Bị ung thư phổi mà không ho là điều có thể xảy ra và không hiếm gặp. Dù ho kéo dài thường là dấu hiệu phổ biến của ung thư phổi, nhưng nhiều trường hợp lại tiến triển mà không có triệu chứng ho khiến bệnh khó phát hiện sớm.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Vì sao bị ung thư phổi mà không ho?
Ung thư phổi thường không xuất hiện triệu chứng trong giai đoạn sớm. Tuy nhiên, các khối u trong phổi có thể gây ngứa hoặc tích tụ dịch trong đường hô hấp, tạo cảm giác muốn ho và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp, gây ho.
Ung thư phổi chia thành hai loại chính: ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) và ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC).

Theo một nghiên cứu năm 2020, các nhà nghiên cứu cho rằng ho là triệu chứng phổ biến nhất ở cả hai loại ung thư phổi. Sau khi được chẩn đoán, có 40,6% bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ và 33% bệnh nhân ung thư phổi tế bào nhỏ gặp triệu chứng ho.
Thế nhưng, ngay cả khi có triệu chứng, bệnh nhân cũng không phải lúc nào cũng có biểu hiện ho.
2. Triệu chứng bệnh ung thư phổi
Một số bệnh nhân ung thư phổi không có triệu chứng ho cho đến khi khối u phát triển lớn. Đa phần mọi người chỉ đến gặp bác sĩ khi các triệu chứng bất thường kéo dài, vì ở giai đoạn đầu ung thư phổi thường khó phát hiện do thiếu dấu hiệu rõ ràng.

Triệu chứng của ung thư phổi thường rất chung chung và có thể giống với các bệnh khác, bao gồm:
- Cơn ho kéo dài.
- Đau ngực.
- Hụt hơi.
- Khó thở.
- Ho ra máu.
- Mệt mỏi.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Viêm phổi tái phát.
- Hạch bạch huyết bị sưng to hoặc phình to ra.
Ung thư phổi càng tiến triển, các triệu chứng đi kèm càng trở nên trầm trọng hơn. Theo vài nghiên cứu, triệu chứng phổ biến nhất là cơn ho kéo dài, tiếp sau đó là ho ra máu, đau ngực và khó thở.
3. Đối tượng mắc bệnh
Hút thuốc lá hiện nay là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong do ung thư phổi. Khoảng 80% số trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến việc hút thuốc.

Ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) tuy ít phổ biến hơn so với ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC) nhưng thường có tiên lượng điều trị xấu hơn. SCLC rất hiếm gặp ở những người chưa từng hút thuốc.
Ngoài việc hút thuốc lá, các yếu tố nguy cơ góp phần làm bệnh nhân bị ung thư phổi mà không ho bao gồm:
- Người tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá.
- Người tiếp xúc với khí radon.
- Người tiếp xúc với amiăng.
- Nghề nghiệp của bệnh nhân có liên quan đến các hóa chất trong không khí như: uranium và các chất phóng xạ khác, nhiên liệu diesel, asen, cadimi, vinyl clorua, than, mù tạt.
- Những người hút thuốc lá có bổ sung beta carotene.
- Từng xạ trị trước đó.
Nhìn chung, có nhiều người bị ung thư phổi mà không có biểu hiện lạ, mặc dù ho là một trong những triệu chứng phổ biến nhất.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơn ho kéo dài có thể là dấu hiệu cho thấy bệnh ung thư phổi đang tiến triển. Do đó, nếu bệnh nhân gặp phải tình trạng ho kéo dài mà không rõ nguyên do, hãy thăm khám để được chẩn đoán chính xác nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng..