Cách để điều trị dứt điểm tắc ruột thường phụ thuộc vào nguyên nhân gốc rễ và mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Trong nhiều trường hợp, phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả nhất. Các bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để loại bỏ nguyên nhân gây tắc, chẳng hạn như cắt bỏ khối u, gỡ dính ruột hoặc sửa chữa các đoạn ruột bị tổn thương.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hùng Cường - Bác sĩ Ngoại Tiêu hóa - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Hỏi
Chào bác sĩ,
Hồi nhỏ lúc 6 tuổi em có mổ tắc lồng ruột ở bệnh viện đa khoa, đến năm em 17-18 tuổi em lại bắt đầu bị tắc ruột trở lại, khoảng 1- 2 năm bị một lần, dạo gần đây khoảng 1 năm nay em bị thường xuyên hơn (3 - 4 tháng bị 1 lần ) làm em rất mệt mỏi. Bác sĩ cho em hỏi cách để điều trị dứt điểm tắc ruột? Mong bác sĩ tư vấn giúp. Em xin cảm ơn.
Lê Ngọc Kỳ (1990)
Trả lời
Với câu hỏi “Cách để điều trị dứt điểm tắc ruột?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Sau khi thực hiện phẫu thuật ổ bụng, có nguy cơ xảy ra tình trạng dính ruột. Bạn nên tái khám với bác sĩ chuyên khoa ngoại tiêu hóa để được kiểm tra cụ thể. Nếu tình trạng tắc ruột kéo dài và không thuyên giảm, có thể cần phải phẫu thuật để xử lý tình trạng dính ruột.
Bạn nên hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu chất xơ (như măng), món có vị chát (như ổi xanh, hồng xiêm), cũng như những món ăn khó tiêu như vó bò để phòng ngừa tình trạng tắc ruột.
Để cung cấp thêm thông tin cho bạn, dưới đây là thông tin về cách điều trị tắc ruột.
1. Tắc ruột là gì?
Tắc ruột là gì? Tắc ruột xảy ra khi một phần hoặc toàn bộ ruột non, ruột già bị tắc nghẽn, khiến quá trình vận chuyển thức ăn và chất thải bị cản trở hoặc chậm lại. Bình thường, ruột hấp thụ dưỡng chất từ thức ăn và đưa chất thải xuống trực tràng để đào thải. Khi bị tắc, chức năng này bị gián đoạn, làm đoạn ruột phía trên giãn to, đoạn bị nghẽn có nguy cơ viêm nhiễm. Nếu không can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến vỡ ruột, gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
2. Tắc ruột có phải mổ không?
Tắc ruột có phải mổ không? Phẫu thuật tắc ruột là cần thiết trong một số trường hợp, nhưng không phải lúc nào cũng bắt buộc. Khi bệnh diễn tiến nặng, bác sĩ sẽ can thiệp bằng phẫu thuật để loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn, cắt bỏ phần ruột bị tổn thương hoặc điều chỉnh vị trí bị tắc. Tuy nhiên, nếu tình trạng tắc ruột chưa nghiêm trọng, người bệnh có thể được điều trị bằng phương pháp ít xâm lấn kết hợp với thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt.
3. Mổ tắc ruột có nguy hiểm không?
Mổ tắc ruột có nguy hiểm không phụ thuộc vào sức khỏe, tuổi tác và mức độ tắc nghẽn của bệnh nhân. Nguy cơ tử vong sau phẫu thuật khá cao, biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, tỉ lệ tử vong trong 30 ngày dao động từ 5% – 30% đối với tắc ruột non và 10% – 20% đối với tắc ruột già.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể gặp phải nhiều biến chứng như:
- Chảy máu.
- Nhiễm trùng vết mổ.
- Tụ dịch hoặc áp xe ổ bụng.
- Rò rỉ tại vị trí nối ruột.
- Liệt ruột sau mổ.
- Tắc ruột sớm.
- Tổn thương nội tạng.
- Nguy cơ tắc ruột do dính vết mổ về sau.
4. Cách để điều trị dứt điểm tắc ruột
Cách để điều trị dứt điểm tắc ruột phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Trước tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng để đánh giá triệu chứng như mức độ đau bụng, tình trạng nôn, bí đại tiện, chướng bụng hay có dấu hiệu thoát vị. Đồng thời, kiểm tra trực tràng để xác định có khối u hay không. Sau đó, các xét nghiệm như siêu âm, X-quang, CT-scan sẽ được thực hiện nhằm xác định mức độ tắc, nguyên nhân và hướng điều trị.
Phương pháp điều trị có thể bao gồm dùng thuốc, truyền dịch, đặt ống thông dạ dày hoặc phẫu thuật. Trường hợp tắc ruột cơ năng hoặc một số dạng tắc ruột cơ học, bác sĩ có thể chỉ định điều trị nội khoa bằng cách hút dịch qua ống thông, dùng kháng sinh, nhịn ăn và truyền dịch. Nếu sau 24-48 giờ không cải thiện, phẫu thuật sẽ được cân nhắc.

Trong các trường hợp nặng như tắc ruột hoàn toàn, phẫu thuật là cần thiết để xử lý nguyên nhân, có thể bao gồm gỡ dính ruột, tháo xoắn ruột, cắt đoạn ruột bị hoại tử hoặc loại bỏ khối u. Sau phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi và chăm sóc với các biện pháp như hút dịch, bổ sung nước, dùng thuốc giảm đau, kháng sinh và phòng ngừa biến chứng.
Nếu bạn vẫn còn băn khoăn về tình trạng tắc ruột, hãy đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để được khám và tư vấn chi tiết. Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn luôn khỏe mạnh!
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.