Triệu chứng của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý phổi khác. Các dấu hiệu như ho kéo dài, đờm có lẫn máu, thở khò khè, khàn tiếng hoặc nhiễm trùng phổi tái phát là những triệu chứng phổ biến cần được chú ý. Vậy các dấu hiệu ung thư phổi ở từng giai đoạn sẽ như thế nào?
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Các giai đoạn ung thư phổi
Sau khi được chẩn đoán ung thư, người bệnh và gia đình thường quan tâm đến giai đoạn của bệnh. Các giai đoạn ung thư phổi có vai trò rất quan trọng trong việc quyết định phương pháp điều trị và tiên lượng sống còn của bệnh nhân.
Ung thư phổi được chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn càng cao, biểu hiện bệnh càng tiến triển nặng, tiên lượng càng xấu và thời gian sống còn của bệnh nhân càng ngắn. Việc phân giai đoạn ung thư thường dựa vào các yếu tố sau:
- Kích thước và mức độ lan rộng của khối u chính (T): Kích thước của khối u là bao nhiêu? U đã xâm lấn vào các cấu trúc và cơ quan lân cận chưa? Các giai đoạn T được phân thành T1, T2, T3, T4 tùy vào kích thước và mức độ xâm lấn của khối u.
- Sự lây lan đến các hạch bạch huyết lân cận (N): Ung thư đã di căn đến các hạch bạch huyết gần đó chưa? Các giai đoạn N được phân thành N1, N2, N3 tùy vào số lượng các hạch bạch huyết bị ảnh hưởng.
- Sự di căn đến các cơ quan xa (M): Ung thư đã di căn đến các cơ quan ở xa như não, xương, gan, tuyến thượng thận chưa? Phân độ M gồm M0 (không có di căn) và M1 (di căn đến các cơ quan xa).
Dựa trên sự phân độ của T, N, M, ung thư phổi được chia thành các giai đoạn cụ thể như sau:
- Giai đoạn I: Gồm IA (IA1, IA2, IA3) và IB.
- Giai đoạn II: Gồm IIA và IIB.
- Giai đoạn III: Gồm IIIA, IIIB và IIIC.
- Giai đoạn IV: Gồm IVA và IVB.
2. Tổng quan về các triệu chứng của ung thư phổi
Khi bắt đầu xuất hiện, các triệu chứng của ung thư phổi có thể bao gồm:
- Ho mãn tính, khàn tiếng, thỉnh thoảng có đờm lẫn máu.
- Thay đổi trong cơn ho mà bệnh nhân đã mắc từ lâu.
- Nhiễm trùng đường hô hấp tái phát, như viêm phế quản hoặc viêm phổi.
- Khó thở ngày càng nặng.
- Thở khò khè.
- Đau ngực kéo dài.
- Khàn tiếng.
- Khó nuốt.
- Đau vai.
Những vấn đề này thường xảy ra do đường hô hấp bị tắc nghẽn hoặc do ung thư đã xâm lấn sâu vào phổi, các khu vực lân cận hoặc lan rộng ra các bộ phận khác của cơ thể.
3. Các triệu chứng của ung thư phổi theo từng giai đoạn
3.1 Triệu chứng của ung thư phổi giai đoạn I
Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn đầu thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Ung thư phổi giai đoạn I thường được phát hiện qua các khám sàng lọc, chứ không phải do người bệnh cảm nhận thấy sự bất thường. Nếu xuất hiện triệu chứng, chúng có thể bao gồm:
- Ho, đặc biệt là ho mới xuất hiện, ho kéo dài hoặc ho có đờm và máu.
- Khó thở.
- Đau ngực.
- Nhiễm trùng tái diễn thường xuyên, như viêm phế quản hoặc viêm phổi.
3.2 Triệu chứng của ung thư phổi giai đoạn II
Các triệu chứng ung thư phổi giai đoạn 2 thường rất khó nhận biết và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng sau:
- Ho kéo dài, thường xuyên, có thể kèm theo đờm hoặc ho ra máu.
- Thở khò khè, khó thở, biểu hiện giống như bệnh lao phổi.
- Đau tức ngực ngày càng trở nên nghiêm trọng.
- Giọng nói thay đổi, khàn đi rõ rệt, thậm chí mất giọng do khối u chèn ép vào thanh quản.
- Một số bệnh nhân có thể cảm thấy mệt mỏi và sốt, đặc biệt nếu hệ miễn dịch yếu.
- Sụt cân nhanh, không rõ nguyên nhân.
- Xuất hiện hạch bạch huyết sưng to ở các khu vực như nách, bẹn và cổ, nhưng không đau mà chỉ cảm thấy cứng.
Khi có những triệu chứng này, bạn cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được kiểm tra và có phương pháp điều trị kịp thời.
3.3 Dấu hiệu ung thư phổi giai đoạn 3
Ung thư phổi giai đoạn 3 được coi là giai đoạn nguy hiểm, với tiên lượng xấu và khả năng sống sót thấp. Vì vậy, việc phát hiện và điều trị bệnh càng sớm càng tốt là vô cùng quan trọng. Để không làm giảm hiệu quả điều trị, người bệnh có thể nhận biết ung thư phổi giai đoạn 3 qua các triệu chứng sau:
- Ho dai dẳng, viêm phế quản hoặc viêm phổi tái phát nhiều lần mặc dù đã được điều trị.
- Ho kèm theo khạc đờm có máu.
- Đau hoặc tức ngực thường xuyên.
- Mệt mỏi, cảm giác hụt hơi, khó khăn khi leo cầu thang hoặc khi thực hiện các bài tập thể dục nhẹ.
- Suy nhược cơ thể, giảm cân nhanh chóng không rõ nguyên nhân.
3.3 Triệu chứng ung thư phổi giai đoạn cuối
Khi ung thư phổi tiến đến giai đoạn này, tế bào ung thư đã lan rộng ra nhiều khu vực trong phổi, xâm lấn chất lỏng xung quanh phổi hoặc di căn đến các cơ quan khác trong cơ thể. Ngoài những triệu chứng liên quan đến đường hô hấp như ho và thở khò khè, người bệnh có thể gặp phải các dấu hiệu như:
- Mệt mỏi.
- Cảm giác yếu ớt.
- Mất cảm giác ngon miệng.
- Sụt cân.
- Đau đầu, tê liệt hoặc co giật nếu ung thư đã di căn đến não.

4. Các triệu chứng ung thư phổi ít gặp hơn
Một số triệu chứng của ung thư phổi có thể ảnh hưởng đến các phần cơ thể không trực tiếp liên quan đến phổi. Những dấu hiệu này bao gồm:
- Thay đổi ở ngón tay, hay còn gọi là "chứng phì đại đầu chi". Móng tay có thể cong hơn bình thường, da và móng tay trông bóng loáng và đầu ngón tay có thể to lên.
- Tình trạng tăng canxi máu, có thể gây ra các triệu chứng như buồn nôn, khát nước, tiểu tiện thường xuyên và lú lẫn.
- Hội chứng Horner, gây ra tình trạng sụp mí mắt, đồng tử co nhỏ và giảm tiết mồ hôi ở một bên mặt.
- Mặt, cổ hoặc cánh tay có thể bị sưng lên do khối u làm cản trở lưu thông máu.
5. Triệu chứng ung thư phổi trên da
Ngoài các vấn đề liên quan đến mồ hôi do hội chứng Horner, ung thư phổi còn có thể gây ra một số vấn đề về da, bao gồm:
- Vàng da: làm cho da và lòng trắng mắt có màu vàng.
- Dễ bầm tím: xảy ra khi ung thư ảnh hưởng đến tuyến thượng thận.
Ung thư phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở cả nam và nữ. Tỷ lệ ung thư phổi có xu hướng giảm, nhưng mức độ giảm vẫn chưa đáng kể, đặc biệt là đối với phụ nữ trẻ. Các chuyên gia hiện vẫn chưa xác định rõ lý do tại sao tình trạng này lại xảy ra. Đột biến gen có thể là một yếu tố tác động. Ung thư phổi thường liên quan đến nam giới lớn tuổi có tiền sử hút thuốc, vì vậy bác sĩ có thể không nghi ngờ một phụ nữ trẻ không hút thuốc đến khám với phải các triệu chứng chung (như ho hoặc nhiễm trùng đường hô hấp thường xuyên) mắc ung thư phổi.
6. Các triệu chứng của ung thư phổi theo từng loại
Ung thư phổi có hai loại chính: ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC). Trong đó, NSCLC phổ biến hơn, chiếm khoảng 85% tổng số ca ung thư phổi. NSCLC lại có ba loại phụ chính:
- Ung thư biểu mô tuyến: Thường phát triển ở các lớp ngoài của phổi. Phụ nữ mắc loại này nhiều hơn và có nhiều trường hợp bệnh nhân chưa từng hút thuốc.
- Ung thư biểu mô vảy: Thường hình thành ở trung tâm của phổi, gần các ống khí (phế quản).
- Ung thư tế bào lớn: Có thể phát sinh ở bất kỳ vị trí nào trong phổi và thường phát triển nhanh hơn so với hai loại ung thư còn lại.
Về phần SCLC, có hai loại chính dựa trên hình dạng của tế bào dưới kính hiển vi: ung thư tế bào nhỏ và ung thư tế bào nhỏ/lớn hỗn hợp (thường gọi là ung thư phổi tế bào nhỏ kết hợp). SCLC thường có mối liên hệ chặt chẽ với việc hút thuốc lá.
Cả SCLC và NSCLC đều có những triệu chứng chung như ho, đau ngực, thở khò khè và khàn tiếng.
Triệu chứng của ung thư phổi không tế bào nhỏ (NSCLC): Ung thư phổi không tế bào nhỏ có khả năng gây ra hội chứng Horner nhiều hơn SCLC. Hội chứng này là sự kết hợp của các triệu chứng ảnh hưởng đến đồng tử, mí mắt và mồ hôi ở một bên mặt.
Triệu chứng của ung thư phổi tế bào nhỏ (SCLC): Ung thư phổi tế bào nhỏ có xu hướng phát triển nhanh và lan rộng sang các bộ phận khác trong cơ thể. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như:
- Đau xương.
- Lú lẫn.
- Co giật.
- Liệt.
SCLC cũng dễ dàng gây ra tình trạng tăng canxi máu và ảnh hưởng đến tuyến thượng thận nhiều hơn so với NSCLC.

7. Khi nào nên tư vấn với bác sĩ về dấu hiệu ung thư phổi
Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào liên quan đến bệnh phổi, đặc biệt là ho kéo dài, đờm có lẫn máu, thở khò khè, khàn tiếng hoặc nhiễm trùng phổi tái phát, mọi người hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra và có thể yêu cầu bạn thực hiện chụp X-quang hoặc các xét nghiệm khác để xác định khả năng mắc ung thư phổi.
Nếu đang gặp phải các triệu chứng sau, hãy đến phòng cấp cứu ngay lập tức:
- Ho ra nhiều máu.
- Khó thở đột ngột.
- Yếu đột ngột.
- Vấn đề về thị lực đột ngột.
- Đau ngực không thuyên giảm.
Các triệu chứng của ung thư phổi thường không đặc hiệu, khó nhận biết và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Chính vì vậy, nhiều người đã bỏ qua các dấu hiệu này và bỏ lỡ cơ hội phát hiện sớm, dẫn đến việc điều trị không đạt hiệu quả cao.
Ngoài việc khám khi có triệu chứng bất thường, việc tầm soát ung thư định kỳ là rất quan trọng. Mọi người nên đi khám sức khỏe định kỳ từ 1-2 lần mỗi năm để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh và có phương án điều trị kịp thời từ giai đoạn đầu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.