Nhồi máu cơ tim là tình trạng thường gặp ở độ tuổi trung niên và để lại hậu quả, biến chứng đáng lo ngại. Hãy cùng tìm hiểu xem những ai có nguy cơ cao mắc phải căn bệnh này và nhồi máu cơ tim có di truyền không?
1. Bệnh nhồi máu cơ tim là gì?
Tim có nhiệm vụ bơm máu đi nuôi cơ thể, tim được nuôi dưỡng bởi hệ thống động mạch vành. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi có sự tắc toàn toàn hoặc 1 phần của động mạch, dẫn đến tim không được cung cấp đủ máu nuôi dưỡng. Nếu 1 vùng cơ tim bị chết do thiếu máu sẽ ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim, gây ra các hậu quả nghiêm trọng như suy tim, đột tử và sốc tim, ...
Triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim là khó thở và đau thắt ngực. Ngoài ra, các triệu chứng khác mà bệnh nhân có thể gặp phải như: Hồi hộp, đánh trống ngực, vã mồ hôi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn, tụt huyết áp, tăng huyết áp, tay chân lạnh và ẩm, hoảng sợ, lo lắng, kích thích, ngất và đột tử, ...
2. Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch nói chung và nhồi máu cơ tim nói riêng được chia thành 3 nhóm là: Yếu tố nguy cơ chính, yếu tố nguy cơ có thể thay đổi và yếu tố nguy cơ góp phần. Nhận biết được các yếu tố nguy cơ giúp người bệnh có thể kiểm soát và giữ chúng ở mức thấp, giúp dự phòng sớm nhồi máu cơ tim.
2.1 Yếu tố nguy cơ chính
Đây là những yếu tố không thay đổi được và làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch, chúng bao gồm:
- Tuổi tác: Tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng lớn, phần lớn người tử vong do bệnh tim mạch vành là trên 65 tuổi.
- Giới tính: Đàn ông có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn và sớm hơn so với phụ nữ.
- Di truyền: Những người có cha mẹ mắc bệnh tim mạch sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn.
- Chủng tộc: Người Mỹ gốc phi và gốc Á bị tăng huyết áp nặng hơn và có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn người gốc Âu. Điều này cũng do tỉ lệ béo phì và tiểu đường cao hơn.
2.2 Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
Những yếu tố này có thể được cải thiện, điều trị hoặc kiểm soát bằng cách thay đổi lối sống hoặc dùng thuốc. Chúng bao gồm:
- Hút thuốc lá: Những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành cao hơn so với người không hút.
- Cholesterol máu cao: Nồng độ Cholesterol trong máu bị ảnh hưởng bởi tuổi, giới, di truyền, chế độ ăn. Cholesterol trong máu tăng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.
- Tăng huyết áp: Làm tăng gánh nặng lên tim, dẫn đến cơ tim dày lên và cứng hơn. Tăng huyết áp còn làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy thận, nhồi máu cơ tim và suy tim sung huyết. Khi có tăng huyết áp cùng với các yếu tố nguy cơ khác như hút thuốc lá, béo phì, cholesterol máu cao và tiểu đường, ... thì nguy cơ xảy ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ cao hơn.
- Ít vận động thể lực: Lối sống tĩnh tại là yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Hoạt động thể lực đều đặn với cường độ hợp lý giúp kiểm soát lượng Cholesterol máu, giảm huyết áp, tiểu đường, thừa cân – béo phì, từ đó giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và suy tim, ...
- Thừa cân và béo phì: Người có thừa cân – béo phì và các yếu tố nguy cơ khác có thể giảm cân để giảm các yếu tố nguy cơ như đường máu, triglyceride, ... và giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch vành.
- Tiểu đường: Làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch cho dù đã kiểm soát nồng độ glucose máu.
2.3 Yếu tố nguy cơ góp phần
Những yếu tố này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nhưng tỉ lệ và mức độ chưa được xác định. Chúng bao gồm:
- Căng thẳng: Phản ứng của cơ thể với những căng thẳng có thể góp phần gây nhồi máu cơ tim.
- Rượu bia: Tiêu thụ nhiều rượu bia có thể dẫn đến tăng huyết áp và bệnh cơ tim, đột quỵ và ung thư, ...
- Chế độ ăn uống: Chế độ ăn giàu Cholesterol góp phần vào sự hình thành và tích lũy mảng xơ vữa trong lòng động mạch vành.
3. Nhồi máu cơ tim có di truyền không?
Nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch thường gặp ở Việt Nam, có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Khi xảy ra, nó để có thể để lại hậu quả và biến chứng nặng nề cho người bệnh. Vì vậy, khi có người thân trong gia đình gặp tình trạng này, không ít người lo lắng liệu rằng “nhồi máu cơ tim có di truyền không?”.
Nhồi máu cơ tim là một biến cố tim mạch, là hậu quả của các bệnh như xơ vữa mạch vành, tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, huyết khối và suy tĩnh mạch, ... Nhồi máu cơ tim có yếu tố gia đình, có nghĩa là khi có bố mẹ, anh chị bị bệnh tim mạch sớm thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Do đó, khi có người thân trong gia đình bị nhồi máu cơ tim, thì các thành viên còn lại nên kiểm tra sức khỏe tim mạch thường xuyên, làm các xét nghiệm mỡ máu, tầm soát đái tháo đường để xem xét có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh hay không. Điều này giúp phát hiện sớm tình trạng xơ vữa động mạch, rối loạn lipid máu và có biện pháp phòng ngừa, điều trị hiệu quả để làm chậm diễn tiến hoặc ngăn ngừa bệnh xảy ra.
4. Các biện pháp dự phòng bệnh nhồi máu cơ tim
Trong một số trường hợp, nhồi máu cơ tim xảy ra lần đầu tiên có thể để lại hậu quả nặng nề như tàn tật hoặc thậm chí tử vong. Vì vậy, dự phòng nhồi máu cơ tim rất quan trọng và nên bắt đầu bằng đánh giá nguy cơ, sau đó lập kế hoạch để giảm thiểu, duy trì các yếu tố nguy cơ ở mức thấp. Điều này bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng tốt cho tim mạch: Trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại cá, thịt nạc, các loại hạt, dầu oliu, ... là những thực phẩm giúp tăng cường sức khỏe tim mạch. Nên hạn chế sử dụng thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ngọt, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ, ... vì chúng góp phần hình thành và tích tụ mảng xơ vữa trong mạch máu. Thêm vào đó, cần hạn chế muối trong chế độ ăn, không sử dụng quá một thìa cà phê muối/ ngày vì ăn mặn là yếu tố nguy cơ làm tăng huyết áp.
- Hoạt động thể lực: Tập thể dục 30 – 45 phút/ngày giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm Cholesterol xấu, giảm huyết áp. Có thể lựa các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, yoga, thiền, ...
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân – béo phì sẽ làm căng thẳng thêm cho tim mạch. Nếu có thừa cân – béo phì chỉ cần giảm 5 – 10% cân nặng sẽ có thể giảm huyết áp, Cholesterol, giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
- Bỏ thuốc lá: Khói thuốc là chứa các chất hóa học có thể làm thu hẹp các động mạch, làm tổn thương tim.
- Hạn chế rượu bia: Lạm dụng bia rượu góp phần gây béo phì, huyết áp cao, suy tim.
- Ổn định huyết áp: Huyết áp càng cao, áp lực lên thành động mạch càng nhiều. Theo thời gian, huyết áp cao có thể làm gây nên xơ vữa động mạch. Vì vậy, khi chỉ số huyết áp cao hơn mức bình thường nên đi khám để được điều trị sớm.
- Kiểm soát đường máu: Nguyên nhân gây tử vong ở người bệnh đái tháo đường là bệnh mạch vành. Không kiểm soát tốt lượng đường trong máu sẽ làm tổn thương thành mạch, dẫn đến xơ vữa.
- Kiểm soát căng thẳng: Căng thẳng sẽ góp phần làm tăng huyết áp, làm hỏng thành động mạch. Vì thế, hãy kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống bằng cách giảm áp lực công việc, dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, tập thiền, yoga, đi du lịch cùng người thân, ...
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.