Các giai đoạn của viêm ruột thừa có thể bắt đầu với những triệu chứng nhẹ như đau bụng và buồn nôn. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến thủng ruột thừa và nhiễm trùng nghiêm trọng trong cơ thể. Hiểu rõ về các giai đoạn phát triển của bệnh rất quan trọng, giúp chẩn đoán sớm và giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn do các biến chứng gây ra.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Nguyên nhân viêm ruột thừa
Trước khi đi sâu vào các giai đoạn của viêm ruột thừa, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những nguyên nhân dẫn đến căn bệnh này.
Viêm ruột thừa thường được gây ra do nhiễm khuẩn, bắt nguồn từ tình trạng tắc nghẽn trong ruột thừa. Sự tắc nghẽn này có thể do sự phát triển quá mức của các tế bào lympho trong thành ruột, dẫn đến tắc lòng ruột thừa. Bên cạnh đó, nguyên nhân của sự tắc nghẽn cũng có thể là do các yếu tố khác như sỏi phân, ký sinh trùng xâm nhập vào ruột thừa hay các dị vật nhỏ như hạt quả,...
Những yếu tố này khiến ruột thừa bị sưng và đau. Khi tình trạng viêm tăng nặng, quá trình cung cấp máu đến ruột thừa bị ảnh hưởng, khiến ruột thừa bắt đầu hoại tử. Thêm vào đó, người bệnh cũng có nguy cơ vỡ ruột thừa, dẫn đến sự rò rỉ của phân, chất nhầy, virus và vi khuẩn vào khoang bụng, gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc và nhiễm trùng.

2. Dấu hiệu của viêm ruột thừa
Đau bụng là triệu chứng phổ biến nhất của viêm ruột thừa, thường bắt đầu từ vùng thượng vị gần rốn và di chuyển dần xuống hố chậu phải sau khoảng 1 đến 12 tiếng. Cơn đau có thể từ âm ỉ chuyển sang dữ dội ở vùng bụng dưới bên phải.
Ngoài ra, người bệnh viêm ruột thừa còn có thể xuất hiện các dấu hiệu khác bao gồm:
- Chán ăn và buồn nôn: Đây là những triệu chứng rất thường gặp trong các trường hợp viêm ruột thừa.
- Sốt: Triệu chứng này thường xuất hiện khi bệnh đã chuyển biến nặng với nhiệt độ cơ thể tăng lên từ 38 đến 39 độ C.
- Rối loạn tiểu tiện: Bệnh nhân có thể gặp khó khăn khi đi tiểu do đau, thường là tiểu rắt.
- Táo bón: Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể không đi đại tiện được trong vài ngày, khiến phần ruột thừa bị viêm và sưng lên, làm cứng vùng bụng dưới bên phải.

3. Các giai đoạn của viêm ruột thừa
Vậy viêm ruột thừa có bao nhiêu giai đoạn?
3.1 Giai đoạn viêm ruột thừa xung huyết
Khi lòng ruột thừa bị tắc, dịch tiết bị ứ đọng sẽ làm tăng áp lực bên trong, dẫn đến ứ trệ tuần hoàn và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Vi khuẩn này chuyển dịch tiết thành mủ, khiến cho ruột thừa bị viêm, phù nề và niêm mạc bị loét. Trong trường hợp phẫu thuật, có thể quan sát thấy dịch tiết tích tụ trong ổ bụng, khu vực hố chậu bên phải có sự hiện diện của vô khuẩn, ruột thừa sưng to cùng với sự giãn nở của các mạch máu trên thành ruột thừa.
3.2 Các giai đoạn của viêm ruột thừa: Viêm ruột thừa mủ
Khi giai đoạn viêm ruột thừa xung huyết không được kiểm soát, sự gia tăng áp lực trong ruột thừa tiếp tục gây ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch, dẫn đến thiếu máu cục bộ nuôi dưỡng các mô xung quanh. Điều này tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển mạnh, lan rộng ra thành ruột thừa.
3.3 Giai đoạn áp xe ruột thừa
Áp xe là một trong các giai đoạn của viêm ruột thừa vô cùng nghiêm trọng. Khi đường máu nuôi ruột thừa bị chặn do huyết khối chứa vi khuẩn yếm khí, điều này dẫn đến hoại tử ở ruột thừa. Trong trường hợp này, ruột thừa có thể xuất hiện các vết hoại tử rải rác hoặc toàn bộ cơ quan chuyển sang màu xanh lá cây úa và trở nên mềm yếu.
Khi tiến triển đến giai đoạn nặng hơn, ruột thừa có thể bị vỡ, gây rò rỉ mủ ra bên ngoài. Tuy nhiên, nếu ruột thừa được bao bọc và cô lập bởi các mô xung quanh như ruột, mạc nối hoặc các mô liên kết dính lại, thì có thể hình thành một ổ áp xe tại ruột thừa.
4. Bệnh viêm ruột thừa có nguy hiểm không
Bên cạnh việc tìm hiểu các giai đoạn của viêm ruột thừa, việc đánh giá mức độ nguy hiểm và biến chứng của bệnh cũng rất được quan tâm. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm ruột thừa có thể gây vỡ ruột thừa, làm cho vi khuẩn gây hại lan rộng vào khoang bụng và ảnh hưởng tới các cơ quan lân cận như gan, dạ dày và ruột.
Tình trạng này có thể dẫn đến viêm phúc mạc - một tình trạng nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, bệnh viêm ruột thừa có thể được kiểm soát hiệu quả nếu được điều trị kịp thời bằng các loại kháng sinh mạnh và can thiệp phẫu thuật.

Qua bài viết, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về các giai đoạn của viêm ruột, từ giai đoạn đầu khi các triệu chứng còn nhẹ cho đến giai đoạn cuối khi có thể xảy ra biến chứng nguy hiểm. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp mọi người hiểu rõ hơn về bệnh và chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe bản thân, từ đó hạn chế tối đa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.