Bị gai cột sống có nên tập thể dục để khắc phục triệu chứng và tăng cường sức khỏe là điều mà nhiều người quan tâm. Gai cột sống là hệ quả từ những bệnh lý ở vùng cột sống, gây ra tình trạng đau lưng, mỏi xương, cứng khớp,… khiến cho việc đi lại và sinh hoạt hàng ngày gặp khó khăn nên không ít người e ngại việc tập thể dục.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Chấn thương chỉnh hình & Y học thể thao Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Điều cần biết về bệnh gai cột sống
Các vấn đề sức khỏe liên quan đến cơ xương khớp luôn là một trong những nỗi lo cực kỳ phổ biến, đặc biệt là với nhóm đối tượng phải làm việc nặng nhọc hàng ngày, hay thậm chí là dân văn phòng do tính chất ngồi một chỗ trong thời gian dài. Khi bị các vấn đề liên quan đến cột sống, chúng ta có thể dễ dàng phát triển gai cột sống, đây là một trong những dấu hiệu của thoái hóa cột sống.

Các triệu chứng khi bị gai cột sống là mỏi xương khớp, đau lưng, cứng khớp, luôn có cảm giác mệt mỏi toàn thân hoặc sụt cân không rõ nguyên do. Tùy vào độ nặng nhẹ, bệnh có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt, vận động khác nhau ở mỗi người. Đặc biệt có một vấn đề được nhiều người quan tâm, chính là bị gai cột sống có nên tập thể dục không và những bài tập nào là phù hợp nhất.
2. Tập thể dục trong quá trình điều trị bệnh gai cột sống
Vì bệnh gai cột sống gây ra cảm giác đau nhức chủ yếu ở thắt lưng và cột sống cổ nên nhiều bệnh nhân e ngại về vấn đề tập thể dục, sợ tình trạng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn. Nhưng thực tế đã chứng minh, tập thể dục trong quá trình điều trị gai cột sống hoàn toàn có thể giúp đẩy nhanh tiến trình phục hồi, giảm bớt cơn đau sau một thời gian thực hiện những bài tập phù hợp, đồng thời kết hợp với chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Tập thể dục đúng cách giúp cải thiện mức độ đàn hồi của xương, kéo giãn đốt sống và giải phóng những dây thần kinh bị chèn ép nếu sử dụng lực tác động vừa phải. Bên cạnh đó, tập thể dục trong quá trình điều trị gai cột sống cũng tăng sức đề kháng, hạn chế nguy cơ gặp phải những vấn đề sức khỏe khác.
Điều quan trọng vẫn là phải lựa chọn các bài tập thích hợp và chú ý đến những nguyên tắc an toàn trong tập luyện.
3. Chế độ dinh dưỡng thích hợp cho người bị gai cột sống
Bên cạnh vấn đề bị gai cột sống có nên tập thể dục không, vấn đề dinh dưỡng cũng rất quan trọng. Người mắc bệnh gai cột sống được khuyến khích bổ sung thêm nhiều Canxi, Vitamin D, chất xơ và chất béo Omega-3. Các loại thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như là sữa, hải sản và đậu nành nhưng với hải sản nên đảm bảo bản thân không bị dị ứng.

Kế đến, vitamin D có khá nhiều trong các loại nấm, đậu nành, sò, cá và trứng. Ăn nhiều rau nhằm bổ sung chất xơ giúp chống lại tình trạng gốc tự do gây viêm khớp, giảm đau và giảm sưng ở các vùng bị gai xương. Cuối cùng là các loại cá giàu Omega-3 như cá thu, cá trích, cá mòi,… với tác dụng giảm viêm, giảm đau, cải thiện sức khỏe sụn khớp cực kỳ hiệu quả.
4. Những lưu ý về vấn đề bị gai cột sống có nên tập thể dục không
Dù tập thể dục mang lại những lợi ích về mặt sức khỏe, nhưng đối với trường hợp bị gai cột sống sẽ cần có các bài tập phù hợp và những lưu ý quan trọng. Đầu tiên, người bệnh cần tránh các bài tập nặng và phức tạp để không ảnh hưởng đến cột sống. Ngoài ra, trước khi có ý định tập thể dục, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị để nhận được những gợi ý và hướng dẫn cụ thể về việc nên tập như thế nào là phù hợp.
Trong quá trình tập luyện nếu cảm thấy không thoải mái hoặc bắt đầu xuất hiện những cơn đau, đó là dấu hiệu cho thấy nên tạm dừng lại, nghỉ ngơi và người bệnh cần tìm hiểu xem mình bị đau ở vị trí nào.
Tập luyện thể dục thể thao quá sức, nhất là khi đang phải điều trị những căn bệnh liên quan đến cột sống, chưa bao giờ là điều nên làm vì điều này sẽ khiến cho bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. Người bệnh cần tránh các bài tập tác động mạnh đến cột sống như chạy bộ địa hình lồi lõm, nâng tạ, nhảy mạnh,… Thay vào đó, có thể nghiên cứu những bài tập về giãn cơ nhẹ nhàng để giảm tình trạng co cứng của cột sống.
Một cách tập thể dục hữu hiệu là thực hiện những bài tập với sự hướng dẫn của các chuyên gia sức khỏe, những huấn luyện viên có kinh nghiệm để biết nên tập như thế nào với cường độ ra sao.
Cuối cùng, nên thực hiện một số hoạt động hỗ trợ điều trị như tắm nắng buổi sáng, trước 9 giờ, để cơ thể hấp thụ được vitamin D từ ánh sáng mặt trời tốt cho xương khớp, đồng thời đảm bảo quá trình tái khám định kỳ 6 tháng một lần để kịp thời phát hiện bất kỳ vấn đề sức khỏe nào khác bên cạnh tình trạng gai cột sống.
5. Các bài tập thể dục phù hợp với người bị gai cột sống
5.1. Đi bộ ngắn
Mỗi ngày chỉ cần bỏ ra khoảng 30 đến 45 phút đi bộ, người bệnh đã có thể cải thiện tình trạng đau thắt lưng cực kỳ hiệu quả. Trong quá trình đi bộ nên đảm bảo duy trì một tốc độ vừa phải với nhịp thở ổn định, thả lỏng vai, ngẩng cao đầu và mắt nhìn thẳng về phía trước.
5.2. Bơi lội
Bơi lội là một môn thể thao phù hợp với người bị gai cột sống, giúp cải thiện tình trạng đau lưng và hạn chế thoái hóa cột sống. Theo ý kiến chuyên gia, mỗi tuần có thể đi bơi 3 buổi, mỗi buổi từ 25 đến 30 phút là vừa đủ.
5.3. Yoga
Tập luyện Yoga sẽ tăng cường sự dẻo dai cho cơ, gân và khớp xương, giảm đau nhức hiệu quả với một số tư thế đơn giản như thế con mèo, thế cây cầu,… điều lưu ý là tránh những động tác cần cúi người, vặn người hoặc xoay người để hạn chế tác động đến xương.

5.4. Đạp xe
Đạp xe cũng là hình thức tập luyện phù hợp trong trường hợp muốn biết bị gai cột sống có nên tập thể dục không. Bài tập này giúp giảm nguy cơ hình thành gai xương và chèn ép rễ thần kinh, qua đó giúp giảm đau đáng kể. Mỗi tuần có thể đi đạp xe 2 đến 3 lần, với quãng đường tăng dần tùy vào tình trạng sức khỏe. Trong lúc đạp xe nên kết hợp với hít thở sâu để tránh mất sức quá nhiều.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.