Bệnh viêm mao mạch dị ứng có chữa được không là câu hỏi mà không ít người bệnh thắc mắc. Mặc dù hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu nhưng nhưng việc kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng là hoàn toàn khả thi. Trong đó, các phương pháp điều trị chủ yếu bao gồm sử dụng thuốc và chăm sóc sức khỏe đúng cách.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Miễn Dịch Dị Ứng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Bệnh viêm mao mạch dị ứng là gì?
Viêm mao mạch dị ứng hay hội chứng viêm mạch Schonlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ…là một bệnh lý thuộc hệ miễn dịch. Trong đó, bệnh gây ra tình trạng dị ứng kèm theo tổn thương lan rộng ở hệ thống vi mạch, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như khớp, da, thận và ruột.

Trẻ em là đối tượng mắc bệnh nhiều hơn, trong đó khoảng 50% trường hợp xuất hiện trước 5 tuổi và 75% xảy ra trong khoảng 3–10 tuổi. Xét về giới tính, nam giới chiếm phần lớn số ca mắc với tỷ lệ gấp đôi so với nữ giới.
Cơ chế bệnh sinh:
Ở những người có cơ địa dị ứng, khi tiếp xúc với dị nguyên, cơ thể sẽ khởi phát phản ứng miễn dịch giữa kháng nguyên và kháng thể, diễn ra chủ yếu tại lớp nội mạc mao mạch (chủ yếu là các mao mạch).
Quá trình này khiến các chất trung gian hóa học được phóng thích, đồng thời phức hợp miễn dịch lắng đọng tại niêm mạc mao mạch. Sự tác động của các yếu tố này gây tổn thương và làm tăng tính thấm thành mao mạch, dẫn đến tình trạng xuất huyết, xuất hiện trên da hoặc tại nhiều cơ quan khác.
Hiện tại, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố nguy cơ gây ra bệnh bao gồm:
- Người có cơ địa dễ bị dị ứng, viêm da dị ứng, phản ứng với thực phẩm lạ hoặc thay đổi thời tiết.
- Cơ thể nhiễm một số vi khuẩn hoặc virus như liên cầu nhóm A, Mycoplasma, tụ cầu, virus Varicella, cytomegalovirus, Epstein-Barr virus, Parvovirus B19, Campylobacter...
- Một số trường hợp bệnh khởi phát sau khi người bệnh dùng một số loại thuốc, tiêm vắc-xin hoặc bị côn trùng đốt.

2. Dấu hiệu nhận biết bệnh viêm mao mạch dị ứng
Bệnh viêm mao mạch dị ứng thường biểu hiện qua các dấu hiệu trên nhiều cơ quan trong cơ thể như:
- Biểu hiện trên da: Trong khoảng 50% số ca bệnh, triệu chứng đầu tiên xuất hiện trên da dưới dạng các nốt xuất huyết nhỏ, không ngứa chủ yếu ở mặt gấp của tay chân, xung quanh mắt cá, đùi, mông và cánh tay…Những nốt này hiếm gặp ở vùng thân mình nhưng đôi khi có thể thấy ở mũi, tai hoặc bộ phận sinh dục. Tuy nhiên, việc nhận diện bệnh dựa trên các ban xuất huyết này đôi khi dễ nhầm lẫn với lupus ban đỏ hoặc xuất huyết giảm tiểu cầu…
- Biểu hiện tại khớp: Ban xuất huyết xuất hiện ở vùng cổ chân, đầu gối, khuỷu tay trong khoảng 75% trường hợp viêm mao mạch dị ứng, ít gặp hơn ở cổ tay và bàn tay. Tình trạng xuất huyết gây đau tại các vị trí này khiến bệnh nhân khó vận động, kèm theo phù quanh khớp, đau gân phối hợp và viêm khớp…
- Đường tiêu hóa: Khi bị viêm mao mạch dị ứng, bệnh nhân thường bị xuất huyết tiêu hóa với các dấu hiệu như đau bụng vùng rốn, cơn đau có thể kéo dài hoặc từng đợt, buồn nôn và nôn, đôi khi nôn ra máu, đi ngoài phân đen...
- Tổn thương thận: Trong giai đoạn cấp tính, tổn thương thận thường xảy ra, biểu hiện qua tình trạng tiểu ra máu đại thể hoặc vi thể, cùng với sự xuất hiện của protein niệu.

Ngoài ra, một số biểu hiện khác tuy ít gặp hơn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm tinh hoàn: Tình trạng viêm nhiễm ở tinh hoàn gây đau và sưng ở bộ phận này nhưng có thể khỏi sau vài ngày.
- Tim mạch: Viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim và suy tim sung huyết do viêm mao mạch dị ứng là những biến chứng tim mạch có thể xảy ra.
- Phổi: Tổn thương ở phổi biểu hiện bằng tình trạng xuất huyết trong phế nang. Mặc dù đây là biến chứng hiếm gặp trong viêm mao mạch dị ứng nhưng khi xảy ra lại rất nghiêm trọng.
- Thần kinh trung ương: Đau đầu là biểu hiện thường thấy nhưng đôi khi có thể gây xuất huyết màng não chèn ép vào hệ thần kinh trung ương dẫn đến liệt vận động, rối loạn hành vi, thậm chí hôn mê.
- Mắt: Viêm võng mạc xuất huyết đáy mắt là một biến chứng hiếm gặp ở một số bệnh nhân.
3. Bệnh viêm mao mạch dị ứng có chữa được không?
Hiện nay, chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm mao mạch dị ứng. Do đó, quá trình điều trị chủ yếu tập trung kiểm soát triệu chứng xuất huyết nhằm ngăn ngừa các biến chứng xuất huyết nguy hiểm.
Thông thường, việc sử dụng các loại thuốc nội khoa là phương pháp điều trị chính đối với bệnh viêm mao mạch dị ứng, bao gồm:
- Thuốc kháng histamin có tác dụng chống dị ứng, làm giảm tình trạng viêm nhiễm ở mao mạch.
- Thuốc bảo vệ thành mạch.
- Thuốc giảm đau chống viêm:
- Thuốc giảm đau chống viêm không steroid dùng cho bệnh nhân có triệu chứng đau nhẹ.
- Thuốc chống viêm steroid dùng cho bệnh nhân bị tổn thương thận nặng.
- Khi người bệnh có biểu hiện nhiễm khuẩn, việc dùng thuốc kháng sinh cần được tiến hành dựa trên kết quả kháng sinh đồ.
- Truyền khối hồng cầu được chỉ định trong trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết nhiều gây thiếu máu nặng.
- Thuốc ức chế miễn dịch sử dụng cho bệnh nhân bị tổn thương thận nặng.
Ngoài ra, các biện pháp chăm sóc khác cần thực hiện bao gồm:
- Ăn uống đầy đủ các dưỡng chất và cung cấp vitamin C để nâng cao sức đề kháng, đồng thời củng cố thành mạch.
- Người bệnh nên hạn chế việc di chuyển và nghỉ ngơi từ 1 đến 2 tháng.

4. Viêm mao mạch dị ứng bao lâu thì khỏi?
Thực tế, các triệu chứng của bệnh thường sẽ cải thiện sau khoảng một tháng nhưng khả năng tái phát là rất cao.
Trên đây là tất cả thông tin giải đáp thắc mắc bệnh viêm mao mạch dị ứng có chữa được không. Nhìn chung, bệnh viêm mao mạch dị ứng hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, việc điều trị các triệu chứng giúp kiểm soát bệnh và hạn chế biến chứng nghiêm trọng. Do đó, khi xuất hiện các dấu hiệu, người bệnh cần đến các cơ sở y tế uy tín để khám.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.