Cảnh giác tắc ruột do bã thức ăn

Mục lục

Tắc ruột do bã thức ăn là một tình trạng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Đây là một vấn đề y tế cấp cứu cần được phát hiện và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm. Trong bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cần lưu ý giúp chúng ta nhận diện sớm và xử lý đúng cách.

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Đơn nguyên Nội Tiêu hóa – Nội soi, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

1. Tắc ruột do bã thức ăn là gì?

Tắc ruột do bã thức ăn là một cấp cứu ngoại khoa phổ biến tại các bệnh viện. Tình trạng này xảy ra khi một khối bã (từ thực vật, động vật, lông tóc hoặc hỗn hợp nhiều loại) hình thành trong dạ dày và di chuyển xuống gây tắc ruột non. Phần lớn các trường hợp đều cần can thiệp phẫu thuật để loại bỏ khối bã.  

Những đối tượng dễ mắc phải tình trạng này bao gồm:

  • Người từng phẫu thuật cắt dạ dày.
  • Người cao tuổi bị mất răng.
  • Bệnh nhân viêm tụy mạn tính có hệ tiêu hóa kém.
  • Trẻ em ăn quá nhiều hoa quả.
  • Người tiêu thụ lượng lớn chất xơ.

2. Tại sao bã thức ăn có thể gây tắc ruột?

Nguyên nhân tắc ruột là do bã thức ăn chứa nhiều sợi dai, xơ và khó tiêu hóa. Khi người bệnh bị giảm độ toan dịch vị, suy giảm chức năng tụy ngoại tiết, viêm xơ tụy, suy tụy hoặc gặp khó khăn trong việc nhai do đau răng, rụng răng, quá trình tiêu hóa càng trở nên khó khăn. Đây là nguyên nhân khiến bã thức ăn dễ tích tụ thành khối và gây tắc ruột. 

Đối tượng dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là những người già răng bị rụng.
Đối tượng dễ bị tắc ruột do bã thức ăn là những người già răng bị rụng.

3. Dấu hiệu tắc ruột do bã thức ăn

Một số triệu chứng tắc ruột do bã thức ăn mà người bệnh có thể gặp phải bao gồm:  

  • Đau bụng: Đây là dấu hiệu điển hình, xảy ra đột ngột hoặc dữ dội, với cường độ đau ngày càng tăng. Ban đầu, cơn đau thường khu trú ở trên rốn, quanh rốn hoặc hai bên bụng, sau đó nhanh chóng lan rộng ra toàn bộ vùng bụng.  
  • Buồn nôn, nôn: Người bệnh có thể buồn nôn hoặc nôn, tuy nhiên, trong một số trường hợp chỉ có cảm giác buồn nôn nên dễ chủ quan. Ngoài ra, người bệnh có thể xuất hiện các cơn đau do tăng nhu động và phản nhu động ruột. Ban đầu, chất nôn có thể là thức ăn, sau đó là dịch mật và dịch tiêu hóa. Nếu nôn ra phân, điều này cho thấy tắc ruột đã ở giai đoạn muộn, thường đi kèm với tình trạng chướng bụng.  
  • Bí trung đại tiện: Đây là dấu hiệu quan trọng cho thấy sự ngưng trệ lưu thông trong ruột, cũng là triệu chứng lâm sàng giúp chẩn đoán tắc ruột. Tuy nhiên, triệu chứng này đôi khi khó xác định do mang tính chủ quan và dễ bị bỏ qua. 
Bất kỳ bệnh nhân nào bị tắc ruột do bã thức ăn đều có biểu hiện đau bụng.
Bất kỳ bệnh nhân nào bị tắc ruột do bã thức ăn đều có biểu hiện đau bụng.

4. Tắc ruột do bã thức ăn có nguy hiểm không?

Bệnh nhân bị tắc ruột sẽ gặp phải rối loạn tại đoạn ruột phía trên vị trí tắc. Những rối loạn này diễn ra nhanh chóng và ngày càng nghiêm trọng, dẫn đến tổn thương thành ruột.  

Ngoài ra, đoạn ruột phía trên chỗ tắc bị trướng và căng giãn do tích tụ hơi và dịch ứ đọng. Áp lực trong lòng ruột tăng cao gây ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch và giảm tưới máu mao mạch, khiến niêm mạc ruột bị tổn thương, phù nề, xung huyết. Điều này làm suy giảm hoặc mất khả năng hấp thu, dẫn đến tình trạng ứ đọng dịch trong lòng ruột.  

Nôn nhiều cũng góp phần giảm sự ứ dịch và áp lực trong ruột nhưng lại làm trầm trọng hơn tình trạng mất nước, rối loạn điện giải và mất cân bằng kiềm toan, có thể dẫn đến suy thận cơ năng nguy hiểm.  

Bên cạnh đó, tình trạng chướng bụng, ứ dịch hơi trong ruột và dịch tiết vào ổ bụng khiến cơ hoành bị đẩy lên cao. Kết hợp với việc hạn chế các động tác hô hấp, điều này làm giảm thông khí phổi, ảnh hưởng đến cơ chế bù trừ của cơ thể.  

Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, tắc ruột nguyên nhân do bã thức ăn có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng. Vì vậy, cần đặc biệt cảnh giác với căn bệnh này.

5. Các biện pháp phòng ngừa

Người cao tuổi có nguy cơ cao bị tắc ruột do bã thức ăn, vì vậy khi chế biến thực phẩm, nên ưu tiên các món mềm, dễ tiêu hóa và ít chất xơ. Bên cạnh đó, cần lưu ý thời điểm ăn uống, tránh ăn khi bụng đói, vì lúc này dạ dày trống rỗng và nồng độ HCl cao, dễ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa. Một số loại hoa quả giàu chất xơ và nhựa có thể kết tủa, làm các sợi xơ thực vật kết dính với nhau, hình thành khối bã rắn chắc, làm tăng nguy cơ tắc ruột.

Một số biện pháp phòng ngừa tắc ruột bao gồm:  

  • Chế biến thực phẩm kỹ lưỡng, nấu chín, ninh nhừ và nhai kỹ trước khi ăn.  
  • Uống đủ nước mỗi ngày, tối thiểu 2 lít, để hỗ trợ tiêu hóa và giảm nguy cơ tắc ruột.  
  • Duy trì thói quen tập thể dục thường xuyên để kích thích nhu động ruột, giúp quá trình tiêu hóa và lưu thông tốt hơn.  
  • Tránh nuốt trực tiếp thức ăn cứng, dai, vì có thể trở thành nhân kết dính với các thực phẩm khác, tạo thành khối bã.  
  • Bổ sung rau có độ nhớt như đậu bắp, rau đay, rau mồng tơi để hỗ trợ tiêu hóa, thấm hút nước và ngăn ngừa táo bón.  
  • Hạn chế ăn quá nhiều trái cây có vị chát, không ăn khi đói hoặc kết hợp với thực phẩm giàu đạm để tránh nguy cơ hình thành bã thức ăn. 
Tập thể dục thường xuyên giúp tiêu hóa và lưu thông trong ruột tốt hơn, tránh tắc ruột.
Tập thể dục thường xuyên giúp tiêu hóa và lưu thông trong ruột tốt hơn, tránh tắc ruột.

Tóm lại, hầu hết các trường hợp tắc ruột do bã thức ăn đều cần can thiệp phẫu thuật khẩn cấp. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như thiếu máu ruột, vỡ ruột, nhiễm trùng ổ bụng, rối loạn điện giải, nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong. Vì vậy, khi có dấu hiệu đau bụng, chướng bụng bất thường, người bệnh không nên chủ quan hay tự ý dùng thuốc mà cần đến cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.  

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sở hữu đầy đủ trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Nội tiêu hóa giàu kinh nghiệm, có thể thực hiện hiệu quả các phương pháp chẩn đoán và điều trị tắc ruột. Với chất lượng dịch vụ y tế chuyên nghiệp, Vinmec mang đến sự yên tâm và hài lòng cho bệnh nhân.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ