Bị chuột rút uống thuốc gì là câu hỏi thường gặp khi tình trạng co thắt cơ đột ngột gây đau đớn và khó chịu. Chuột rút có thể xảy ra ở bất kỳ cơ nào trong cơ thể nhưng thường gặp nhất là ở chân và bàn chân. Để giảm thiểu và điều trị chuột rút, người mắc phải thường tìm đến các loại thuốc và phương pháp khác nhau. Việc hiểu rõ nguyên nhân và cách điều trị sẽ giúp nhanh chóng thoát khỏi cơn đau và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Chuột rút liệu có nguy hiểm không?
Hầu như bất kỳ ai đều có ít nhất một lần bị chuột rút. Chuột rút có thể xảy ra khi đang đi bộ, tập thể thao hoặc thậm chí khi đang nằm nghỉ. Mặc dù chuột rút không phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng nếu gặp phải trong lúc đang bơi, đạp xe hay chạy bộ thì sẽ khá nguy hiểm - đặc biệt với trường hợp chuột rút khi bơi. Với phụ nữ mang thai, chuột rút sẽ gây nhiều phiền toái hơn. Đa phần các trường hợp bị chuột rút chỉ cần nằm nghỉ ngơi hoặc vận động nhẹ nhàng để giảm đau.
Nhiều người không biết bị chuột rút uống thuốc gì hay có biện pháp nào khắc phục tình trạng này nhanh hơn. Dưới đây là các lựa chọn điều trị chuột rút có thể áp dụng.
2. Bị chuột rút uống thuốc gì?
Đối với những trường hợp chuột rút thường xuyên, gây đau nặng và ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày, bác sĩ sẽ chỉ định những loại thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen, Naproxen và Ibuprofen.
Bên cạnh đó, một vài loại thuốc có thể cải thiện tình trạng bị chuột rút khi ngủ, bao gồm thuốc giãn cơ Carisoprodol, thuốc chẹn kênh canxi (Diltiazem, Verapamil) hoặc thuốc điều trị co thắt cơ, giảm đau và căng cơ Orphenadrine.
Tuy vậy, thuốc Orphenadrine có tác dụng phụ làm loãng máu, giảm tiểu cầu nên hiện nay không còn được khuyến khích dùng. Sử dụng thuốc nào với liều lượng ra sao cần được thực hiện theo ý kiến bác sĩ để đảm bảo hiệu quả tốt nhất và không để lại tác dụng phụ.

3. Những cách khác giúp hết bị chuột rút nhanh chóng
Khi bị chuột rút, cách tốt nhất là nhanh chóng kéo căng phần cơ bị co rút để giảm đau. Trước khi đi ngủ, bạn có thể dành vài phút kéo căng cơ để hạn chế khả năng bị chuột rút.
Chuột rút thường xảy ra ở bắp chân nên người mắc phải có thể thực hiện động tác kéo gập lưng bàn chân hoặc duỗi bàn chân hết mức nếu bị chuột rút ở cơ mặt trước cẳng chân. Ngoài ra, cần biết bị chuột rút uống thuốc gì và áp dụng các phương pháp điều trị khác.
3.1. Uống nhiều nước
Khi cơ thể mất nước dẫn đến mất cân bằng điện giải thì khả năng bị chuột rút sẽ tăng lên và điều này thường xảy ra sau khi chơi thể thao hoặc vận động quá mức. Do đó luôn đảm bảo có sẵn các loại nước lọc, nước uống thể thao, nước bổ sung điện giải để bổ sung nước kịp lúc. Việc uống nhiều nước cũng giúp phục hồi nhanh hơn sau khi bị chuột rút.

3.2. Chườm đá
Một cách cũng khá hữu dụng khác để giảm đau nhanh chóng sau khi bị chuột rút là dùng miếng vải mỏng bọc nước đá lại rồi chườm lên phần bị đau. Không áp trực tiếp đá lạnh lên da để tránh bỏng lạnh.
Hiện nay có nhiều loại túi nước thường được bỏ vào tủ lạnh để có sẵn công cụ chườm lạnh khi cần thiết. Biện pháp này chủ yếu để giảm đau nhanh sau khi bị chứ không thể phòng ngừa chuột rút tái phát.
3.3. Ngâm nước nóng
Biện pháp này có tác dụng làm cho các dây thần kinh và cơ bắp thư giãn, nhờ đó mạch máu sẽ tuần hoàn tốt hơn để hạn chế những cơn chuột rút đột ngột. Hầu hết các trường hợp mắc những chứng bệnh về cơ xương chân đều có thể áp dụng ngâm chân trong nước nóng hoặc dùng đai quấn nóng để tận dụng nhiệt khô.
Những người mắc bệnh tiểu đường, bệnh mạn tính hoặc chấn thương tủy sống có thể gây bỏng nếu dùng nước quá nóng vì cơ thể giảm cảm giác với nhiệt độ nên cần lưu ý khi ngâm chân.

3.4. Vận động nhẹ
Chuột rút thường do vận động mạnh đột ngột khi cơ bắp chưa được “làm nóng”. Trước khi tập thể dục, cần khởi động từ 5 đến 15 phút để tránh bị chuột rút. Người ít vận động mạnh hoặc phụ nữ mang thai ngoài việc lưu ý xem bị chuột rút uống thuốc gì, nên thực hiện một số động tác vận động nhẹ để cơ bắp co giãn thường xuyên. Thỉnh thoảng, có thể đi massage để thư giãn cơ bắp và hạn chế nguy cơ chuột rút.
3.5. Bổ sung Magie
Phụ nữ mang thai thường không vận động nhiều nên cần bổ sung Magie. Cách bổ sung Magie hiệu quả là thông qua thực phẩm tự nhiên như các loại hạt, quả hạch hoặc thực phẩm chức năng và viên uống Magie. Lưu ý rằng, trước khi sử dụng cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn và chỉ định liều lượng thích hợp.
3.6 Bổ sung chế độ ăn giàu canxi và kali
Tăng cường tiêu thụ các thực phẩm giàu canxi và kali như hải sản, khoai lang, sữa chua,... giúp phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng chuột rút. Đặc biệt trong trường hợp phụ nữ mang thai, cần lưu ý bổ sung đầy đủ calci tránh thiếu hụt gây tình trạng chuột rút chân và đau nhức xương khớp.
Tóm lại, bị chuột rút uống thuốc gì hay phải làm gì để sớm khỏe lại là điều mà bất kì ai cũng cần biết để có cách xử lý nhanh chóng khi rơi vào trường hợp chuột rút đột ngột.
Ngoài những biện pháp kể trên, việc đảm bảo một chế độ dinh dưỡng nhiều rau và bổ sung thêm các loại hoa quả sẽ giúp chúng ta có đầy đủ các chất giúp cơ xương hoạt động hiệu quả. Cuối cùng là áp dụng các biện pháp quản lý căng thẳng để tránh mất cân bằng Hormone trong cơ thể, dẫn tới chuột rút và tình trạng tăng huyết áp hoặc các bệnh khác.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.