Bị dị ứng bao lâu thì khỏi và các biện pháp giảm triệu chứng

Mục lục

Bị dị ứng bao lâu thì khỏi còn tùy thuộc vào tác nhân gây ra dị ứng, thời gian tiếp xúc, những triệu chứng dị ứng gặp phải là gì cùng nhiều yếu tố khác. Bài viết sau sẽ giúp chúng ta làm rõ hơn về vấn đề đó cùng với các phương pháp hỗ trợ giảm nhẹ triệu chứng, rút ngắn thời gian bị dị ứng, giúp người dị ứng cảm thấy thoải mái hơn.

Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Miễn Dịch Dị Ứng - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.

1. Phản ứng dị ứng của cơ thể

Mỗi khi tiếp xúc với những chất lạ bên ngoài môi trường, hệ thống miễn dịch của chúng ta có thể xem nó là chất gây nguy hiểm, từ đó kích thích phản ứng dị ứng để chống lại. Các phản ứng này dẫn tới nhiều triệu chứng thường gặp như nghẹt mũi, ngứa mắt, nổi mẩn đỏ, phát ban, sưng tấy, …  

Đa số các triệu chứng dị ứng không gây hại đến sức khỏe, nhưng đôi khi dị ứng cũng có thể gây ra một số phản ứng nguy hiểm như khó thở hoặc sốc phản vệ. Các triệu chứng thường khiến chúng ta cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, chính vì vậy mà nhiều người rất muốn biết bị dị ứng bao lâu thì khỏi. 

Nổi mẩn đỏ dị ứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Nổi mẩn đỏ dị ứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống

Những tác nhân gây dị ứng phổ biến được liệt kê, bao gồm phấn hoa, mạt bụi, lông thú cưng, các loại mỹ phẩm, một số loại thuốc hoặc thực phẩm, bị côn trùng cắn hoặc dị ứng với thời tiết,...

Các phản ứng dị ứng thường sẽ xảy ra ngay sau khi tiếp xúc tác nhân gây dị ứng hoặc vài giờ sau đó. Thông thường, những triệu chứng hay dấu hiệu dị ứng sẽ tồn tại tùy vào thời gian tiếp xúc với chất gây dị ứng.  

2. Bị dị ứng bao lâu thì khỏi?

Để biết bị dị ứng bao lâu thì khỏi cần phải xác định xem loại dị ứng đó là gì và thời gian tiếp xúc với chất gây dị ứng. Sau đây là thông tin về một số loại dị ứng và khoảng thời gian mà phản ứng dị ứng có thể kéo dài:

2.1 Dị ứng theo mùa

Dị ứng theo mùa thường được gọi là sốt cỏ khô, là phản ứng của cơ thể đối với phấn hoa, bụi hoặc nấm mốc, bệnh thường trở nên nặng hơn vào mùa xuân, hè hoặc thu.

Những người mắc dị ứng theo mùa có thể gặp triệu chứng suốt thời gian tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng. Tình trạng này thường kéo dài trong khoảng 6 tuần vào mùa phấn hoa. Nếu tiếp xúc liên tục với các chất gây dị ứng, các triệu chứng có thể tiếp tục kéo dài trong nhiều tháng.

2.2 Dị ứng da

Là loại dị ứng rất dễ gặp vì liên quan đến những chất mà da chúng ta tiếp xúc hàng ngày. Đó có thể là nước mưa, bị côn trùng cắn, nước hồ bơi, lông động vật, … Cơ thể thường xuất hiện phản ứng sau khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng từ một đến hai ngày. Tình trạng phát ban có thể kéo dài nhiều tuần sau khi loại bỏ tác nhân dị ứng.

2.3 Dị ứng thực phẩm

Dạng dị ứng này thường sẽ xảy ra vài phút sau khi tiêu thụ loại thực phẩm có khả năng gây ra dị ứng. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của phản ứng với lượng thức ăn đã tiêu thụ, triệu chứng dị ứng thực phẩm có thể diễn ra trong khoảng 2 giờ đến vài ngày.  

2.4 Sốc phản vệ

Là phản ứng dị ứng nguy hiểm có khả năng gây ra tử vong nếu không được xử lý kịp thời, xảy ra vài giây đến vài phút sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng.  

Những trường hợp sốc phản vệ cần được đưa đi cấp cứu thật nhanh, các triệu chứng đạt đỉnh điểm trong vòng 30 phút và có thể kéo dài trong nhiều giờ. 

Bị dị ứng bao lâu thì khỏi là thắc mắc của rất nhiều người.
Bị dị ứng bao lâu thì khỏi là thắc mắc của rất nhiều người.

3. Những phương pháp giảm triệu chứng để rút ngắn thời gian bị dị ứng

Việc xác định xem bị dị ứng bao lâu thì khỏi còn tùy thuộc vào hướng xử lý khác nhau của từng người. Ngay sau khi phát hiện ra những dấu hiệu của phản ứng dị ứng, mọi người cần tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và loại bỏ nó.  

Trong phần lớn các trường hợp, bệnh nhân nên liên hệ trung tâm y tế hoặc bệnh viện, phòng khám để bác sĩ chẩn đoán xác định nguyên nhân. Sau đó bác sĩ có thể đưa ra những phương án xử lý khác nhau tùy tình trạng.

Sau khi loại bỏ tác nhân gây dị ứng, chúng ta có thể sử dụng thuốc để rút ngắn thời gian bị dị ứng, cụ thể như sau:

  • Thuốc xịt mũi: Có thể là dạng xịt mũi bao gồm Flonase và Nasonex, hoặc chỉ đơn giản là thuốc xịt mũi thông thường nhằm giảm triệu chứng sổ mũi.
  • Kem Corticosteroid: Thuốc dạng bôi để giảm sưng tấy, nổi mẩn đỏ và cảm giác ngứa ngáy do triệu chứng phát ban gây ra.
  • Thuốc kháng Histamine: Một số loại phổ biến như Xyzal, Allegra, Zyrtec hay Clarinex sẽ có tác dụng ngăn chặn phản ứng Histamine - phản ứng dẫn đến các triệu chứng dị ứng thường gặp.
  • Epinephrine: Loại thuốc dành cho các trường hợp dị ứng phản vệ, mọi người nên dùng dụng cụ tiêm tự động và gọi cấp cứu để đưa người bị dị ứng đi điều trị nhanh nhất có thể. 
Hiện nay có nhiều loại thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng dị ứng.
Hiện nay có nhiều loại thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng dị ứng.

Sau khi đã điều trị thành công các triệu chứng dị ứng, người bệnh nên lưu ý đến tác nhân gây ra dị ứng để tránh tiếp xúc lần nữa. Nếu dị ứng thực phẩm cần hạn chế những loại đồ ăn hoặc thức uống có nguy cơ gây dị ứng như đồ cay, hải sản, cà phê,… Cuối cùng là kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe của bản thân và khắc phục kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ