giúp ích rất nhiều cho người bệnh.

4.4. Thường xuyên khám sức khỏe tổng quát
Việc duy trì khám sức khỏe tổng quát 6 tháng đến 1 năm một lần cũng giúp phát hiện ra các loại bệnh khác nhau đang ở giai đoạn ủ bệnh (nếu có), trong đó bao gồm cả bệnh Gout.
Những căn bệnh như tiểu đường, tăng huyết áp hay nhồi máu cơ tim cũng tăng nguy cơ mắc Gout, vì vậy, người bệnh nên kiểm tra và điều trị sớm để giảm nguy cơ phát triển Gout. Điều này cũng giúp duy trì sức khỏe cho các hoạt động công việc và giải trí hàng ngày.
Nhìn chung, bệnh Gout ở người trẻ hiện tại đang là một vấn đề ngày càng trở nên phổ biến hơn do lối sống của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Do đó nếu phát hiện bất kì dấu hiệu hay triệu chứng nào nghi ngờ là bệnh Gout, cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để có được những nhận định chính xác nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.