Cách chữa chuột rút tay tại nhà đơn giản và hiệu quả

Mục lục

Cách chữa chuột rút tay hiệu quả thường sẽ có nhiều lựa chọn, tùy vào tình huống gặp phải để đưa ra hướng xử lý phù hợp. Ngoài ra việc bị chuột rút cũng liên quan đến lối sống và yếu tố dinh dưỡng trong cơ thể, do đó cần duy trì một chế độ ăn uống khoa học và hợp lý hàng ngày, uống đủ nước và tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Chuột rút tay bất ngờ có thể gây nguy hiểm

Chuột rút tay hay còn gọi là vọp bẻ thường xảy ra khi thực hiện các công việc đòi hỏi phải cử động nhiều, nhưng chỉ lặp đi lặp lại một số động tác trên tay và cổ tay. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là tay tê liệt và không thể cử động trong một thời gian ngắn.

Vì có thể xảy ra bất kỳ lúc nào nên tình trạng này khá nguy hiểm, nhất là khi đang lái xe hoặc đang phải cầm vật nặng. Do đó, mọi người cần biết những cách chữa chuột rút tay hiệu quả và đơn giản, có thể áp dụng bất kỳ lúc nào để tình trạng không trở nên nghiêm trọng hơn. 

Chuột rút ở tay gây ra những cơn đau hết sức khó chịu.
Chuột rút ở tay gây ra những cơn đau hết sức khó chịu.

2. Những cách chữa chuột rút tay ngay tại nhà cần biết

2.1. Xoa bóp tay để trở về trạng thái ban đầu

Xoa bóp nhẹ cánh tay theo chuyển động tròn là một trong những biện pháp khắc phục tình trạng bị chuột rút, giúp cơ bắp được thư giãn và trở về trạng thái ban đầu. Để phòng ngừa chuột rút, thỉnh thoảng cũng nên massage tay, đặc biệt là trước và sau khi tập thể dục thể thao.

2.2. Hạn chế lặp đi lặp lại một việc bằng tay trong thời gian dài

Việc bị chuột rút tay phần lớn là do lặp đi lặp lại một việc nào đó bằng tay trong thời gian dài, do đó điều cần làm là phải tạm ngưng, cho tay nghỉ ngơi để giảm đau. Giữa quá trình làm việc nên có các khoảng nghỉ nhất định, hạn chế được nguy cơ vọp bẻ hoặc nặng hơn là viêm gân. Một số hoạt động làm tăng nguy cơ chuột rút thường gặp là chơi nhạc cụ, đánh golf, chơi quần vợt, đánh máy, viết, vẽ, làm vườn, … 

Những người thường xuyên tập thể dục nặng rất dễ bị chuột rút tay.
Những người thường xuyên tập thể dục nặng rất dễ bị chuột rút tay.

2.3. Bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể

Một số trường hợp cơ thể thiếu những chất dinh dưỡng cần thiết như Natri, Canxi, Kali hoặc Magie cũng sẽ gây ra chứng chuột rút tay. Điều này thường gặp đối với người mắc chứng rối loạn ăn uống, phụ nữ đang mang thai, người tập luyện chuyên sâu, người mắc bệnh thận hoặc đang phải hóa trị.  

Đặc biệt, thiếu hụt Vitamin B cũng tác động đến nguy cơ co rút cơ bắp, do đó bổ sung vitamin là điều cần thiết. Nhưng quan trọng là phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc hay bất kỳ loại chất bổ sung nào.

2.4. Uống đủ nước và có chế độ dinh dưỡng hợp lý

Việc chăm sóc cơ thể bằng lối sống lành mạnh, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày cũng là một cách chữa chuột rút tay khá hiệu quả. Ăn đủ ba bữa mỗi ngày theo chế độ ăn uống khoa học và hợp lý sẽ giúp duy trì được sức khỏe cơ bắp, nhất là đối với những vận động viên hoặc người thường xuyên tập thể dục thể thao.

Ngoài ra, cơ thể bị mất nước cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột rút tay. Các trường hợp làm việc quá bận rộn dẫn đến quên uống nước có thể khiến cho da bị khô, hơi thở hôi, nhức đầu,… đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động của cơ và làm cho tay bị vọp bẻ. Do đó việc uống đủ nước hàng ngày rất quan trọng. 

Một cách chữa chuột rút tay hữu ích là uống đủ nước mỗi ngày.
Một cách chữa chuột rút tay hữu ích là uống đủ nước mỗi ngày.

2.5. Các bài tập co duỗi tay và tăng cường sức mạnh tay

Các động tác co duỗi tay kết hợp với vận động bàn tay sẽ tạo nên sự cân bằng nếu được thực hiện thường xuyên.

  • Duỗi thẳng một tay áp vào một mặt phẳng, rồi từ từ nhấn tay xuống và có thể thêm tạ vào tay, giữ nguyên tư thế khoảng 60 giây rồi đổi tay.
  • Nắm tay thành nắm đấm, giữ trong khoảng 60 giây rồi mở bàn tay ra và lặp lại động tác thêm một lần nữa.

Một cách chữa chuột rút tay khác là dùng những loại bóng có thể giãn nở để tăng cường cơ bắp cho bàn tay. Mỗi tuần nên thực hiện bài tập này từ 2 đến 3 ngày, mỗi lần tập bóp quả bóng từ 10 đến 15 lần ở mỗi bàn tay. Việc chơi các môn thể thao như bóng ném, bóng rổ, bóng bàn, tennis cũng sẽ giúp tăng sức mạnh cho bàn tay. Cuối cùng quan trọng nhất là nên duỗi tay mỗi ngày, nhất là trước và sau khi làm việc.

2.6. Dùng đồ vật có kích thước phù hợp với tay

Việc không chú ý đến kích thước của những món đồ cầm trên tay hàng ngày là điều khá phổ biến. Điều này vô tình tác động đến các cơ, khớp của bàn tay. Do đó, mọi người nên tìm mua những công cụ, thiết bị tập luyện hoặc các món đồ gia dụng hàng ngày cầm vừa tay nhất.  

2.7. Chườm nóng hoặc chườm lạnh để trị chuột rút tay

Đây là một trong những cách chữa chuột rút tay tương đối phổ biến có thể áp dụng trong những trường hợp bị vọp bẻ bất ngờ tại nhà hoặc tại nơi làm việc. Khi bị chuột rút ở tay, mọi người nên dùng khăn ấm hoặc miếng đệm nóng đặt lên cơ bắp để giãn cơ, giúp tay trở lại trạng thái thông thường. Khi đi tắm nên chú ý tắm nước ấm để giảm bớt một số cơn đau. 

Xoa bóp cơ với đá lạnh giúp máu lưu thông trở lại, hạn chế nguy cơ bị viêm. Khi chườm lạnh, mọi người nên bọc đá trong khăn sạch hoặc dùng túi chườm y tế, tránh để đá trực tiếp lên vùng cơ bắp bị chuột rút. 

Nếu chuột rút tay xảy ra thường xuyên nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.
Nếu chuột rút tay xảy ra thường xuyên nên đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra.

Phần lớn các trường hợp bị chuột rút đều không quá nặng và có thể hết rất nhanh. Tuy vậy nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, hoặc có những cơn đau tay kéo dài thì nên đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán và có kế hoạch điều trị thích hợp. Điều quan trọng vẫn là duy trì một chế độ dinh dưỡng khoa học, lối sống lành mạnh để phòng ngừa nguy cơ bị chuột rút. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ